Theo dõi trên

Sửa luật phải trên cơ sở quan điểm, nguyện vọng của người lao động

24/10/2019, 10:42

BTO- Ngày 23/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Tham gia góp ý cho dự Luật, bà Nguyễn Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng tại quy định mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa (Điều 107), theo phương án mà Chính phủ đề nghị nâng số giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm là không phù hợp, là đi ngược với xu thế tiến bộ về lao động, quan hệ lao động trong thời đại phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với mục tiêu hướng đến là đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động về lâu dài, phù hợp với xu hướng tiến bộ là “tăng lương, giảm giờ làm” gắn với việc thúc đẩy Doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Theo đó, bà Phúc đề nghị chọn phương án: Giữ nguyên như qui định của Bộ luật hiện hành là khung thỏa thuận về làm thêm giờ không quá 200 giờ/ năm. Trường hợp đặc biệt thì do Chính phủ qui định và không quá 300 giờ/năm, có bổ sung nâng qui định khống chế thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng như qui định hiện hành và bổ sung qui định cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ để người lao động biết, làm cơ sở cho việc giám sát, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người lao động.

Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu ở Điều 169, với phương án 1 mà Chính phủ trình qui định cụ thể lộ trình và tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 và kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của người lao động là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ và sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Tuy nhiên, qua thực tế lấy ý kiến góp ý của cử tri, đa số người lao động trực tiếp chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có một số ít người lao động đề nghị nếu có tăng tuổi nghỉ hưu thì cần phải tính toán và căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động. Do vậy, với phương án về tăng tuổi nghỉ hưu áp dụng chung một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động khác nhau như đã nêu ở trên là không phù hợp. Vì vậy, bà Phúc đề nghị chọn phương án qui định tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ nhưng giao Chính phủ qui định lộ trình cụ thể: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ.   Kể từ ngày 01/01/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động”.

Việc qui định như thế là bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả các nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc khác nhau … việc qui định phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động.

Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105), Bộ luật Lao động hiện hành qui định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới và cao hơn so với thời giờ làm việc bình thường của khu vực công (40 giờ/1 tuần) đã tạo ra khoảng cách và sự chênh lệch lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bất bình đẳng trong các lực lượng lao động. Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề thời giờ làm việc bình thường không được Chính phủ trình, quan điểm của Cơ quan soạn thảo cũng như giới chủ, người sử dụng lao động chưa đồng thuận về việc qui định theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường... Theo bà Phúc là chưa thuyết phục, bởi lẽ sửa đổi luật mà chúng ta chỉ đứng trên quan điểm của Cơ quan soạn thảo, của giới chủ và của người sử dụng lao động là không ổn, trong khi đó nguyện vọng, mong muốn của người lao động lại chưa được đề cập tới. Qua thực tế ý kiến cử tri tại địa phương, đa số người lao động đều mong muốn và kiến nghị Quốc hội xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường để tạo sự công bằng giữa người lao động làm việc trong các khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Vì vậy, bà Phúc đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh giảm thời giờ làm việc bình thường từ không quá 48 giờ/tuần xuống còn không quá 44 giờ/tuần.

 Khắc Điều



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sửa luật phải trên cơ sở quan điểm, nguyện vọng của người lao động