Theo dõi trên

Sớm có chính sách hỗ trợ tương xứng cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ

14/11/2019, 10:26

BTO - Sáng 13/11, Ông Võ Trọng Việt – Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã trình bày báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về kết quả “thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018”.

Qua báo cáo giám sát, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc quán triệt, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác PCCC; các nhiệm vụ trong công tác PCCC được thực hiện khá đồng bộ; người đứng đầu các cơ quan có liên quan đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ và các quy định của pháp luật về PCCC.

Lực lượng Cảnh sát PCCC đã có nhiều nỗ lực bám sát nhiệm vụ tham mưu và phối hợp triển khai nhiều hoạt động, đẩy mạnh các biện pháp thiết thực phòng ngừa và kiềm chế tình hình cháy, nổ. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC ở địa phương ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, qua thực tế giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại địa phương, đại biểu Phúc cho rằng có một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm hơn.

Thực tế, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCCC đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác PCCC theo quy định tại Điều 63a Luật PCCC.

Tuy nhiên, nhiều nội dung về công tác PCCC giữa các văn bản qui phạm pháp luật còn bất cập, chậm được bổ sung, sửa đổi. Có không ít nội dung còn vướng mắc, không đồng bộ và thay đổi trong thời gian ngắn nên khó khăn khi hướng dẫn thực hiện; thậm chí có văn bản không phù hợp thực tiễn, khó thực hiện nên nhiều văn bản được ban hành nhưng chưa thật sự đi vào thực tiễn. Bà Phúc dẫn chứng: Chưa có qui định cụ thể về chế độ kiểm tra của cơ quan Cảnh sát PCCC ở khu dân cư hoặc qui định về trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tại NĐ 79 là không phù hợp với Luật PCCC; qui định về cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC là còn chung chung, chưa đảm bảo thống nhất các điều kiện ... từ đó đã gây khó khăn, làm hạn chế hiệu lực hiệu quả của công tác PCCC thời gian qua.

Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về PCCC chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tổ chức thường xuyên, chủ yếu tập trung vào một số dịp như: “Ngày toàn dân PCCC”, “Tuần lễ quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ”; hình thức, biện pháp tuyên truyền còn thiếu chiều sâu, chậm được đổi mới; chưa có lực lượng chuyên trách làm công tác tuyên truyền PCCC, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Việc xây dựng mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC chưa được chú trọng, kết quả đạt được chưa rõ nét; kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền còn hạn hẹp ... đã phần nào ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về PCCC.

Mặt khác, công tác xây dựng lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, số đội dân phòng so với địa bàn cần thành lập còn thấp chưa đạt yêu cầu (đội dân phòng đạt tỷ lệ 23%, đội PCCC cơ sở đạt tỷ lệ 66%, đội PCCC chuyên ngành đạt tỷ lệ 63%), việc duy trì hoạt động của các đội dân phòng ở các khu dân cư phường, xã gặp rất nhiều khó khăn. Việc đầu tư trang bị phương tiện của lực lượng cảnh sát PCCC còn thiếu, nhất là xe thang, xe phá dỡ.

Về chế độ, chính sách cho lực lượng Cảnh sát PCCC được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số chế độ, chính sách chưa được bổ sung phù hợp hoặc còn thiếu dẫn đến quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ chưa được bảo đảm.

Nổi rõ là chế độ, chính sách của chiến sĩ thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ vẫn chưa được cụ thể, hoàn thiện và bổ sung theo Quyết định số 44/2012/TTCP; mức tiền ăn, tiền bồi dưỡng đối với chiến sỹ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vẫn thực hiện theo quy định cách đây 10 năm; Mức phụ cấp đặc thù 15% cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ như hiện nay là không còn phù hợp; cán bộ làm nhiệm vụ hậu cần trực tiếp phục vụ công tác chữa cháy chưa có phụ cấp đặc thù.

Để công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới đạt kết quả tốt, ngoài nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công tác PCCC trong thời gian đến, bà Phúc đề nghị Bộ Công an sớm có hướng dẫn về trang bị định mức sử dụng ô tô chuyên dùng theo Nghị định số 85/2018/NĐ-CP ngày 30/5/2018 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân trong đó có lực lượng Cảnh sát PCCC, để các địa phương có cơ sở tiến hành việc mua sắm phương tiện chuyên dùng theo kế hoạch trước đó từ nguồn kinh phí của địa phương; C07 Bộ Công an quan tâm trang bị phương tiện chữa cháy nhất là phương tiện chữa cháy nhà cao tầng, phương tiện CNCH đồng thời trang bị phương tiện tham gia giữ gìn ANTT cho lực lượng Cảnh sát PCCC địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; sớm có qui định chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và CNCH tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ là một ngành nguy hiểm, độc hại.

Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sớm có chính sách hỗ trợ tương xứng cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ