Theo dõi trên

Xây dựng đô thị thông minh để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân

01/11/2019, 14:32 - Lượt đọc: 126

 BT- Trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững, không phải ngẫu nhiên đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các khu vực, quốc gia, địa phương đang phát triển, bởi lẽ xây dựng đô thị thông minh là xây dựng một đô thị mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem  lại hiệu quả cao trong  quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

                
Một góc đô thị TP Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Ở nước ta, kể từ khi đổi mới vào năm 1986, dân số đô thị ở Việt Nam bắt đầu tăng nhanh; hiện tại dân số đô thị chiếm hơn 35% dân số toàn quốc (với tốc độ tăng trưởng hơn 3% mỗi năm) và với sự chuyển đổi kinh tế ngày càng tăng, hướng tới sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm kinh tế hơn. Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt gây ra nhiều áp lực và các tác động xấu như bùng nổ dân số, quá tải các dịch vụ và cơ sở hạ tầng công, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, cạn kiệt nguồn lực và tài nguyên…, cơ sở hạ tầng hiện tại không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đô thị, thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung, liên kết dữ liệu giữa các bộ ban ngành, các địa phương; áp lực cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng không chỉ về các con số đạt được mà còn về thu hút đầu tư, phát triển việc làm, thu hút nguồn nhân lực. Ngoài ra, công nghệ hiện tại đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong khi chi phí ngày càng giảm thúc đẩy các thành phố ngày càng đầu tư nhiều cho công nghệ như một lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt trong giai đoạn nước ta đang hội nhập một cách toàn diện, thì người dân và doanh nghiệp sẽ kỳ vọng ngày càng cao vào sự đổi mới trong công tác lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với một chính quyền vì nhân dân phục vụ; mọi người mong đợi có thể tiếp cận được với các thông tin mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính và các thiết bị di động, các cá nhân và doanh nghiệp muốn được sống trong một thành phố có giao thông thuận tiện, giáo dục tốt… và đối với một chính quyền kết nối với người dân thì việc xây dựng đô thị thông minh là một hướng đi tất yếu để phục vụ tốt nhất nhu cầu, lợi ích của nhân dân.

Hiện nay Bình Thuận tuy chưa phải đối mặt với vấn đề liên quan đến tập trung dân số cao, song nếu chúng ta triển khai xây dựng đô thị thông minh thì đây sẽ chính là cơ hội để tỉnh tận dụng khoa học công nghệ để không chỉ giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn nắm bắt thời cơ bứt phá, phát triển kinh tế bền vững. Bình Thuận sẽ có một hạ tầng dùng chung có thể được tận dụng tối đa  giữa các lĩnh  vực, sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông  tin  dữ  liệu  giữa  các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của các đô thị trong tỉnh. Qua đó, các dịch vụ công tích hợp giữa các cơ quan nhà nước và được cá nhân hóa giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận các thông tin  thời  gian  thực và tương  tác với chính quyền trong các  hoạt động của cuộc sống; người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp đầy đủ các thông tin và công cụ tiện ích để thực hiện  các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và có thể theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ, yêu cầu, kiến nghị theo thời gian thực… Điều dễ dàng nhận thấy với một tỉnh mà du lịch là một trong những thế mạnh để phát triển, thì việc xây dựng đô thị thông minh sẽ giúp người dân Bình Thuận và du khách được cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về du lịch, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường. Đô thị thông minh cũng sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp giám sát và tham gia vào quá trình xây dựng đô thị, phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trong quá trình quảng bá hình ảnh, xúc tiến và thu hút đầu tư về tỉnh, đô thị thông minh sẽ giúp Bình Thuận thể hiện rõ sự cải thiện môi trường kinh doanh thông qua các biện pháp cải cách hành chính hiệu quả, giảm thủ tục, hồ sơ giấy, tăng cường đăng ký kiểm tra, cấp phép giám sát điện tử, có sự phối hợp liên ngành và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp có thể sử dụng dữ liệu mở để cùng hợp tác xây dựng và đề xuất các giải pháp giúp giải quyết những vấn đề chung của tỉnh.

Vừa qua Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đã chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương để nghe Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam báo cáo về Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến 2030, qua đó thống nhất sẽ chọn TP. Phan Thiết để triển khai thí điểm. Có thể khẳng định việc triển khai xây dựng  đô thị thông minh là giải pháp cần thiết để tỉnh giải quyết các vấn đề đang vướng mắc; nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong một mô hình đô thị hiện đại, góp phần thúc đẩy tỉnh nhà phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, để Bình Thuận phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

    
    Xu hướng   triển khai xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu của bất kỳ đô   thị nào trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ   4 đang diễn ra trên toàn cầu, vì qua đó chúng ta sẽ tận dụng được sức   mạnh tổng hợp của tất cả các nguồn dữ liệu nhằm giải quyết các vấn đề mà   mô hình quản trị đô thị truyền thống không thể giải quyết được một cách   hiệu quả.

Huy Toàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng đô thị thông minh để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân