Theo dõi trên

Bình Thuận dẫn đầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam

14/11/2019, 09:53 - Lượt đọc: 24

BT - Bình Thuận là 1 trong số 13 địa phương trong cả nước có đường cao tốc đi qua có tổng chiều dài 160 km với 3 đoạn tuyến triển khai là Cam Lâm – Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo – Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây. Tổng vốn đầu tư dự án gần 40.000 tỷ đồng và có 1.179 ha đất bị thu hồi và nhiều hộ dân, công trình khác phải di dời. Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh cho hay: “Các công việc xét tính pháp lý cấp xã, cấp huyện, niêm yết, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành. Toàn tỉnh đã chi trả bồi thường được 1.149 hộ dân, đạt 43%. Hiện 5 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân có dự án đường cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành 52,1% diện tích đất cần giải phóng mặt bằng cho dự án”. Cũng theo ông Trung, dự kiến đến cuối tháng 11 tỉnh sẽ chi trả tiền đền bù cho 1.958 hộ dân, chiếm trên 73% số hộ nằm trong diện giải phóng mặt bằng; hoàn thành 72% tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án và giải ngân...

Tuyên truyền cho người dân về dự án cao tốc Bắc - Nam tại xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc).

Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm nguồn vốn để sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Một trong những công việc quan trọng là xây dựng các khu tái định cư, hiện 5 khu tái đinh cư đang gấp rút thi công hoàn thành các hạng mục san nền, đường giao thông, thoát nước đảm bảo cho người dân có nhu cầu về nơi ở mới ổn định trước Tết Nguyên đán 2020… Với kết quả trên so với các tỉnh, thành cả nước có đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, tỉnh ta là địa phương dẫn đầu tiến độ giải phóng mặt bằng thi công dự án.

Đảm bảo kịp tiến độ dự án, không để công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án là mục tiêu đề ra của tỉnh ngay khi bắt tay vào thực hiện dự án. Kết quả đến thời điểm này là sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao của người dân. Kinh nghiệm rút ra trong công tác giải phóng mặt bằng đó là gần dân, sát dân. Chỉ khi dân hiểu và đồng thuận với chính quyền địa phương thì các khâu kiểm kê, xét pháp lý đến giao đất, nhận tiền đền bù sẽ tiến hành nhanh chóng. Từ thực tế triển khai, các huyện có đường cao tốc đi qua đều cho rằng, trước tiên phải làm tốt khâu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên mà trực tiếp là nhân dân có ảnh hưởng bởi dự án. Chỉ khi người dân nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng quốc gia đối với dự án cao tốc Bắc - Nam cũng như phát huy quy chế dân chủ cơ sở chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án mà đồng thuận, nhất trí cao từ đó phối hợp, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn “nước rút”, cuộc họp mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai lưu ý các địa phương phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động sâu rộng của nhân dân để thực hiện những công việc còn lại và quản lý hiện trạng mặt bằng. Đối với những kiến nghị của các địa phương xoay quanh các nội dung gồm: hỗ trợ về đào ao, khảo sát đất phân loại độ phì của đất, xây nhà trên đất nông nghiệp, các trường hợp xin hỗ trợ khác và các loại cây trồng khác… Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổng hợp phân loại đề xuất phương án giải quyết từ ngay ở cơ sở không để phát sinh những bức xúc.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận dẫn đầu tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam