Theo dõi trên

Liệu có gỡ được “thẻ vàng” EC?

10/10/2019, 09:27

BT- Trong 177 thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam, châu Âu hiện đang đứng thứ 2, mỗi năm đem về cho Việt Nam từ 350 – 400 triệu USD, cũng là thị trường chiếm 17 – 18% trong tổng giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” cảnh báo đối với thủy sản khai thác của Việt Nam về đánh bắt hải sản trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU), sản lượng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này có dấu hiệu chững lại. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, của Liên minh châu Âu (EU), sau “thẻ vàng” đã tụt xuống vị trí thứ 5.

Việc ngư dân vi phạm IUU kéo theo hàng hoạt hệ lụy cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Đã 2 năm từ khi EC rút “thẻ vàng”, nhiều công ty xuất khẩu thủy sản trong và ngoài tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để xin giấy xác nhận nguồn nguyên liệu tại cảng cá, do vướng mắc trong hồ sơ xác nhận nguồn gốc khai thác. Theo Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, điều này dẫn đến không đáp ứng được đơn hàng và thời gian giao hàng cho nhà nhập khẩu.

1 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cho biết, hiện nay 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất sang EU phải mất 10-20 ngày kiểm tra, thời gian kéo dài kéo theo nhiều rủi ro, chi phí cũng tăng, gây áp lực rất nhiều cho doanh nghiệp. Thủ tục chứng từ rất phức tạp khiến chi phí tăng lên. Riêng chi phí để trả khi bị kiểm tra hàng, trung bình 1 container hàng hải sản xuất sang EU phải tăng thêm 5.000 - 10.000 euro (khoảng 270 triệu đồng). Cũng theo chủ doanh nghiệp này, thị trường Mỹ cũng bắt đầu rục rịch điều tra tương tự như EU, do đó con đường xuất khẩu thủy sản không còn trải thảm hồng như trước. Cũng dễ hiểu khi 2 năm qua, doanh số xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu của Công ty TNHH Hải Nam liên tục sụt giảm, trung bình mỗi năm 25%. Theo doanh nghiệp này, trong 9 khuyến nghị của EC, thì khuyến nghị tàu thuyền phải có giấy phép đăng ký thì mới được cấp giấy phép SCI (xác nhận nguyên liệu) cho doanh nghiệp. Đây chính là vấn đề bất cập nhất hiện nay. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này từng trả lời với báo chí, nguồn nguyên liệu của công ty có thể được thu mua từ những tàu thuyền nhỏ, manh mún nên việc làm giấy xác nhận nguồn gốc rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Do đó, sẽ dẫn đến tình trạng có hàng nhưng không thể xuất được vì vướng nhiều thủ tục, kéo theo tăng phí lưu kho và nhiều loại phí khác… Trên thực tế, “thẻ vàng” của châu Âu đối với thủy sản khai thác của Việt Nam về khía cạnh tích cực là một cú hích cần thiết để chúng ta chuyển đổi quyết liệt nghề cá nhằm phát triển bền vững và có trách nhiệm. 2 năm qua, các bộ, ngành, địa phương liên quan và hiệp hội, doanh nghiệp nỗ lực để chứng minh cho EU thấy Việt Nam có kế hoạch rõ ràng trong việc khắc phục những tồn tại của ngành đánh bắt hải sản hiện nay. Tuy nhiên, bài toán khó nhất để giải quyết “thẻ vàng” xuất phát từ tàu đánh bắt và mức độ tuân thủ của ngư dân. Riêng đối với Bình Thuận, dù có nhiều nỗ lực nhưng tỉnh cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chống khai thác IUU như: Việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng có lập sổ sách, ghi chép biểu mẫu nhưng chưa hoàn chỉnh. Công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác còn sai sót. Đặc biệt, việc tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra. Nếu không sớm khắc phục những hạn chế này thì bài toán gỡ “thẻ vàng” sẽ càng khó có kết quả.

Theo kế hoạch, đầu tháng 11/2019, đoàn thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Thời gian để khắc phục 9 khuyến nghị của EC không còn nhiều, liệu Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng”?. Nếu gỡ được “thẻ vàng” của EC, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu thủy sản sang các  thị trường lớn với kim ngạch xuất khẩu lên đến 1,4 tỷ USD. Và quan trọng hơn là xây dựng, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, đặc biệt là phát triển kinh tế biển một cách bền vững! 

Song Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liệu có gỡ được “thẻ vàng” EC?