Theo dõi trên

Ðể “máu rừng” ngừng chảy!

08/11/2019, 12:04

BT- Trong những ngày qua, phóng viên Báo Bình Thuận liên tục phản ánh tình trạng phá rừng đang diễn biến khá phức tạp tại các địa phương, hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm tuổi bị đốn hạ, thảm thực vật rừng bị cày xới tan nát làm nhói lòng người viết. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng sẽ như thế nào đối với những hành vi tàn phá tài nguyên rừng, khai thác lâm sản trái phép vì lợi ích cá nhân; để rừng của chúng ta không còn “chảy máu”?

Tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đ.Hòa

 Thực trạng và nguyên nhân

Đánh giá về công tác bảo vệ và phòng chống phá rừng trên phạm vi toàn tỉnh có thể nhận thấy các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, địa phương và được duy trì thực hiện thường xuyên với quyết tâm cao. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, các đơn vị chủ rừng triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; đồng thời, phối hợp với các tỉnh giáp ranh tăng cường phối hợp quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh, nhờ đó, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng chuyên trách và các lực lượng tại cơ sở phần lớn đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết bám rừng, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động tổ chức, phối hợp lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ phá rừng, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó Luật Lâm nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 đã có những tác động mạnh mẽ, mang lại hiệu quả bước đầu đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, tăng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường; cộng với giá đất gia tăng, tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác lâm sản đáp ứng nhu cầu sử dụng gỗ trong xã hội chắc chắn sẽ gia tăng… kéo theo lợi nhuận từ rừng sẽ tăng lên, dẫn đến các đối tượng khai thác tài nguyên rừng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động hơn và khi cần thiết chúng sẽ bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng mua chuộc, cản trở, đe dọa, tấn công, chống trả lực lượng thi hành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và gây nguy hiểm đến tính mạng đối với người trực tiếp bảo vệ rừng và làm cạn kiệt tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, ngoài nguyên nhân khách quan do cơ chế, chính sách và tính phức tạp, khó khăn đặc thù trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, thủ đoạn đối phó của các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, hành vi chống trả khi bị phát hiện ngày càng manh động... thì các nguyên nhân chủ quan như: lực lượng quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác; một số đơn vị chủ rừng chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, cá biệt có những nơi bao che, dung túng cho các hành vi phá rừng và những bất cập giữa bảo vệ và khai thác rừng chưa được làm rõ… đã dẫn đến tình trạng nạn phá rừng ở một số nơi mất kiểm soát. Thực tế chứng minh, chỉ với một số địa bàn mà phóng viên Báo Bình Thuận phát hiện phản ánh thì đã thấy mức độ tàn phá tài nguyên rừng hiện nay đã và đang diễn biến phức tạp như thế nào.

 Cần có biện pháp quyết liệt

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các ngành chức năng và các địa phương phải khẩn trương nhận định, phân tích, đánh giá đúng, sát thực trạng công tác bảo vệ, phòng chống phá rừng tại các địa phương, tìm ra những nguyên nhân mấu chốt, làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương trong công tác bảo vệ, phòng chống phá rừng để có giải pháp hữu hiệu nhất. Đồng thời phải thường xuyên triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm theo kế hoạch và phương án bảo vệ rừng, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ vi phạm lâm luật, không để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, lấn chiếm mới diện tích đất lâm nghiệp. Đặc biệt phải kiên quyết, mạnh tay xử lý những đối tượng đã vi phạm pháp luật mà còn chống người thi hành công vụ… Các biện pháp chế tài xử lý các hành vi tàn phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, chống người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật cần phải nghiêm khắc hơn nữa để đủ sức răn đe và xử lý làm gương đối với các đối tượng tận diệt rừng... như vậy công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng chống phá rừng mới có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.  

 Và tất cả sự quyết tâm

“Rừng vàng, biển bạc” là câu tục ngữ mà cha ông ta dùng để ca ngợi sự giàu có của thiên nhiên. Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống con người bởi lẽ ở những nơi không có rừng, rừng thưa hoặc rừng bị tàn phá nghiêm trọng thì vấn đề về môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng; cuộc sống và cả mạng sống của người dân nơi đó luôn bị đe dọa mỗi khi mưa, lũ về. Đặc biệt cây xanh là nơi cung cấp oxy cho con người. Bởi vậy rừng có thể được xem là lá phổi thứ 2 của chúng ta. Do vậy bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành chức năng mà còn phải xuất phát từ ý thức, từ lương tâm và từ trách nhiệm của mỗi người dân. Nếu ai trong mỗi chúng ta cũng nhận thức được rằng việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chính mình và của cả tương lai con, cháu chúng ta, thì chắc chắn rằng “máu của rừng” sẽ ngừng chảy. 

Với lực lượng kiểm lâm khá mỏng như hiện nay, UBND tỉnh cần xem xét bổ sung chỉ tiêu biên chế cho lực lượng kiểm lâm tỉnh và đề xuất các bộ, ngành  có những chính sách đặc thù để khuyến khích, đãi ngộ phù hợp cho lực lượng kiểm lâm. Bên cạnh đó cần trang bị công cụ hỗ trợ đủ mạnh cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại các Ban quản lý rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng đặc dụng, để họ có thể bảo vệ bản thân, khắc chế các đối tượng manh động chống trả trong quá trình thực thi công vụ.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðể “máu rừng” ngừng chảy!