Theo dõi trên

Ba người thầy của tôi

13/12/2019, 09:31

 BT-  Trong đời học chữ và học nghề của mình, tôi biết ơn nhiều thầy cô giáo đã tận tâm tận tình tận tụy dạy dỗ đứa học trò không được sáng dạ mà chỉ giỏi mộng mơ, tâm trí thường leo qua cửa sổ trên tầng một của Trường Phan Bội Châu chực chờ bay lượn qua sân bóng rồi hạ cánh ở đâu đó, quán cà phê Nhất Phương trên đường Nguyễn Hoàng chẳng hạn, hay lưu lạc trên hàng trụ thấp của vườn bông lớn bên dòng sông, lặng lẽ ngắm bầy vông thả những cánh hoa thanh mảnh đỏ thắm hay lâng lâng ngắm cây cầu sắt vào sớm tinh mơ sương mù dâng đầy lòng sông, thao thức với ý nghĩ cực kỳ lãng mạn (mà một cô bạn học gọi là… lãng xẹt) là nếu mình nhảy từ trên cầu xuống thì chắc chắn thân thể sẽ lượn lờ la đà lâu lắm mới chạm mặt nước vì có lớp sương mù nâng lên.

                
Bìa tập thơ Tình Trương Chi của tác giả    Trần Công Ân tức Thích Châu Quang.

Mấy năm cấp 3, tôi không ưa hai môn học toán và vật lý (mà hình như cũng không ưa tất cả các môn học khác). Thầy Phạm Lương Hào dạy môn toán, còn thầy Lê Hồ dạy môn vật lý. Tuy không ưa và còn sợ nữa, hai môn học này nhưng đối với hai thầy tôi không hề có ác cảm, riêng đối với thầy Hào tôi còn có một tình cảm thật đặc biệt. Nhiều buổi không đến trường, bạn tôi, Xuân Cò còn lái chiếc Honda 78, để thầy Hào ngồi giữa và tôi ngồi sau, chạy đi uống cà phê. Thầy Hào nhỏ con, ốm yếu so với hai thằng học trò bặm trợn nên cảnh sát công lộ không thể nào biết xe máy chở 3. Thầy Hào thích hút thuốc bằng ống píp. Giờ giải lao, thầy đứng trên lầu thả khói thuốc Half and Half thơm dịu dàng mùi anh đào làm các bạn trai thích lên cơn ghiền thuốc lá.

Khoảng năm 1970 chúng tôi đã đọc tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh do thầy Hào dấm dúi cho mượn. Lúc này thầy ở trong căn phòng nhỏ trong khuôn viên nhà máy nước đá Trung Nam của một người gốc Huế với thầy. Nhiều bạn tôi thường tụ tập ở đây để học tập, làm báo tường, làm báo quay roneo. Tờ báo roneo Tuổi Việt Nam của một nhóm học sinh Phan Bội Châu ra gần chục số đặt “tòa soạn” tại đây. Một đêm, đích thân trung tá Hồ Đức Nhị, Trưởng ty Cảnh sát Bình Thuận chỉ huy một đại đội cảnh sát dã chiến khám xét nhà máy nước đá Trung Nam, cả nơi ở của thầy Hào. Cảnh sát không tìm thấy tài liệu tuyên truyền hay chất nổ của cộng sản như tin báo họ nhận được.

Những năm 1972 - 1973 lũ học trò chúng tôi bị Lệnh tổng động viên đuổi chạy hụt hơi, đứa nào không đậu tú tài là thay đổi địa chỉ từ nhà trường thành quân trường ngay, nên rất lâu sau ngày thầy Hào và thầy Hồ không còn ở Phan Thiết tôi mới biết. Hai thầy bị trả về Bộ Giáo dục vì… không chịu tự nguyện làm đảng viên đảng dân chủ, cái đảng do nhà cầm quyền thành lập và bắt buộc công chức, quân nhân phải… tự nguyện vào. Hai thầy là công chức mà không vâng lời thì bị… đuổi là cái chắc. Từ đó, chúng tôi bặt tin hai người thầy của mình.

Khoảng năm 1977, một người bạn học thông báo đã tìm ra thầy Hào. Chu Văn Cường, bạn lớp tôi, làm nhân viên ở ủy ban một phường thuộc quận 3, TP. Hồ Chí Minh, một hôm ngồi duyệt sổ mua nhiên liệu bỗng phát hiện chủ hộ Phạm Lương Hào ở cùng phường với mình. Từ đó mỗi khi có dịp, chúng tôi lại đến thăm thầy và không mời thầy uống cà phê như xưa mà mời thầy làm vài ve cho tình thầy trò thêm phần thắm thiết. Gặp lại thầy Hào chúng tôi mới biết sau khi bị không cho dạy học ở Trường Phan Bội Châu - Phan Thiết, hai thầy bị đầy xuống Trường trung học Kiên Tân – Kiên Giang. Sau tháng 4/1975, thầy Hào về dạy tại Sài Gòn, còn thầy Hồ chọn Kiên Giang làm quê hương.

Tôi không lĩnh hội được tí tẻo nào về môn toán của thầy Phạm Lương Hào cũng như môn vật lý của thầy Lê Hồ, vì tại tôi chứ không phải tại hai thầy, nhưng hai thầy đã dạy tôi về sĩ khí của người trí thức, về nhân cách của con người, về bản lĩnh ứng xử trước bạo quyền.

Người thầy thứ ba mà tôi vẫn hằng nhớ đến là thầy Trần Công Ân. Nếu không được thầy Trần Công Ân dạy thêm môn quang học, tôi rớt tú tài là cái chắc và không biết đời tôi mười mấy bến nước sẽ tấp vào cái bến nào. Thầy Ân giảng bài rất dễ hiểu còn học phí thì chỉ bằng phân nửa các thầy cô khác. Tụi tôi hay đùa vì thầy ăn chay nên không cần thu nhiều tiền chứ rất hiểu tấm lòng của thầy đối với học trò.

Tôi còn khoái thầy Ân vì tôi giống thầy ở cái khoản… làm thơ. Thơ tình. Thầy Ân đi dạy học mặc áo màu lam nhà Phật vì ngoài là thầy giáo còn là thầy tu. Có nhiều chuyện kể quanh ông thầy giáo thầy tu này, tôi nhiều lần gạ chuyện để biết ngọn nguồn con đường thầy đến cửa Phật nhưng thầy chỉ mắng yêu… thằng ni nhiều chuyện, chứ không thổ lộ nguyên nhân dẫn đến con đường tu hành của thầy. Năm 2007, chị Nguyễn Thị Bốn, cựu học sinh Phan Bội Châu niên khóa 1964 – 1971 in tập thơ Tình Trương Chi cho tác giả Trần Công Ân, tức Thích Châu Quang. Bìa 4 tập thơ giới thiệu nhà thơ Trần Công Ân pháp tự Thích Châu Quang (SN 1937) tại Huế, học Đại học Y và Đại học Khoa học Sài Gòn, từ 1962 đến 1975 dạy học ở Huế và Phan Thiết, xuất gia năm 1967. Người quy y cửa Phật mà còn làm thơ tình? Xin thưa, những bài thơ tình trong tập Tình Trương Chi, thầy của tui làm thời thanh niên chưa khoác áo cà sa, tay còn cầm phấn bảng chứ chưa cầm chuông mõ.

Trang 14 tập thơ Tình Trương Chi có 2 bài cùng tựa Viết nhân dịp đám cưới của M.H. Bài thơ sướt mướt lời oán trách của chàng trai có người yêu quên lời thề hẹn: “Em ra đi cất bước theo chồng/ Anh về khép chặt cõi lòng từ đây”. M.H là người trong mộng của thầy tôi? Ngoài những bài thơ… thất tình, trong tập còn có những bài thầy viết cho các em học sinh như Nhắn nhủ đàn chim non lìa tổ, Lỡ chuyến, Tâm sự ông lái đò, Chim non… Bài Thâu học phí xong in ở cuối tập thơ có những câu đọc nghe rưng rưng: Tiền cầm trên tay/ Mùi mồ hôi đẫm trên giấy/ Mắt lệ nồng cay cay/ Long lanh đôi dòng chảy/ Thương kiếp người, ôi kiếp người buồn thay!... Cuối bài tác giả chua thêm: Làm sau khi bị liệt nửa người mà vẫn dạy (học) và cảm thấy đồng tiền làm ra khó nhọc biết bao. Tuy rằng học phí thầy thu của học trò rất thấp, từ lúc tôi còn đi học cho đến hiện nay.

Lớp học trống vắng, em học sinh cuối cùng đã ra về, người thầy ngồi xe lăn ngậm ngùi cho thân phận, cho kiếp người của mình và cho những ai…

HỒ VIỆT KHUÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba người thầy của tôi