Theo dõi trên

Ông Stoltenberg: NATO không muốn làm “kẻ thù” của Trung Quốc

03/12/2019, 10:50

Ông Jens Stoltenberg cho biết, NATO cần giải quyết những thách thức do Trung Quốc gây ra, song không muốn làm “kẻ thù” của Bắc Kinh.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg hôm qua (2/12) cho biết, liên minh này cần phải giải quyết những thách thức và cơ hội mà Trung Quốc – quốc gia ngày càng hùng mạnh đặt ra, song ông nói thêm rằng liên minh quân sự 29 thành viên này không muốn làm “kẻ thù” của Bắc Kinh.

                
      
      Tổng thư ký Tổ chức    Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters.

Phát biểu với phóng viên của tờ CNBC tại London, ông Jens Stoltenberg nêu rõ: “Những gì chúng ta thấy là sức mạng ngày càng gia tăng của Trung Quốc đang làm thay đổi cán cân quyền lực trên toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, về quân sự mang đến một số cơ hội cũng như một số thách thức”.

Ông Jens Stoltenberg cho biết, NATO sẽ không can dự vào một khu vực như Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang tham gia vào các dự án kinh tế và quân sự gần hơn với Châu Âu. Biển Đông là khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

“Không có khả năng NATO sẽ tiến vào Biển Đông, nhưng chúng ta phải giải quyết một thực tế là Trung Quốc đang tiến đến gần chúng ta hơn với việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta nhìn thấy họ ở Châu Phi, ở Bắc Cực trong không gian mạng và Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới”, ông Jens Stoltenberg nói thêm.

Tổng thư ký NATO lưu ý rằng: “Thời gian gần đây Trung Quốc đã thể hiện rất nhiều khả năng quân sự hiện đại mới, trong đó có các tên lửa tầm xa liên lục địa có thể vươn tới châu Âu và Bắc Mỹ. Vì thế chúng ta cần đưa vấn đề ra cuộc họp của chúng ta tại London để cùng nhau tìm cách thức đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Ông Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh, liên minh quân sự này không muốn “tạo ra những kẻ thù mới”, đồng thời cho biết “miễn là các đồng minh NATO sát cánh cùng nhau, chúng ta sẽ luôn mạnh mẽ và an toàn…Đến giờ chúng ta vẫn là liên minh quân sự mạnh nhất trên thế giới”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, NATO cần một cách tiếp cận mang tính phối hợp và cụ thể hơn đối với Trung Quốc – quốc gia đang trỗi dậy về mặt kinh tế và năng lực quân sự trong vài thập kỷ qua. CNBC dẫn lời một chuyên gia nhận định, các cuộc thảo luận của NATO về Trung Quốc, diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Bắc Kinh và NATO đang gặp nhiều khó khăn, cùng những cuộc tranh luận giữa các nước phương Tây về mối quan ngại về an ninh do việc Trung Quốc cung cấp công nghệ cho mạng 5G, có thể gây ra nhiều căng thẳng hơn trong liên minh này.

“Mặc dù thảo luận về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong các cuộc họp của NATO là rất quan trọng và đáng hoan nghênh nhưng nó mang đến nguy cơ chia rẽ sâu sắc hơn là hàn gắn về mặt chính trị”, Sarah Raine, Cố vấn cao cấp về địa chính trị và chiến lược tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết.

Hồng Anh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Stoltenberg: NATO không muốn làm “kẻ thù” của Trung Quốc