Theo dõi trên

Hướng đến nông nghiệp hữu cơ

16/10/2019, 09:17

Từ thói quen sử dụng phân bón

BT- “Từ thực tế triển khai mô hình điểm cây lúa, cây bắp, đậu… tại chính mảnh vườn, đồng ruộng của đồng bào DTTS giúp bà con được nhìn, cùng trao đổi, thảo luận nhờ đó mà sản xuất hiệu quả. Đồng bào chúng tôi mong muốn có thêm những cách làm như vậy lan tỏa rộng rãi cho bà con”, anh Nguyễn Thanh Dũng - dân tộc Raglay ở thôn 4, xã Đức Bình (Tánh Linh) bày tỏ mong muốn.

                
Đồng bào DTTS tỉnh thay đổi tập quán sản    xuất.

Cũng như nhiều đồng bào DTTS ở Đức Bình, người nông dân tuổi ngoài 40 Nguyễn Thanh Dũng vẫn cháy bỏng niềm đam mê làm nông nghiệp. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông đầy cơ cực. Anh Dũng vẫn không quên được những năm tháng trước đây cái ăn, cái mặc còn thiếu trước hụt sau bởi cả năm chỉ trông chờ vào mấy sào lúa sản xuất được 1 vụ do thiếu nước. Rồi ước mơ có nước tưới đã thành hiện thực khi những trạm bơm điện, kênh thủy lợi hoàn thành “nối mạng” đẩy dòng nước mát của sông La Ngà về tưới mát những chân ruộng. Hàng chục ngàn nông dân vùng đất ven sông La Ngà, huyện Tánh Linh được no ấm, từ 1 vụ lúa bấp bênh sang sản xuất 3 vụ ăn chắc. Anh Dũng cũng như nhiều nông dân xã Đức Bình lại rộn ràng thi đua sản xuất, thâm canh, tăng vụ. Trên những cánh đồng nứt nẻ trước đây thay thế bằng màu xanh của lúa, bắp trải dài tít tắp.

 Năm 1994, sau khi lập gia đình, anh Dũng được Ngân hàng Nông nghiệp cho vay vốn phát triển sản xuất. Khi đó cán bộ xã, huyện đã chọn làm mô hình điểm trên phần ruộng của anh trực tiếp hướng dẫn các kỹ thật canh tác cây lúa. Anh tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do xã tổ chức. Những lần được cán bộ khuyến nông “cầm tay chỉ việc” cộng thêm sự chịu khó tìm hiểu học hỏi thêm những kinh nghiệm làm vườn đúc kết bấy lâu anh mạnh dạn đưa giống lúa mới vào gieo trồng từ 2 - 3 vụ tăng năng suất, bón bổ sung thêm phân hữu cơ vi sinh thay cho phân bón hóa học, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… Nhờ vậy, năm nào ruộng lúa nhà anh đều thắng lớn. “Mình hiểu được việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu… để tăng năng suất sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, gây hại cho môi trường sống và cả đất canh tác”, anh Dũng nói.  Để chủ động các khâu sản xuất và giúp đỡ bà con anh sắm thêm các máy móc như máy xới, máy cày... Từ mấy sào đất hoa màu anh đã mở rộng lên đến 3 ha sản xuất 3 vụ trong năm, anh còn trồng thêm 5 ha đất rẫy trồng điều xen cây mì và nhiều loại cây ăn quả có giá trị khác như mít, chuối…

 … đến chuyển giao kỹ thuật canh tác mới

Anh Dũng là một trong số nhiều hộ đồng bào DTTS trong tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tăng năng suất. Đây là kết quả từ chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, đảm bảo môi trường sinh thái vùng đồng bào DTTS do Sở Nông nghiệp & PTTN tỉnh triển khai thời gian qua. Theo Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết, từ năm 2014 đến nay đã có một số mô hình chuyển đổi cơ cấu giống - mùa theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững mang lại hiệu quả cao như: Mô hình luân canh 2 lúa - 1 màu, luân canh 1 lúa - 1 màu (bắp, đậu, mè các loại…) cho lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Qua thực hiện mô hình cho thấy, việc chuyển đổi từ ruộng chuyên sản xuất lúa sang sản xuất lúa và màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn cũng như tiết kiệm được nước tưới, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Bước tiến rõ nét nhất là đồng bào cơ bản thay đổi tập quán sản xuất đảm bảo chất lượng, an toàn nông sản và bảo vệ môi trường. Ngoài cây lúa, còn có thêm mô hình thâm canh và cải tạo vườn điều đưa giống mới thay thế giống đã thoái hóa. Toàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất tập trung ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, bước đầu đã cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với trồng trọt, đồng bào được chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi theo hướng an toàn như: lai tạo nâng chất lượng giống trên đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, trồng và thâm canh cây cỏ, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi…

Có thể thấy rằng, việc thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS tỉnh trong việc sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân bón hóa học, sử dụng các giống xác nhận, thâm canh, luân vụ… được xem là những tín hiệu đáng mừng để bà con tiến đến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại - đây là hướng đi tất yếu hiện nay.                         

 Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến nông nghiệp hữu cơ