Theo dõi trên

Làm gì để gỡ khó cho ngành du lịch?

15/11/2019, 09:53

BT - Chưa khi nào ngành du lịch của tỉnh lại mất vui như những năm gần đây bởi liên tục xảy ra sự cố, như ô nhiễm môi trường do rác thải, biển xâm thực, rồi đuối nước - yếu tố vô cùng nhạy cảm, ảnh hưởng tâm lý du khách.

24 năm hình thành và phát triển, du lịch Bình Thuận được ví như điểm đến khó bỏ qua của du khách trong, ngoài nước, rồi được giới thiệu nhiều trên các trang mạng xã hội chưa nguôi ngoai, thì nay bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cố đuối nước. Chỉ trong vòng vài ngày của tháng 8 năm nay đã xảy ra 3 vụ đuối nước với 11 du khách thiệt mạng. Sự việc tưởng chừng sẽ dừng lại khi chính quyền các cấp và chủ các cơ sở du lịch liên tục phát đi nhiều khuyến cáo du khách hạn chế tắm biển khi biển động, nhưng sự cố này vẫn xảy ra. Trong tháng 10, người dân phát hiện một nữ du khách Nga nằm tử vong sát mép nước bãi biển Hàm Tiến, trước đó ngày 6/9 một du khách Nga được phát hiện nổi trên mặt biển, nhưng đưa vào bờ sơ cứu đã tử vong, rồi mới đây ngày 9/11 lại xảy ra vụ 3 du khách quốc tịch Nga đuối nước, 1 người tử vong.

Các sự cố xảy ra liên tục trong những năm qua. Ảnh: Đ.Hòa

Sự cố đuối nước liên tiếp ập đến đã ảnh hưởng đến việc thu hút du khách của ngành du lịch, mà tâm lý người đi du lịch cần sự an toàn. Những nhà làm du lịch nay lại gánh thêm nỗi lo vắng khách vì thực trạng đuối nước, ảnh hưởng phần nào đến doanh thu. “Du lịch Mũi Né đang ngày càng thưa dần khách, trước đây còn có nhiều du khách đến lưu trú nghỉ dưỡng lần 2, lần 3 bây giờ hiếm, chỉ khách nào thân quen...”, giám đốc 1 resort ở Khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né chia sẻ.

Các sự cố đuối nước một phần do thiên nhiên, một phần do lỗi của con người chủ quan, thiếu hiểu biết. Song nếu có sự khuyến cáo, cảnh báo ngay từ đầu thì có lẽ ngành công nghiệp không khói này đâu phải “mang tiếng” như bây giờ.

Sau rất nhiều sự cố xảy ra, đa phần khi việc đã rồi mới thấy các ngành chức năng có động thái huy động lực lượng hoặc có văn bản chỉ đạo. Điển hình sự cố rác thải ngập tràn bờ biển có thể giải quyết trong “tầm tay”, nhưng mãi đến khi một nhóm người nước ngoài kêu gọi mọi người chung tay làm sạch bờ biển Mũi Né và báo chí phản ảnh thì mới có chỉ đạo huy động lực lượng... Tương tự sự cố đuối nước, ngay sau các vụ việc đau lòng ấy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận ban hành công văn khẩn tăng cường công tác quản lý phòng chống đuối nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị các địa phương, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, Ban quản lý khu - điểm du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện những phần việc liên quan. Trong đó, nào là kiểm tra, rà soát, tiếp tục tăng cường trang thiết bị, phương tiện để thay thế và bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo công tác cứu hộ, cứu đuối. Tăng cường lực lượng nhân viên trực cứu hộ, cứu đuối sẵn sàng ứng phó kịp thời, đồng thời chủ động tuyên truyền, thông báo đến du khách và kiên quyết, hạn chế cho du khách tắm biển trong điều kiện thời tiết xấu. Khi chưa có biện pháp hữu hiệu, giải pháp tổng thể thì chúng ta cứ mãi chạy đuổi theo vụ việc, làm hàm oan cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Nói vậy, không thể trách cứ ngành nào có liên quan vì “có thực mới vực được đạo”, trong khi kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển đầu tư cho ngành mũi nhọn này thì hạn chế.

Đã đến lúc du lịch Bình Thuận cần nhìn lại và đánh giá toàn diện, thực chất về nhiều mặt trong phối, kết hợp, ứng xử với du khách chứ không phải là những con số khách đến tham quan, doanh thu, thời gian nghỉ dưỡng...

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để gỡ khó cho ngành du lịch?