Theo dõi trên

Xúc tiến phát triển giao thông đối ngoại

15/10/2019, 10:13 - Lượt đọc: 6

BT- Giao thông đối ngoại được xem là “đòn bẩy” quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư. Bởi thế các dự án trọng điểm đã và đang được Trung ương, tỉnh xúc tiến đầu tư xây dựng. Đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Bình Thuận giải quyết bức xúc giao thông đối ngoại quan trọng của tỉnh.

Dự án trên sẽ thi công một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (phía đông qua địa bàn Bình Thuận) có chiều dài hơn 160 km, tổng mức đầu tư 39.660 tỷ đồng. Bao gồm 3 dự án thành phần đi qua địa bàn tỉnh như đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 12 km, Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100 km, Phan Thiết - Dầu Giây gần 48 km. Toàn tuyến trải dài qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân với tổng diện tích giải phóng mặt bằng hơn 1.179 ha… Đến nay, tỉnh đã chủ động phối hợp các ban quản lý dự án triển khai quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tuyên truyền để người dân  khu vực dự án đi qua hiểu tầm quan trọng, đồng thuận bàn giao đất đai. Cụ thể tuyến cao tốc Nha Trang - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây nằm trong dự án trên đã giải phóng mặt bằng được hơn 46%. Trong năm nay, dự kiến tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư để sớm khởi công dự án vào cuối năm tới. Nguồn tin Sở Kế hoạch & Đầu tư cho hay, Ban Quản lý dự án 85 và Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) đã tiến hành mở sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện 3 dự án thành phần (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông để xúc tiến thi công theo kế hoạch đề ra. Sau khi hoàn thành tuyến đường bộ này sẽ kết nối cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

                
   Quốc lộ 1A qua Hàm Tân quá tải.

Cùng với tuyến đường cao tốc trên, trước đó sân bay Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong cả nước. Theo điều chỉnh này, sân bay Phan Thiết được nâng cấp quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m; công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, tổng chi phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng; phù hợp quy hoạch định hướng lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành hàng không dân dụng, nhiệm vụ quốc phòng. Được biết, hiện nay các hãng hàng không đang hoạt động tại Việt Nam không khai thác máy bay Bombardier, FOKKER- 70 như dự báo trong quy hoạch sân bay Phan Thiết trước đây; thay vào đó là các loại máy bay đời mới A350 - 900, A321, B737. Ngoài ra, các máy bay lớn (nhóm E) của các hãng hàng không nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng; đặc biệt khi địa danh Mũi Né, TP. Phan Thiết và vùng lân cận vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu du lịch quốc gia Mũi Né, hình thành trung tâm du lịch thể thao biển, thêm nhiều tiềm năng khai thác một số chuyến bay tầm xa trong tương lai gần khi sân bay Phan Thiết hình thành. Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam qua Bình Thuận và sân bay Phan Thiết hình thành sẽ mang tính đột phá chiến lược, thu hút đầu tư mạnh mẽ, phát triển các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh như du lịch, năng lượng tái tạo…

T.Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xúc tiến phát triển giao thông đối ngoại