Theo dõi trên

Lây HIV không liên quan nghề nghiệp

02/12/2019, 09:51

BT- Thời gian “cửa sổ cơ hội” điều trị nhóm phơi nhiễm HIV không liên quan đến nghề nghiệp càng sớm càng tốt, giúp người phơi nhiễm này tránh khỏi tình trạng “nhiễm HIV mãn tính”. Dẫu Bình Thuận chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng nhóm phơi nhiễm này là mối nguy cơ cao trong cộng đồng.

                
   Tư vấn, điều trị cho người nhiễm HIV.

Nếu số tích lũy điều trị ARV trước và sau phơi nhiễm của toàn tỉnh là 1.121 bệnh nhân HIV (điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, trẻ em, rủi ro do tai nạn nghề nghiệp, người có khả năng nhiễm HIV cao…), thì lũy tích số nhiễm HIV đến nay được phát hiện là 6.266 người. Trong đó, 1.450 người có địa chỉ tại Bình Thuận và 4.816 người tại trạm giam. 100% huyện, thị, thành phố đều có người nhiễm HIV, xu hướng trẻ hóa nhóm tuổi 14 – 34. Phan Thiết có số mắc cao nhất tỉnh với 512 người, Phú Quý thấp nhất với 14 người mắc... Riêng năm 2019, thêm 42 trường hợp nhiễm HIV mới có địa chỉ tại Bình Thuận. Trong số các đường lây truyền, thì lây qua đường tình dục thường chiếm tỷ lệ cao hơn 50%. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, mặc dù số nhiễm HIV qua các năm có xu hướng không tăng.

Bên cạnh đó, nhóm phơi nhiễm HIV không liên quan đến nghề nghiệp cũng là mối nguy cơ cao, dẫu Bình Thuận chưa có con số thống kê cụ thể. Với nhóm này, chủ yếu xoay quanh 2 tình huống gồm phơi nhiễm tình dục khi quan hệ không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ, rách hoặc bị cưỡng dâm; phơi nhiễm qua máu do vết thương đâm phải kim hoặc các vật sắc nhọn vứt ra ở các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được, vết thương do người nghi nhiễm HIV cắn gây chảy máu… Đáng quan tâm, nhóm phơi nhiễm HIV ngoài nghề nghiệp không có nguồn hỗ trợ xét nghiệm HIV, xét nghiệm CD4 tải lượng vi rút, thuốc ARV… Hơn thế nữa, dịch vụ điều trị phơi nhiễm cho nhóm ngoài nghề nghiệp tại Bình Thuận cũng chưa có. Đó là thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Các chuyên gia cho rằng, các trường hợp phơi nhiễm có nguy cơ cần được điều trị ARV liên tục trong 4 tuần, càng sớm càng tốt, từ 2 - 6 giờ tính từ lúc phơi nhiễm và không quá 72 giờ. Bởi đây là thời gian “cửa sổ cơ hội”, điều trị ARV có thể dự phòng nhiễm toàn thân, giúp người phơi nhiễm này tránh khỏi tình trạng “nhiễm HIV mạn tính”.

Như vậy, ngoài biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây  nhiễm HIV bằng cách vận động, khuyến  khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế… nhằm tạo điều kiện thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV, thì dịch vụ điều trị cho nhóm phơi nhiễm HIV không liên quan đến nghề nghiệp tại Bình Thuận được hình thành sớm, góp phần tích cực dự phòng bằng ARV giảm nhiễm mới HIV trong cộng đồng. 

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lây HIV không liên quan nghề nghiệp