Theo dõi trên

Án mạng gia đình: Bao giờ chấm dứt?

19/11/2019, 10:08

BT- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ án mạng mà nạn nhân và kẻ gây án đều là người thân trong gia đình. Phải chăng, chuẩn mực đạo đức xã hội đang bị “xói mòn”?…

 Lúc 19h30 ngày 31/10 tại khu phố 2, phường Phú Thủy, TP .Phan Thiết lại xảy ra vụ án mạng gia đình. Thời điểm đó, Nguyễn Hồng Phúc (SN 1993) nhậu cùng cậu Trần Đương và một số người bạn thì giữa 2 cậu cháu xảy ra mâu thuẫn. Mâu thuẫn mỗi lúc gia tăng, không kiềm chế được cảm xúc, cả 2 dùng hung khí lao vào ẩu đả nhau. Hậu quả, Phúc tử vong tại chỗ, Đương cũng bị đâm nhiều nhát trên cơ thể. Khoảng 21h30 ngày 30/9, Trương Văn Tèo (SN 1981, ngụ xã Phước Thể, Tuy Phong) nhậu cùng em vợ là Võ Anh Tuấn (SN 1982, ngụ thị trấn Liên Hương, Tuy Phong) cũng xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Sau đó, Tuấn quay về nhà cầm dao đến đâm anh Tèo 1 nhát khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Có thể thấy, trong hầu hết các vụ án mạng đều có sự xuất hiện của bia rượu.  Khi nảy sinh mâu thuẫn, cùng với việc đã có men say khiến những người trong cuộc khó có thể kiểm soát được hành vi của mình. Án mạng xảy ra, dẫu có hối hận thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Xót xa hơn khi giữa những con người vốn có quan hệ huyết thống, có tình cảm thân thiết nay lại xảy ra cảnh đâm chém nhau, điều đó luôn để lại những nỗi ám ảnh gia đình, những lo lắng cho cả cộng đồng. Qua phân tích, khoảng 60 - 70% vụ án mạng xảy ra do mâu thuẫn bộc phát, bên cạnh đó có không ít vụ do mâu thuẫn trong cuộc sống hằng ngày nhưng không được giải quyết dứt điểm. Thực trạng trên cũng cho thấy, một số người đang dần mất đi tính chuẩn mực về đạo đức xã hội, phần nhiều vì họ sống ích kỷ, xem trọng cái tôi cá nhân, quá coi trọng giá trị vật chất mà bỏ qua giá trị tình thân, tình người.

Nhiều ý kiến cho rằng, phương pháp giáo dục của gia đình không đúng, môi trường xã hội tác động là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ trọng án. Vì thế, để không xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự, trước hết mỗi gia đình phải chú trọng đến việc giáo dục về đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho con em mình; kịp thời hóa giải các xung đột, không để sự dồn nén, bức xúc kéo dài. Song song đó, các ngành, địa phương cần thường xuyên đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để giúp người dân thực sự hiểu biết về pháp luật, biết về quyền hạn và nghĩa vụ của mình khi tham gia các quan hệ xã hội. Các cấp, các ngành phải tăng cường và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hòa giải vì công tác hòa giải đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở. Tin rằng, khi người dân được bổ sung kiến thức pháp luật cần thiết; và nếu như mọi mâu thuẫn, xích mích nhỏ đều được phát hiện kịp thời, sớm được hòa giải một cách thấu tình đạt lý cùng với tinh thần “một điều nhịn, chín điều lành” sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa những vụ án mạng đau lòng và các hành vi phạm tội khác.

TẤN THÀNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Án mạng gia đình: Bao giờ chấm dứt?