Theo dõi trên

Bệnh sốt xuất huyết: Tăng hơn 200 ca/tuần, thiếu máy thở cấp cứu

14/11/2019, 08:30

BT - Do ảnh hưởng của bão, nhiều cơn mưa lớn xuất hiện kéo theo lăng quăng, muỗi phát triển và số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Trong khi đó, trang thiết bị cấp cứu cho bệnh nhi thì không đáp ứng đủ cho tình hình bệnh SXH đang tăng hiện nay.

Tăng liên tục

Tại thời điểm này, cộng dồn số ca mắc SXH của toàn tỉnh là hơn 5.300 ca, trong đó có 4 trường hợp tử vong; tăng gấp 6 lần so cùng kỳ năm 2018. Tánh Linh, Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình là những huyện có số mắc cao. Tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang diễn biến phức tạp với số ca mắc liên tục tăng cao, trung bình hơn 200 ca/tuần, và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Số người lớn mắc chiếm tỷ lệ 60%.

Trẻ suy hô hấp đang sử dụng máy thở tại Khoa nhi (Bệnh viện đa khoa Bình Thuận).

Ông Lê Văn Hồng (Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận) giải thích: Theo chu kỳ, cách 3 - 4 năm sẽ có 1 năm gia tăng đột biến bệnh SXH trên diện rộng. Năm 2019 là đúng vào chu kỳ gia tăng, kết hợp biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường tạo điều kiện bệnh sốt xuất huyết phát sinh và bùng phát. Bên cạnh đó, người dân có thói quen trữ nước mà không đậy kín dụng cụ chứa nước, môi trường quanh nhà đọng nước với nhiều lăng quăng.

Tử vong do phát hiện muộn?

So với vài tỉnh lân cận, Bình Thuận có số ca mắc SXH thấp hơn, nhưng số ca tử vong lại cao hơn. Thông qua các báo cáo, 4 ca tử vong từ đầu năm đến nay cho thấy, phần lớn bệnh nhân tự điều trị tại nhà khi bắt đầu khởi sốt. Sau vài ngày bệnh không thuyên giảm, người bệnh mới được đưa đến bệnh viện, trung tâm y tế. Đáng chú ý, trường hợp tại Phú Quý có sốt, nhưng chưa được sử dụng thực hiện xét nghiệm nhanh để kiểm tra SXH hay không ngay khi nhập viện. Đến lúc bệnh trở nặng, bệnh nhân tràn dịch đa màng, được chăm sóc phòng hồi sức cấp cứu thì mới thực hiện xét nghiệm huyết học với chẩn đoán SXH nặng. Tương tự, trường hợp La Gi cũng có triệu chứng sốt, khám tại 1 bệnh viện (TP.HCM) được chẩn đoán viêm hô hấp trên và điều trị ngoại trú. 3 ngày sau, bệnh nhân vẫn sốt cao và khám lại tại Bệnh viện đa khoa khu vực La Gi, được chẩn đoán SXH nặng. Trong khi đó, Phú Quý và La Gi đều nằm trong vùng dịch tễ SXH, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao mà chưa được thực hiện test nhanh Dengue NS1 ngay từ khi đến khám nhằm hỗ trợ và sàng lọc, chẩn đoán chính xác.

Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số bệnh nhân mắc SXH rải đều ở các nhóm tuổi, nhóm 6 - 15 tuổi chiếm số lượng nhiều. Bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Năm 2019, phần lớn người bệnh tại tỉnh mắc SXH tuýp D2, chiếm tỷ lệ 45,1%, cao hơn so với các tuýp khác. Số người bệnh mắc SXH tuýp D2, có khả năng khiến người bệnh tái nhiễm và nguy cơ sốc tái nhiễm cao, dễ dẫn tới tử vong cao hơn mắc các tuýp khác. Với tuýp D1, bệnh nhân mệt mỏi đau cơ, nhức đầu, xuất huyết ít, nhanh khỏi. Sau lần mắc này, người bệnh sẽ có kháng thể với huyết thanh tuýp D1, nhưng vẫn có thể mắc SXH do tuýp huyết thanh khác.

Thiếu thiết bị cấp cứu

Mặc dù số ca mắc bệnh SXH tăng cao, nhưng Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận thiếu máy thở. Thực kê toàn khoa với hơn 170 giường bệnh thì cần khoảng 4 - 5 máy thở, phòng thời gian bảo dưỡng hoặc “xê-cua” khi máy bị sự cố. Tuy nhiên, thực tế tại khoa chỉ 2 cái máy thở do một dự án tài trợ năm 2014 (1 cái dành cho sơ sinh dưới 1 tháng tuổi và 1 cái dành cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên). Máy thở giúp điều trị cho bệnh nhân bị suy hô hấp khi mắc bệnh hen, SXH, viêm phổi, nhiễm trùng đường huyết… Do thiếu máy và đáp ứng tình hình bệnh tật của bệnh nhân, 2 máy thở được sử dụng hết công suất 24/24h, suốt 25 - 27 ngày mỗi tháng, gần như không có thời gian bảo dưỡng. Vì vậy, 2 máy đều phát ra tiếng rền khá to khi đang hoạt động, không tránh khỏi sự ảnh hưởng đến thính lực trẻ đang nằm điều trị.

Bác sĩ Phan Thị Kim Chi (Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện đa khoa Bình Thuận) cho biết, thông thường Khoa nhi không có đủ máy thở để cấp cứu bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu trang thiết bị và không để bệnh nhân tử vong vì SXH, các bác sĩ phải tiên lượng, đánh giá thật chính xác mức độ suy hô hấp từng bệnh nhân mà thay đổi kiểu thở. Chẳng hạn, bệnh nhân đang sử dụng máy thở, nhưng nhịp thở có dấu hiệu ổn định, thì bác sĩ cho cai máy thở chuyển sang kiểu thở bằng NCPAP, dành máy thở cấp cứu bệnh nhân nặng hơn. Trong khi đó, Khoa nhi của bệnh viện là tuyến cuối của tỉnh mà thiếu máy thở; là sự khó khăn lớn cho các bác sĩ điều trị tại khoa trong tình hình bệnh SXH đang tăng cao và có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nếu bệnh nhân SXH, viêm phổi nặng… bị suy hô hấp dồn về đây cùng một lúc, thì Khoa nhi ắt hẳn sẽ không có đủ máy thở phục vụ cho bệnh nhân. Khoa đã đề xuất bệnh viện mua thêm máy thở khá lâu, nhưng đến nay vẫn phải điều trị bệnh nhân trong tình trạng thiếu thiết bị.

Làm test nhanh sớm, giảm tử vong

Mới đây, UBND tỉnh phân khai kinh phí phát sinh điều hành năm 2019 với hơn 5,6 tỷ đồng cho ngành y tế tỉnh phục vụ diệt lăng quăng trên diện rộng nhằm phòng chống bệnh SXH. Thêm vào đó, ngành y tế yêu cầu người dân và cộng đồng chung tay diệt lăng quăng, dọn vệ sinh môi trường mỗi tuần. Mỗi nhà không nên treo quần áo mà phải gấp gọn bỏ vào ngăn tủ tránh muỗi trú; sử dụng vợt bắt muỗi; thoa kem xua muỗi… Khi diệt sạch lăng quăng và muỗi, thì người dân không còn mắc bệnh SXH. Đó là thông tin của Sở Y tế.

Để giảm số người tử vong do mắc SXH, trước hết, người bệnh đến cơ sở y tế sớm không tự điều trị tại nhà khi có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi… Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu các tuyến y tế cơ sở nên thực hiện xét nghiệm test nhanh nhằm hỗ trợ và sàng lọc chẩn đoán chính xác ngay từ những ngày đầu của sốt; từ đó có phác đồ điều trị đúng bệnh. Đồng thời, tuyến cơ sở gửi mẫu máu của những bệnh nhân nghi SXH Dengue đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để phục vụ giám sát dịch và xác định dịch SXH Dengue sớm.

Trang Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh sốt xuất huyết: Tăng hơn 200 ca/tuần, thiếu máy thở cấp cứu