Theo dõi trên

“Cho đi là còn mãi”

11/10/2019, 09:57 - Lượt đọc: 12

BT- Họ - những lao động bình dân, chủ yếu làm nghề lái xe, thợ sửa xe máy. Nhiều người trong số đó hoàn cảnh còn khó khăn phải vất vả mưu sinh. Nhưng mỗi tối đến, họ lại tụ họp, rồi chia nhóm rong ruổi khắp nẻo đường để tìm người cần giúp đỡ khi gặp sự cố xe cộ trong đêm…

                
Các thành viên nhóm.

 SOS hỗ trợ xe máy 86

Hơn 7 giờ tối của một ngày cuối tuần, tôi có mặt tại sảnh Siêu thị Lotte Mart Phan Thiết. Một góc sân siêu thị bỗng trở nên nhộn nhịp, rộn rã tiếng nói cười. Tiếng chào hỏi, gọi điện trao đổi, chuẩn bị áo nón, đồ nghề… diễn ra trong khoảng 30 phút. Đó là nơi tập trung hàng đêm của nhóm SOS hỗ trợ xe máy 86 trước khi chia thành từng tốp nhỏ, đến các ngả đường giúp đỡ những người bị sự cố về xe.

Nhóm mới thành lập được khoảng hơn 1 tháng với 17 thành viên. Chị Trần Thị Xuân Quý (SN 1984), làm nghề tài xế xe tải ở xã Hồng Liêm, Hàm Thuận Bắc là 1 trong 2 người phụ nữ của nhóm. Lần đầu gặp chị qua lời giới thiệu của một người quen tôi ấn tượng với người phụ nữ có dáng người đậm, tháo vát, vất vả, nhưng nụ cười luôn ở trên môi. Chị Quý chia sẻ: “Làm nghề tài xế vào ban đêm tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp các cô chú ở Hàm Thuận Nam đi làm thanh long về khuya, xe bị hư phải dắt bộ cả đêm. Tôi thật sự cảm thông, suy nghĩ và mong muốn được giúp đỡ họ”. Với câu tâm niệm “Cho đi là còn mãi” - điều này cũng là cơ duyên khiến chị trở thành nhóm trưởng, một trong những thành viên chính xây dựng nên nhóm SOS hỗ trợ xe máy 86.

Đối với chị Quý có lẽ nghề nghiệp đã đem lại sự mạnh mẽ, bản lĩnh như một người đàn ông. Nhà ở tận Hồng Liêm - cách Phan Thiết đến 30 km, nhưng hầu như đêm nào, chị cũng gửi 2 đứa con cho ngoại trông coi rồi chạy xe máy xuống Phan Thiết để hoạt động nhóm đến tận nửa đêm mới trở về nhà. Chị Quý chia sẻ: Thu nhập mỗi tháng từ nghề tài xế được khoảng 6 triệu đồng. Qua một tháng thành lập và hoạt động nhóm, cá nhân chị đã bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để chi phí xăng xe, mua sắm các dụng cụ phục vụ hoạt động nhóm. Tuy vậy, chị vẫn rất vui vẻ, hăng say với những việc mình làm. Với chị, chỉ cần mình làm được những việc có ích, dù rất nhỏ nhưng cảm thấy thật vui và hạnh phúc.

Mỗi người đến từ một vùng đất, một hoàn cảnh sống khác nhau - đầy vất vả. Nhưng có một điểm chung - đó là sự yêu nghề, tìm đến việc làm thiện nguyện ý nghĩa này với xuất phát từ trái tim. Họ cùng chung nhau một ý tưởng giúp đỡ người khác gặp rắc rối khi đi đường. Nhóm SOS hỗ trợ xe máy 86 ra đời là vậy! 

Mọi việc, đều từ tâm

17 thành viên nhóm mỗi đêm đều luân phiên nhau tham gia hoạt động, gặp không ít trường hợp bị hư xe, hết xăng… cần giúp đỡ. Bản thân chị Quý còn nhớ như in, mới đây một em học sinh ở La Gi chạy xe máy đi học từ Phan Thiết về La Gi, nhưng đến Km 15 thì xe hết xăng, không có tiền. Khi gặp trường hợp này, chính chị đã không ngần ngại cho em 60.000 đồng đổ xăng để tiếp tục hành trình. Trường hợp khác cách đây vài ngày, em Đinh Trường, chạy xe máy từ Nghị Đức, Tánh Linh xuống Phan Thiết làm thợ hồ trong khu phố biển Phan Thiết. Trên đường đi mua chiếu về ngủ thì thủng lốp ngay ngã tư Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành. Trường cho biết, nhờ chị bán nước gần đó nói có nhóm SOS hỗ trợ xe máy 86 nên gọi nhờ giúp đỡ…

                
Một thành viên nhóm đang sửa chữa xe máy cho    người đi đường.

Theo trưởng nhóm, từ khi thành lập, hoạt động đến nay, bình quân mỗi đêm nhóm giúp đỡ được 4 trường hợp, đêm nào nhiều nhất giúp đỡ khoảng 10 trường hợp. Đáng nói, tuy mục đích của nhóm chủ yếu là giúp những người bị sự cố về xe máy, nhưng ở những tình huống gặp phải, các thành viên còn hỗ trợ cả xe đạp, kích bình xe ô tô nếu gặp.

Một thành viên khác là ông Nguyễn Văn Bình, thợ sửa xe máy tại thôn An Phú, xã Hàm Chính, Hàm Thuận Bắc. Ông là người lớn tuổi nhất trong nhóm, cả 3 cha con đều tham gia hoạt động này.Vừa chạy xe từ nhà đến điểm hẹn ông Bình đã vội sửa soạn, kiểm tra lại đồ nghề, với những chiếc ruột xe máy, bơm hơi… Ông chia sẻ: Ban ngày với hộp đồ nghề này, tôi sửa xe mưu sinh. Đêm đến, tôi lại gói gém đồ đạc theo để giúp đỡ những trường hợp gặp sự cố trên đường, ở khu vực Ma Lâm, Sa  Ra, Phú Long. Đáng nói, ông Bình đã tham gia công việc âm thầm này từ 2 năm trước, mới đây nghe người cháu (thành viên nhóm) giới thiệu nên mới tham gia chung. “Mọi việc tôi làm đều xuất phát từ cái tâm”- ông Bình chia sẻ thêm. Hay như anh Nguyễn Toàn, Huỳnh Toàn, những thành viên chính của nhóm cũng làm nghề sửa xe máy, chạy xe. Ban ngày mỗi người một công việc, một cuộc sống của riêng để mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình. Thấm đi những giọt mồ hôi sau một ngày làm việc vất vả, thay vì giây phút nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình, họ lại tỏa đi các ngả đường để tìm người cần giúp đỡ. Với họ, đó chính là niềm vui, góp sức cho cuộc đời những gì mình có thể.

 Mong sự lan tỏa, cộng sức

Kể về những khó khăn khi mới đi vào hoạt động, anh Trần Trường Giang, một trong những người cùng thành lập nhóm chia sẻ: Do không có kinh phí nên toàn bộ chi phí về xăng xe, dụng cụ vá vỏ, lốp, xăm, bông băng y tế để dự phòng sơ cứu người gặp nạn… anh em trong nhóm đều tự bỏ tiền ra mua sắm, hỗ trợ miễn phí cho người đi đường. Anh Giang kể: Vì còn mới mẻ, ít người biết đến, không có đồng phục nhóm nên đã gặp không ít trường hợp dở khóc dở cười. Đó là các trường hợp bị sự cố về xe, khi thấy có người đến hỏi để giúp đỡ họ vô cùng cảnh giác, từ chối. Có trường hợp sợ bị chặt chém sau khi được sửa xe. Thậm chí có người còn ác ý cho rằng, chính các thành viên nhóm… đi rải đinh cho thủng lốp để vá. Khi hiểu ra những việc làm ý nghĩa của nhóm, họ mới đính chính lại là câu nói bông đùa. Những trường hợp như vậy đã có lúc khiến anh em trong nhóm buồn lòng, nhụt chí. Đổi lại, với vai trò nhóm trưởng chị Quý luôn động viên các thành viên nhóm. “Cho đi là còn mãi” là câu nói luôn được chị nhắc nhớ trong tim.

Thành lập mới hơn 1 tháng nên mọi thứ dụng cụ cần thiết cho hoạt động còn rất thiếu thốn. Dù vậy, đến thời điểm này nhóm đã tự đầu tư đồng phục, in lô gô, áo dạ quang… để người dân có thể nhận biết, tin tưởng. Nói về những trường hợp được giúp đỡ vượt qua sự cố nhiều người trong số họ mong muốn được tham gia nhóm, ủng hộ ít vật dụng, chút tiền để anh em mua sắm lại dụng cụ hỗ trợ cho những người khác. Các thành viên khác lại đi vận động ngay trong gia đình mình được mỗi người 2 - 3 triệu đồng để góp sức mua sắm đồ dùng, dụng cụ sửa chữa xe, mong duy trì hoạt động nhóm lâu dài.

Anh Trần Trường Giang bày tỏ: Chúng tôi rất mong muốn nhiều người biết đến nhóm để lan tỏa việc làm này. Lúc đó, nhóm có thể đứng chốt ở các điểm cố định, khi người đi đường gặp sự cố, chỉ cần gọi điện chúng tôi sẽ có mặt. Như vậy sẽ tiết kiệm được chi phí xăng xe và công sức, đảm bảo an toàn. Nhóm cũng mong nhận được sự cộng sức từ các chương trình về an toàn giao thông một số trang thiết bị cần thiết để hỗ trợ người đi đường, cần thêm những tình nguyện viên để tham gia giúp đỡ bà con… Có như vậy niềm vui “cho đi là còn mãi” mới lâu dài, trọn vẹn.

    
    Nhóm SOS hỗ trợ xe   máy 86 thành lập với tiêu chí tự nguyện hỗ trợ cho bà con lao động không   may gặp sự cố về xe máy như hết xăng, chết máy, xì lốp...   Thời gian hoạt   động từ 19 giờ 30 đến 23 giờ 30 mỗi tối. Tuyến đường hoạt động từ trung   tâm TP. Phan Thiết đến Km 15 Hàm Thuận Nam, thị trấn Ma Lâm, Sa Ra, thị   trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc). Số điện thoại gọi hỗ trợ: 0703678113 -   0933239274.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cho đi là còn mãi”