Theo dõi trên

Gieo chữ trên non cao

20/11/2019, 08:55

BT- Chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp những giáo viên vùng cao trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng, thắp ngọn lửa tri thức nơi vùng cao xa xôi.  

                
   Học sinh sinh hoạt đội.

Ngôi trường trên đồi

Khi có ý định viết về những giáo viên vùng cao, tôi được một lãnh đạo ngành giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc gợi mở: “ huyện này, giáo viên vùng cao xã Đa Mi là vất vả, thiệt thòi nhất. Trong đó, có một ngôi trường tiểu học nằm rất xa, điều kiện còn khó khăn nhưng các giáo viên vẫn kiên cường, vượt khó bám trường, bám lớp đem con chữ đến cho các em. Nếu không ngại đi, cô có thể lên đó để tìm hiểu”. Sau cuộc trò chuyện đó, tôi quyết tâm lên đường tìm đến ngôi trường ấy, dù biết con đường lên đó sẽ gặp không ít khó khăn. Từ TP. Phan Thiết, bằng phương tiện xe máy đi qua những cung đường đèo quanh co, uốn lượn. Sau 2 giờ đồng hồ, dừng chân bên một ngọn đồi, trước mắt tôi là một ngôi trường nhỏ bé, xinh xắn nằm giữa bốn bề đồi núi trập trùng. Vẳng bên tai là tiếng cô giáo dạy học sinh đánh vần lảnh lót, vang vọng cả núi rừng. Để đến được lớp học, tôi phải đi bộ lên những bậc thang, tấm bảng hiệu Trường tiểu học (TH) Đa Mi 1 - Phân hiệu Đa Tro hiện rõ, đây chính là ngôi trường mà lãnh đạo ngành giáo dục huyện nhắc đến.

Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến ngôi trường này, giáo viên rất vui vẻ, cởi mở còn học sinh ngoan ngoãn, lễ phép. Điều đặc biệt, ngôi trường chỉ có 2 giáo viên và 30 học sinh là con em của các hộ dân người Kinh đến đây làm kinh tế mới. Trường TH Đa Mi 1 có 2 phân hiệu, phân hiệu Đa Tro cách điểm trường chính 20 km nên phụ huynh không thể đưa đón con em đến điểm trường chính để theo học. Do đó, điểm trường Đa Tro được thành lập nhằm tạo thuận lợi cho học sinh đi lại. Nhớ lại những ngày đầu hình thành điểm trường Đa Tro, cô Nguyễn Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường TH Đa Mi 1 kể: “Trước đây, nhà trường phải mượn nhà gỗ của dân để tổ chức dạy học cho các em. Lúc đó, điều kiện rất khó khăn, đường sá chưa được xây dựng như bây giờ nên đi lại rất vất vả. Để theo học được con chữ, các em phải dậy từ lúc 5 giờ sáng thắp đuốc băng rừng, lội suối mới đến được điểm học. Đến năm 2007, một hộ dân trong vùng đã tự nguyện hiến đất trên một ngọn đồi để xây dựng Trường TH Đa Mi 1 -phân hiệu Đa Tro và đi vào hoạt động cho đến nay”. Với cơ sở vật chất khá đơn sơ gồm 3 phòng học cấp 4 nhưng chỉ có 2 lớp học ghép (1 lớp là học sinh lớp 1, 2 và lớp còn lại là lớp 3, 4) và bố trí 2 giáo viên đứng lớp. Trường tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, lớp học bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa. Năm học này, do số học sinh lớp 5 (khoảng 3 - 4 em) quá ít nên không đủ điều kiện để mở lớp riêng, do đó các em phải về điểm trường chính hoặc chuyển trường lên huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) để theo học. 

                
   Bó hoa dại của học trò tặng cô Mai nhân    ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Áp lực khi dạy lớp ghép

Trò chuyện với giáo viên giảng dạy ở ngôi trường này, tôi mới thấu hiểu được sự khó khăn, vất vả của các thầy cô. Nhưng có lẽ gian nan nhất là làm sao để truyền tải được một lúc 2 chương trình cho học sinh trong một lớp ghép, nhất là đối với những thầy cô mới lên. Thầy Nguyễn Minh Chí tâm sự: “Năm học này, tôi tình nguyện lên điểm trường Đa Tro để giảng dạy và được giao nhiệm vụ đứng lớp ghép 3, 4. Mới đầu, tôi cũng khá bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc soạn giáo án vì một lúc phải soạn 2 chương trình và 1 tiết học phải giảng dạy 2 trình độ nên cũng rất áp lực. Để các em tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất, tôi phải nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước để tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp. Đến nay, tôi cũng đã quen với cách dạy của lớp ghép”.

Còn với cô Phan Thị Mai hơn 20 năm dạy học ở vùng cao thì có đến 10 năm gắn bó với Trường TH Đa Mi 1 -phân hiệu Đa Tro. Với cô, ngôi trường này như mái nhà thứ 2, cô coi học sinh như những đứa con của mình nên thương yêu dạy dỗ các em từ những điều nhỏ nhất. Cô Mai cho hay: “Học sinh ở đây rất thiệt thòi vì điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đường đến trường rất xa nhưng các em rất ham học, đến lớp đều đặn nên sĩ số lớp luôn được duy trì. Đó chính là động lực lớn nhất giúp chúng tôi kiên cường bám trường, bám lớp để dạy học cho các em”. Vì là người gắn bó lâu năm nhất, cô Mai đã quen với cách dạy học của lớp ghép nên đối với cô không gặp vấn đề gì khó khăn. Ngược lại, cô còn chia sẻ kinh nghiệm cách dạy lớp ghép hiệu quả cho các đồng nghiệp khi lần đầu mới lên nhận nhiệm vụ. Ngoài giảng dạy kiến thức, thầy, cô ở đây còn phải kiêm thêm bộ môn thể dục, hướng dẫn các em sinh hoạtđội, sinh hoạtsao và các kỹ năng sống cơ bản… 

Quà 20/11 là bó hoa dại, mớ rau rừng

Hầu hết các giáo viên đang giảng dạy ở Trường tiểu học Đa Mi 1 đều ở dưới đồng bằng lên. Do đường đi xa xôi nên các giáo viên phải ở lại nhà công vụ ở điểm trường chính để sinh hoạt, cuối tuần mới về nhà. Riêng những giáo viên giảng dạy ởphân hiệu Đa Tro thì sáng phải vượt quãng đường dài 20km từ điểm trường chính và sau giờ tan trường lại trở về đây để cư trú, sinh hoạt. Nhiều thầy, cô giáo có con nhỏ phải mang con theo cho học ở các trường trên này để tiện đưa đón. Tuy Đa Mi là xã thuộc vùng cao, nhưng không phải là xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Do đó, giáo viên giảng dạy ở đây vẫn hưởng chế độ giống giáo viên ở vùng đồng bằng nên thầy cô rất thiệt thòi. Khó khăn, vất vả là thế nhưng những giáo viên ở đây vẫn kiên cường bám trường, bám lớp để “gieo chữ” cho học sinh vùng cao.

Khi hỏi về quà tặng 20/11 của học sinh dành cho thầy, cô giáo nơi đây là gì, cô Mai cười tươi và nói: “món quà mà chúng tôi nhận được trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đôi lúc là tấm thiệp với những lời chúc mừng do tự tay các em làm hay đó là một bó hoa dại, một mớ rau rừng. Nhưng với tôi, đó chính là món quà quý giá, ấm áp nhất từ tấm lòng chân thành, kính trọng của các em”. Chính tình cảm thân thương của phụ huynh và những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em học sinh đã níu giữ bước chân cô không muốn rời đi. Theo nguyện vọng của cô Mai, cô sẽ tình nguyện ở lại điểm trường Đa Tro để giảng dạy cho đến khi nghỉ hưu. Có lẽ, chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp những giáo viên như cô Mai trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng với học sinh vùng cao.

Chiều dần buông, chia tay các thầy, cô giáo trường TH Đa Mi 1, tôi trở về đồng bằng. Bất chợt, cơn mưa rừng ập đến xối xả, trong màn mưa trắng xóa con đường về xuôi càng trắc trở và dài hơn. Thật khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả của những giáo viên dạy học nơi vùng cao xa xôi. Nhưng vượt lên tất cả, họ vẫn đang từng ngày cần mẫn “gieo mầm”, đem ánh sáng tri thức đến với những học sinh vùng cao.

Phóng sự củaTHANH THỦY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gieo chữ trên non cao