Theo dõi trên

Kinh tế tập thể sẽ “trở mình”

18/10/2019, 10:37

 BT- Điều hy vọng cho phát triển kinh tế tập thể hiện nay là rất cần doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần của Nghị định 57/2018/NĐ-CP.

                
      Mô hình thâm canh lúa cải tiến theo phương pháp SRI tại Tánh Linh.

 Bắt đầu từ Tánh Linh

Nói đến kinh tế tập thể hiện nay, người ta lại nghĩ ngay đến Tánh Linh, một huyện đang nhộn nhịp sự liên kết nhiều bên trong phát triển nông nghiệp, trong đó chú ý nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX). Trong khi các nơi khác, phải “lấy gồng” ra mắt HTX để đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới rồi sau đó giải thể thì ở đây, các HTX ra đời “nhẹ tênh”, vì ngoài lý do trên, còn xuất phát từ sự bức xúc liên kết cho phát triển. Chỉ trong năm 2018, ở huyện này đã thành lập 5 HTX nâng tổng số HTX nông nghiệp trên toàn huyện là 11 trong khí thế tăng số lượng cầu nối cho việc thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân trong vùng sản xuất. Có thể kể, trên vùng lúa chất lượng cao trải dài ven sông La Ngà thuộc nhiều xã đã hình thành nhiều mối liên kết với các doanh nghiệp như tại Đức Phú, Nghị Đức và Lạc Tánh có HTX Công Thành - Đức Linh liên kết đầu tư ứng trước giống lúa (lúa nếp); tại xã Bắc Ruộng và Gia An có Công ty TNHH SX&TM Đại Nhật Phát liên kết tiêu thụ lúa gạo… Trong khi đó, trên diện tích sản xuất lúa giống có Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa giống tại xã Đức Phú và Gia An, Trung tâm nghiên cứu và Sản xuất Giống cây trồng Nha Hố liên kết tại thị trấn Lạc Tánh… Chưa hết, trên các loại cây trồng cạn có Công ty TNHH Trang Việt liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ hạt giống lai F1 các loại bí đỏ, khổ qua… tại La Ngâu và Măng Tố, Công ty TNHH kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản Hoàng Gia trong sản xuất – tiêu thụ ớt, đậu bắp Nhật…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tánh Linh, việc liên kết trong sản xuất lúa chủ yếu là doanh nghiệp thực hiện đầu tư ứng trước giống lúa và thu mua lại sản phẩm lúa thương phẩm theo giá thỏa thuận và khấu trừ phần đầu tư ứng trước của doanh nghiệp. Riêng đối với liên kết sản xuất hạt giống lai F1 thì công ty đầu tư toàn bộ chi phí vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho nông dân, tất cả đều được khấu trừ sau khi thu hoạch.

 Cần doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp

Kết luận từ Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Thuận đưa ra nhiều giải pháp từ đốc thúc thay đổi nhận thức cho đến thực hiện chính sách liên quan một cách tích cực. Mục đích đến 2021 sẽ đạt kết quả chính là “không có hợp tác xã tồn tại hình thức và có ít nhất 70% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả”. Và cụ thể là “việc tham gia hợp tác sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên tinh thần tự nguyện, tự chủ...”.  Để điều đó diễn ra trên thực tế, theo nhiều người tâm huyết với kinh tế tập thể thì cần nhiều giải pháp nhưng trong đó có 2 giải pháp chính lấp lỗ hỏng kinh tế tập thể ở tỉnh hiện nay là bơm vốn và tìm đầu ra sản phẩm ổn định. Các HTX hiện nay rất thiếu vốn để quay vòng, mở rộng sản xuất, nhất là vốn lưu động. Ý tưởng hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cũng đã được xới lên nhưng việc thực hiện được hay không, đem lại hiệu quả hay không thì còn chờ thời gian. Vì trước đó, ở tỉnh cũng có Quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng quá trình hoạt động, chính Quỹ phải trả nợ thay cho 3 doanh nghiệp và cuối cùng phải giải thể. Có rất nhiều vấn đề phải tính toán kỹ để thực hiện Quỹ hỗ trợ phát triển HTX này.

Điều hy vọng cho phát triển kinh tế tập thể hiện nay là rất cần doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần của Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Vì chính doanh nghiệp, với vị thế của mình sẽ là đối tác quyết định với HTX trong tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định. Doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của nông dân đi xa hơn, có thể xuất khẩu ra nước ngoài nhưng với HTX, nơi mà nhân lực, trình độ quản trị, nhạy bén thị trường… còn nhiều vấn đề phải chỉnh đốn thì điều đó là không thể. Doanh nghiệp không thể ký kết hợp đồng với từng hộ dân nhưng có thể ký hợp đồng với HTX, nơi ấy tập hợp hàng trăm xã viên…Và chính Tánh Linh đã khai thác triệt để vai trò trên nên chỉ trong một thời gian ngắn đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn hơn bất cứ nơi nào khác. Do đó, nhận định phát triển kinh tế tập thể bắt đầu từ Tánh Linh của nhiều người không phải là nói quá, khi những gì phát triển hiện tại đã giúp bộ mặt huyện này thay đổi, thu nhập của người dân đã tăng lên. Có thể xem liên kết doanh nghiệp – HTX là vấn đề mấu chốt, giúp kinh tế tập thể được “trở mình”.

Hảo Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh tế tập thể sẽ “trở mình”