Theo dõi trên

Chống rác thải nhựa không chỉ “một sớm một chiều”

17/12/2019, 15:55 - Lượt đọc: 84

BT- Tình trạng rác thải nhựa đưa ra môi trường làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đến sức khỏe con người, đây là vấn đề không chỉ nhức nhối ở nước ta mà cả trên toàn cầu và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Vấn đề giải quyết rác thải nhựa đã được Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, qua đó Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các hoạt động chống rác thải nhựa. Đặc biệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong việc nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Từ đó, phong trào chống rác thải nhựa đã được nhiều đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cùng bắt tay thực hiện để giải quyết. Tuy nhiên, việc chống rác thải nhựa không chỉ “một sớm một chiều” mà phải lâu dài. Bởi lẽ nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân đã có thói quen trong sinh hoạt, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Do vậy phải có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Với tinh thần đó, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ doanh nghiệp hoạt động về du lịch sẽ dùng những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường và các siêu thị trên địa bàn tỉnh không dùng túi nilon phục vụ khách hàng. Để đạt được mục tiêu trên, trước mắt việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, giáo dục thói quen không xả rác thải nhựa bừa bãi của người dân và du khách phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương, nhất là ngành du lịch phải làm thay đổi được hành vi, thói quen của người dân và du khách sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, túi nilon khó phân hủy… UBND tỉnh còn yêu cầu các ngành, địa phương trong tỉnh phải chỉ đạo quyết liệt làm hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, thay vào đó sử dụng các vật dụng thay thế khác. Cùng với đó phát động phong trào không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế sử dụng sản phẩm này trong việc mua sắm văn phòng phẩm tại cơ quan, đơn vị, tích cực tái sử dụng các loại bì nhựa, hộp nhựa đựng tài liệu. UBND tỉnh còn kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước phải gương mẫu đi đầu trong việc thay đổi nhận thức, thói quen và hạn chế dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở và gia đình, đồng thời vận động người thân cùng thực hiện.

Là địa phương ven biển, ngoài việc phát động cán bộ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hạn chế, tiến tới không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, huyện Tuy Phong còn tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng ở các khu vực ven biển, dọc đường giao thông và trong khu dân cư, làm đẹp vệ sinh môi trường. TP. Phan Thiết là thành phố du lịch, chính vì vậy lượng rác thải nhựa xả ra môi trường là rất lớn. Ngoài ra, lượng rác thải nói chung và rác thải nhựa nói riêng tạt vào các bờ biển tại TP. Phan Thiết không hề nhỏ gây bức xúc cho người dân và khách du lịch. Trước tình trạng đó, UBND TP. Phan Thiết đã có nhiều biện pháp để khắc phục như: yêu cầu UBND các phường, xã phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận triển khai thu gom rác thải trôi dạt vào bờ biển. Huy động các cơ sở kinh doanh về dịch vụ, du lịch cùng tham gia thu gom, xử lý rác thải, đồng thời vận động du khách không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, resort đã bắt đầu chiến dịch nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

Những giải pháp trên mới chỉ là bước đầu, còn về lâu dài cần phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, sự tham gia giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí. Phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Mở rộng và phát huy vai trò của các cấp, ngành, địa phương trong việc chống rác thải nhựa, thúc đẩy hợp tác về chống rác thải nhựa…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống rác thải nhựa không chỉ “một sớm một chiều”