Theo dõi trên

La Gi: Nâng chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội

14/11/2019, 08:47 - Lượt đọc: 78

BT - 10 năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã La Gi (gọi trung tâm) nỗ lực đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt khá cao so với kế hoạch. Từ nay đến năm 2030, trung tâm tập trung đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ viên chức gắn với đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị. Qua đó, tiến tới xây dựng trung tâm trở thành địa chỉ giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật có uy tín, chất lượng trong tỉnh.

Đào tạo sát thực tế

Ông Nguyễn Bảo Hà - Giám đốc trung tâm cho biết: Triển khai nhiệm vụ phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, thời gian vừa qua, trên cơ sở đánh giá nhu cầu sử dụng nhân lực, trung tâm xác định các ngành nghề với quy mô đào tạo phù hợp để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong từng năm học. Đối với chương trình đào tạo của trung tâm được tổ chức biên soạn, thẩm định phê duyệt với quy trình chặt chẽ nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp dạy học. Hàng năm, trung tâm tiến hành nghiên cứu lại các chương trình đào tạo để có phương pháp sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết sao cho phù hợp với nhu cầu và nghề nghiệp thực tế của học viên. Trong giai đoạn 2011 - 2020, trung tâm biên soạn và phê duyệt 40 chương trình dạy nghề, trong đó 21 nghề sơ cấp, 19 nghề dưới 3 tháng. Ngoài ra, trung tâm còn thu thập ý kiến, phản ánh của người dân, học viên để điều chỉnh chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cho phù hợp.

Nghề may công nghiệp tại thị xã có tỷ lệ việc làm cao, đạt trên 90%.

Cùng với đó, trung tâm thường xuyên cung cấp cho học viên các thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động việc làm. Đồng thời, tổ chức trợ giúp giới thiệu việc làm miễn phí cho học viên sau tốt nghiệp. Phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động, tạo nguồn cho các học viên sau khi tốt nghiệp như: Công ty cổ phần may Bình Thuận - Nhà Bè, Công ty Việt thắng Jeans TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở may gia công nhỏ lẻ tại thị xã... Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề tại trung tâm hiện vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc. Đơn cử là máy móc thiết bị đào tạo nghề đầu tư đã lâu, chưa được sử dụng nên xuống cấp, có thiết bị đã hư hỏng; số thiết bị cơ khí mới được cấp không có nhà xưởng để lắp đặt, bảo quản, không có điện 3 pha để vận hành. Bên cạnh đó, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo nghề còn nhiều hạn chế do một số xã, phường chưa tập trung đúng mức việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề.

Xây dựng địa chỉ đào tạo chất lượng

Từ nay đến năm 2020, trung tâm xác định đào tạo nghề cơ bản phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Đồng thời, gắn với mục tiêu cung cấp nhân lực phù hợp với các giải pháp kinh tế - xã hội của thị xã. Để đạt mục tiêu trên, trung tâm sẽ tập trung đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ viên chức gắn với đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Qua đó, tiến tới xây dựng trung tâm trở thành địa chỉ giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật có uy tín, chất lượng trong tỉnh. Cùng với đó, trung tâm sẽ nâng cao chất lượng toàn diện trên các lĩnh vực, ổn định và duy trì quy mô giáo dục thường xuyên, dạy nghề phổ thông - hướng nghiệp. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa quy mô đào tạo nghề và tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, xây dựng môi trường giáo dục và đào tạo thân thiện, kỷ cương. Phát huy các nguồn lực để góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của thị xã nói riêng và tỉnh nói chung.

    
  

Tổng số lao động qua đào tạo tại trung   tâm giai đoạn 2011-2020 là 4.659 người, đạt tỷ lệ 83,8% chỉ tiêu kế   hoạch theo đề án của UBND thị xã La Gi. Trong đó, đào tạo về nông nghiệp   là 999 người, phi nông nghiệp là 3.660 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo   có việc làm chiếm hơn 80%, trong đó nghề may công nghiệp tỷ lệ có việc   làm cao, đạt trên 90%.

  

Mặt khác, bên cạnh phương án liên kết để mời những giáo viên, giảng viên có chất lượng ở các cơ sở giáo dục khác tham gia giáo dục và đào tạo tại trung tâm, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nghề. Trung tâm sẽ có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức vừa đảm bảo tính chuyên sâu, vừa mang tính đa dạng. Một giáo viên có thể tham gia giảng dạy từ 2 - 3 lĩnh vực: Đào tạo nghề, giáo dục thường xuyên, dạy nghề phổ thông - hướng nghiệp. Song song, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể liên quan để lồng ghép các chương trình, đề án như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xuất khẩu lao động, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển làng nghề, tiểu thủ công nghiệp… của thị xã nhằm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Thu Hà



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi: Nâng chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội