Theo dõi trên

Tạo sự đột phá phát triển đối tượng tham gia BHXH trong doanh nghiệp

12/12/2019, 14:54 - Lượt đọc: 48

BTO- Bình Thuận là tỉnh nghèo, công nghiệp phát triển chưa mạnh, các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong đó, có hơn 50% doanh nghiệp ngoài quốc doanh (khoảng 10.000 lao động) chưa tham gia BHXH. Năm 2019 toàn tỉnh chỉ có 12,8% lao động doanh nghiệp tham gia BHXH. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2021 có 35% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đòi hỏi phải có sự đột phá trong nhận thức và hành động của đơn vị sử dụng lao động và người lao động. Báo Bình Thuận điện tử có cuộc trao đổi với ông Phạm Đình Cang, Trưởng phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng: Ở Bình Thuận phát triển đối tượng tham gia BHXH trong các doanh nghiệp rất khó, vì sao?

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.500 DNNQD/26.000 lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng 1/2 DNNQD hiện có, có quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan Thuế. Như vậy, còn khoảng 1.500 DN/10.000 lao động chưa tham gia BHXH, chủ yếu là các DN nhỏ, sử dụng lao động ít, từ 1 đến 5 lao động.


Mặc dù BHXH từ cấp tỉnh đến huyện thường xuyên tham mưu báo cáo, cung cấp thông tin tình hình các đơn vị tham gia và trích nộp BHXH, BHYT, BHTN để cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị sử dụng lao động cũng như các sở, ban ngành phối hợp trong công tác đôn đốc, xử lý những đơn vị tham gia không đầy đủ cho người lao động trong phạm vi quyền hạn của từng đơn vị. Bên cạnh đó, Ban Lãnh đạo BHXH luôn bám sát tình hình thực tế từng thời điểm để chỉ đạo, điều hành các đơn vị trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH một cách hợp lý và có hiệu quả. Song song đó, BHXH thường xuyên phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông các cấp thực hiện tốt các nội dung quy chế, chương trình, kế hoạch về công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp trong công tác đôn đốc thu nợ và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin liên quan cần thiết; phối hợp Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ công tác Liên ngành tỉnh, huyện cùng cấp thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra và đôn đốc các đơn vị trong việc chấp hành chính sách BHXH, BHYT, BHTN… Tuy nhiên, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH trong các doanh nghiệp rất khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn. Một số doanh nghiệp có địa chỉ khác với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không thông báo đổi địa chỉ nên khó khăn để xác minh, kiểm tra. Một số doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng số lượng lao động ảo, không đúng số đã đăng ký với các cơ quan chức năng; có doanh nghiệp hoạt động thời gian ngắn rồi giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh và ngừng hoạt động do kinh doanh kém hiệu quả, chưa làm thủ tục đóng mã số thuế gây khó khăn trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH. Một số cán bộ chuyên quản thu BHXH chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc DN thực hiện đóng BHXH cho người lao động theo quy định. Công tác quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế: Các cơ quan quản lý Nhà nước hầu như mới chỉ thực hiện việc xem xét cấp giấy phép kinh doanh, thống kê, cấp mã số…, chưa có sự phối hợp thường xuyên với các cơ quan chức năng để kiểm tra, nắm bắt tình hình doanh nghiệp hay đôn đốc, hướng dẫn doanh nghiệp chấp hành các quy định của nhà nước về các lĩnh vực liên quan; chưa có biện pháp quyết liệt để DN thực hiện đúng nghĩa vụ của mình.

Một thực trạng hiện nay là phần lớn các doanh nghiệp mới thành lập ít quan tâm đến chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, nguyên nhân do đâu?

Trong 1.500 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN do cơ quan thuế cung cấp đa số có quy mô nhỏ, siêu nhỏ (dưới 5 lao động) với hình thức hộ kinh doanh cá thể là 902 đơn vị, chiếm 58,8% số đơn vị chưa tham gia. Những đơn vị này chủ yếu sử dụng lao động thời vụ, lao động gia đình… ít quan tâm đến chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nên không đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; có doanh nghiệp còn cố tình trốn tránh, “lách luật” không tham gia hoặc có đăng ký tham gia nhưng chưa đủ số lao động thuộc đối tượng tham gia bắt buộc. Mặt khác, do tác động của tăng lương tối thiểu vùng; tăng mức đóng BHXH, BHYT, BHTN, một số chủ sử dụng lao động tìm cách “lách luật” để trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, như: Giảm lao động chính thức và tăng lao động thời vụ hoặc khoán công nhật. Nguyên nhân chủ yếu là do: Điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh từ trước đến nay chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, du lịch, buôn bán nên việc sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải giải thể, phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến cắt giảm lao động. Số doanh nghiệp tăng mới nhiều, nhưng quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít. Công tác kiểm tra doanh nghiệp chưa được thường xuyên, liên tục do nguồn lực mỏng, nên điều kiện gặp gỡ doanh nghiệp vừa kiểm tra, vừa tuyên truyền còn hạn chế; việc xử lý doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn chưa đủ mạnh nên chưa đảm bảo sự chế tài đối với chủ sử dụng lao động; tạo cho chủ doanh nghiệp còn lợi dụng trốn tránh trách nhiệm, không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Công tác tuyên truyền các chế độ chính sách BHXH ở các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở chưa thật sự thường xuyên và sâu rộng tới người dân và người lao động. Một bộ phận người lao động vì mưu sinh trước mắt mà không dám đấu tranh đòi quyền lợi tham gia BHXH; mặt khác khi được tham gia BHXH người lao động chỉ phải đóng khoảng 10,5% (người sử dụng lao động 21,5%) nhưng họ lại không muốn đóng; người lao động khi ngừng việc thường là muốn thanh toán BHXH ngay, không muốn tiếp tục tham gia do lợi ích trước mắt.

Thời gian qua không ít chủ sử dụng lao động “lách luật” để giảm số lao động tham gia BHXH như: Giảm lao động chính thức, tăng lao động thời vụ; không ký hợp đồng lao động…Ngành BHXH đã có giải pháp gì để hạn chế tình trạng “lách luật” này?

Để hạn chế tình trạng “lách luật” này, ngành BHXH đã đề ra các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền với hình thức tổ chức hội nghị có tính chất chuyên đề để triển khai tới các cấp lãnh đạo nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trong quản lý lao động, quản lý về BHXH trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tuyên truyền để người sử dụng lao động thấy được trách nhiệm pháp lý của mình trong việc đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH của người lao động cũng như để người lao động hiểu rõ hơn quyền lợi khi tham gia BHXH. Phối hợp tốt với đơn vị sử dụng lao động triển khai thực hiện nghiệp vụ theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Tăng cường công tác phối hợp với cơ quan Thuế, Lao động – Thương binh và Xã hội… nâng cao công tác quản lý, hướng dẫn đơn vị chấp hành pháp luật. Tăng cường công tác tham mưu, báo cáo kịp thời với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để chỉ đạo cụ thể đến các ban ngành, đoàn thể, UBND các cấp thực hiện đạt chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH; UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát doanh nghiệp nhằm xác định số doanh nghiệp đang hoạt động; đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn các xã, phường, thị trấn tham BHXH cho người lao động nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cũng chính là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiện tại Bình Thuận mới có 12,8% lực lượng lao động tham gia BHXH. Theo kế hoạch đề ra thì đến năm 2021 toàn tỉnh có 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, liệu có khả thi không? giải pháp gì để thực hiện?

Năm 2017, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 88.596 người, tăng 2,3% so với năm 2016; năm 2018, số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 94.327 người, đạt 101,6% kế hoạch năm, tăng 6,47% so với năm 2017; tính đến 31/10/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 95.552 người, tăng 2,5% (2.361 người) so với cùng kỳ năm 2018. Bình quân trong 3 năm trở lại đây, số người tham gia BHXH bắt buộc tăng chậm, bình quân tăng 3,7%, nếu không có sự đột biến tăng mạnh số lao động tham gia BHXH bắt buộc thì rất khó đạt được mục tiêu trên…

Để đạt được mục tiêu 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, BHXH tỉnh đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, UBND các địa phương triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, đặc biệt là Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH. Đồng thời, xác định thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, các ngành trong hệ thống an sinh xã hội tại địa phương. Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh để xây dựng Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện theo quý; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm tổ chức sơ, tổng kết đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao.Tiếp tục thực hiện các biện pháp cụ thể, quyết liệt để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hạn chế tình trạng nợ đọng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân. Tập trung đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với các đơn vị. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện khởi kiện ra tòa án các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật BHXH, BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong từng lĩnh vực; nâng cao chất lượng phục vụ, thực thi đạo đức công vụ, tạo môi trường làm việc thân thiện, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân./.

Xin cám ơn ông Phạm Đình Cang

LÊ THANH VÀ NGÔ TRÂM (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo sự đột phá phát triển đối tượng tham gia BHXH trong doanh nghiệp