Theo dõi trên

Gần tết, lại sợ “ma men” cầm lái

06/12/2019, 14:09 - Lượt đọc: 24

BT- Tuần qua, một vụ TNGT thảm khốc xảy ra tại tỉnh Phú Yên khi một xe ô tô bán tải lao thẳng vào 2 xe mô tô, 1 xe đạp điện, hậu quả làm 4 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Tài xế Võ Duy Đô không có bằng lái, say rượu (nồng độ cồn vượt quá 3 lần mức quy định) đã bị khởi tố, bắt giam ngay sau đó, nhưng nỗi đau đớn cho các gia đình vừa mất chồng - con thì không biết bao giờ mới nguôi ngoai được.

Chỉ trong năm nay đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến rượu bia: ngày 11/4 tài xế xe Lexus đâm thẳng vào đám tang tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) làm 4 người thiệt mạng, 6 người bị thương, lái xe vừa uống rượu bia trước đó; đêm 22/4 lái xe Hyundai say rượu gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng (Hà Nội), làm nữ công nhân môi trường thiệt mạng tại chỗ; đêm 1/5 tại hầm Kim Liên (Hà Nội), xe ô tô đâm vào xe máy làm 2 phụ nữ thiệt mạng tại chỗ, nồng độ cồn của lái xe vượt mức quy định; ngày 30/9, 3 nạn nhân tử vong trong chiếc Mercedes dưới một con kênh, lái xe vừa mới uống rượu...

Trên đây chỉ là một vài trong hàng ngàn vụ TNGT do lái xe sử dụng rượu bia gây ra mỗi năm. Trước tình trạng nhức nhối ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải tha thiết đề nghị Quốc hội bổ sung quy định “đã uống rượu bia không lái xe” vào dự thảo luật phòng chống tác hại rượu bia. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng với 408/450 đại biểu (84,3%) tán thành, kỳ họp thứ 7 Quốc hội vào tháng 6/2019 vừa qua đã thông qua dự luật Phòng chống tác hại rượu bia. Đây là đạo luật được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm khi cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Từ ngày 1/1/2020 luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.

Cùng với luật hóa quy định cấm uống rượu bia khi lái xe, luật phòng chống tác hại rượu bia còn quy định các quán nhậu phải hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi uống rượu bia. Đồng thời từ tháng 12 này, trong chương trình đào tạo lái xe có thêm nội dung phòng chống tác hại rượu bia khi tham gia giao thông. Dư luận đang hy vọng luật sẽ tạo chế tài nghiêm khắc xử lý nghiêm minh các vi phạm.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Tết Canh Tý 2020, lực lượng CSGT (Bộ Công an) vừa mở đợt cao điểm trật tự an toàn giao thông trong dịp tết Dương lịch và tết cổ truyền, trong đó trọng tâm giai đoạn 1 từ ngày 1-14/12 CSGT toàn quốc sẽ tập trung xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và ma túy.

Ở Bình Thuận, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 348 vụ TNGT, làm thiệt mạng 196 người, bị thương 260 người, trong đó rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, có cả cán bộ, công chức vi phạm. UBND tỉnh vừa có công văn khẩn yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của rượu bia trong an toàn giao thông, nhất là dịp tết nguyên đán tới.

   Thời điểm giáp tết là cao điểm các cuộc liên hoan họp mặt, tổng kết, tất niên “không say không về”. Trong ba ngày tết bảy ngày xuân TNGT tăng đột biến do thói quen và văn hóa sử dụng nhiều rượu bia của người Việt trong ngày tết. Sau tết lại bước vào mùa du xuân trẩy hội... Rượu bia là thủ phạm hàng đầu gây TNGT trước, trong và sau tết. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện luật phòng chống tác hại rượu bia, tết này TNGT liệu có giảm?

Được biết chủ đề của năm An toàn giao thông quốc gia 2020 là “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gần tết, lại sợ “ma men” cầm lái