Theo dõi trên

Khơi dậy ý chí, nỗ lực của đồng bào 

16/10/2019, 09:20

BT- LTS: Ngày mai (17/10), tại TP. Phan Thiết, Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Bình Thuận lần thứ III - năm 2019 chính thức khai mạc. Nhìn lại 5  năm qua, bên cạnh nỗ lực của chính cộng đồng bà con dân tộc thiểu số, các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh cho vùng đồng bào DTTS đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững ngày càng thực chất và hiệu quả. Nhân dịp này, ông Võ Văn Hòa - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đã có cuộc trò chuyện với Báo Bình Thuận.

Xin chào ông, thời gian qua việc quán triệt và triển khai thực hiện những chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác dân tộc đạt được kết quả nổi bật nào?

Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh có sự chuyển biến khá toàn diện. Có thể thấy rõ từ hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô thông suốt đến trung tâm xã. Đường giao thông được mở rộng, hệ thống thủy lợi được đầu tư phát huy hiệu quả tăng năng lực tưới tiêu giúp đồng bào mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp, thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng bào đã chuyển dần từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS tỉnh ngày càng khởi sắc, 17 xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa, 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 88,3% số hộ được sử dụng nước sạch, 100% xã có internet, phủ sóng truyền hình, 100% đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng bền vững…

Toàn tỉnh đã giải quyết căn bản đất sản xuất cho đồng bào DTTS, đã cấp trên 15.281 ha/14.279 hộ, bình quân trên 1 ha/hộ. Duy trì ổn định diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng trên 86.250 ha/2.381 hộ, bình quân 36,3 ha/hộ. Ngoài ra, năm 2019 thông qua Chương trình phối hợp “Lâm nghiệp xã hội” giữa Ban Dân tộc và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cũng đã giải quyết cho 63 hộ nhận khoán hơn 2.176 ha.

Giảm nghèo ở miền núi, vùng đồng bào DTTS được xem là vấn đề khó, ông đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp giúp đồng bào DTTS thoát nghèo? Liệu cần thêm những đề xuất, giải pháp gì để khắc phục những hạn chế trong công tác này thưa ông?

Có thể khẳng định, từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, thông qua các chính sách, chương trình dự án giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi tập quán canh tác, phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Qua đó, số hộ khá giả tăng lên, hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, các chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020) tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đồng bào DTTS tỉnh giảm 1.923 hộ, tương ứng giảm 9,94% (bình quân 3,31%/năm). Song, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS vẫn còn cao chiếm tỷ lệ 10,0%, giảm nghèo chưa bền vững; phần lớn số hộ thoát nghèo có mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo, phần đông người nghèo đời sống còn nhiều khó khăn nên nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới rất cao.

Để tạo điều kiện ổn định thu nhập, nâng cao mức sống người dân góp phần giảm nghèo bền vững, rất mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp cần tập trung các giải pháp đồng bộ, bố trí nguồn lực đủ mạnh; kết hợp giữa phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội với khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương và gắn kết kinh tế vùng. Kinh nghiệm của những người làm công tác dân tộc đúc kết, những nơi nào xây dựng được các mô hình khơi dậy ý chí, nỗ lực của đồng bào DTTS, nơi đó có sự phát triển rõ rệt. Một trong những việc làm quan trọng thời gian tới là nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở, phải khơi dậy ý thức tự vươn lên của đồng bào, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỷ lại cấp trên…

Thông qua đại hội lần này ông có những gửi gắm gì đến đồng bào DTTS tỉnh nhà?

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận hôm nay là biểu trưng của sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trong tỉnh và là dịp để biểu dương, tôn vinh những đóng góp của đồng bào các DTTS trong tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là dịp để chúng ta ghi nhớ lại công ơn các thế hệ đi trước đã đổ xương máu cho nền độc lập, tự do hôm nay. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, một lòng sắc son theo Đảng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh luôn tin tưởng đồng bào các DTTS sẽ nỗ lực, phấn đấu làm tốt các phong trào thi đua yêu nước, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội quê hương ngày càng phát triển đi lên, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra trong nhiệm kỳ.

Xin cảm ơn ông!

    
    Kinh   nghiệm của những người làm công tác dân tộc đúc kết, những nơi nào xây   dựng được các mô hình khơi dậy ý chí, nỗ lực của đồng bào DTTS, nơi đó   có sự phát triển rõ rệt.

Công Nam - Uyên Thư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khơi dậy ý chí, nỗ lực của đồng bào