Theo dõi trên

Tái diễn chiêu trò giả danh “điều tra viên” để lừa đảo

12/11/2019, 09:12

BT - Với chiêu thức không mới, báo chí đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo nhưng vẫn có người “sập bẫy”…

Mất 2,2 tỷ đồng khi nghe điện thoại của “điều tra viên”

9 giờ 30 phút, ngày 5/11, điện thoại di động của bà D (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) nhận được cuộc gọi từ số lạ. Người đầu dây bên kia yêu cầu bà D gặp một người đàn ông khác và cho biết bà D có liên quan đến một vụ án đánh bạc, buôn ma túy cực lớn ở Đà Nẵng. Người đàn ông này cung cấp cho bà D một số điện thoại và nói là số của trực ban Công an TP. Đà Nẵng và giục bà D gọi. Bà D làm theo chỉ dẫn thì được một “cán bộ trực ban” động viên bà yên tâm vì chỉ là người bị hại và hồ sơ vụ án trên đã được chuyển sang VKSND TP. Đà Nẵng do một kiểm sát viên có tên Bùi Thị Hồng Anh thụ lý.

Đang phân vân chưa biết tính sao thì có một cuộc gọi khác xưng là cán bộ cơ quan điều tra nói nhóm tội phạm đánh bạc vừa chuyển vào tài khoản bà D 6 tỷ đồng. Rồi yêu cầu bà D thống kê gấp tài sản gồm tiền, vàng, nhà đất để họ đối chiếu. Người này yêu cầu bà D phải khẩn trương rút hết tiền trong ngân hàng và chuyển vào một tài khoản khác để được bảo vệ. Nếu không thực hiện thì tất cả tiền bạc, đất đai, nhà cửa sẽ bị phong tỏa trước 17 giờ chiều cùng ngày. Quá hoảng loạn, khoảng 16 giờ bà D đến một ngân hàng trên đường Tôn Đức Thắng, TP. Phan Thiết chuyển từ tài khoản của mình sang tài khoản của nhóm trên 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên khi bà D vừa bước ra khỏi ngân hàng, lập tức có cuộc gọi điện thoại khẳng định tài khoản của bà D vẫn còn tiền và yêu cầu chuyển ngay số tiền trên để được bảo vệ quyền lợi. Lập tức bà D đến một ngân hàng khác trên đường Lê Hồng Phong, TP. Phan Thiết chuẩn bị làm thủ tục chuyển 1 tỷ đồng thì gặp một người quen rồi kể lại. Người quen này đã yêu cầu bà D ngưng chuyển tiền vì chắc chắn đã bị lừa đảo. Bà D sau đó đã đi báo cáo công an.

Cẩn thận khi nghe điện thoại của người lạ. (ảnh minh họa)

Ngay sau đó, cơ quan công an đã làm việc với ngân hàng mà bà D đã nộp tiền vào tài khoản các đối tượng. Làm việc với cơ quan công an, ngân hàng trên cho biết ngay sau khi bà D chuyển tiền thì lập tức số tiền đó đã được chuyển vào 2 tài khoản khác mang tên Phạm Thị Nga và Nguyễn Phước Hiền. Hiện cơ quan công an đã yêu cầu ngân hàng phong tỏa các tài khoản trên để điều tra…

Bộ Công an lên tiếng cảnh báo

Trước thủ đoạn, hình thức tinh vi của các đối tượng tội phạm, Bộ Công an vừa phát đi thông báo cảnh báo tội phạm công nghệ cao. Theo đó, thông qua nhiều vụ án đã và đang điều tra của công an các tỉnh cho thấy, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường sử dụng một số thủ đoạn như lừa khách hàng tự chuyển tiền (giả mạo cơ quan điều tra thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng; sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM...).

Bên cạnh đó, các đối tượng cũng thường sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan nhà nước, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra;… giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác...

Ngoài ra, các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn, đối tượng xấu dùng ứng dụng công nghệ phần mềm công nghệ cao Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số trực ban công an,… sau đó tự xưng cán bộ công an đe dọa, tống tiền nhân dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028, hoặc +028,… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.

Từ đó, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo, cảnh báo với người dân phải đề cao cảnh giác tránh bị lừa, như việc cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng; xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính; kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch trực tuyến; khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS phải quan sát khe thẻ trên máy ATM, bảo đảm không có thiết bị lạ và che bàn phím khi nhập số PIN... Đặc biệt, phải cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng…

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tái diễn chiêu trò giả danh “điều tra viên” để lừa đảo