Theo dõi trên

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các vựa thanh long

05/10/2019, 10:14

 BT- Bình Thuận có hàng trăm cơ sở thu mua, chế biến, bảo quản thanh long. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại nhiều nơi chưa đầy đủ, chủ các vựa thanh long còn thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức đến công tác này…

                
Lực lượng PCCC đang diễn tập. Ảnh: Đình Hòa

 Thiệt hại tiền tỷ do cháy

Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết, đơn vị đang quản lý 210 cơ sở thu mua, chế biến thanh long có sử dụng kho lạnh để bảo quản thanh long; tập trung chủ yếu tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và TP. Phan Thiết. Tuy nhiên, tại một số cơ sở, việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC chưa đầy đủ. Đến nay chỉ có 12 cơ sở đã thẩm duyệt thiết kế PCCC và nghiệm thu công trình trước khi đưa vào hoạt động. Qua kiểm tra, 72 cơ sở đã trang bị phương tiện PCCC nhưng còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, 101 cơ sở có lực lượng PCCC nhưng chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC…

Thực trạng trên rất đáng quan tâm, bởi khi xảy ra cháy, việc chữa cháy của lực lượng PCCC tại những cơ sở thanh long sẽ không hiệu quả, rất dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy ở các vựa thanh long, dù chưa gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn, ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của công nhân và tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Điển hình là vụ cháy cơ sở thanh long Linh Đan tại xã Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) ngày 19/2/2018, làm thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng; vụ cháy ở cơ sở thanh long Hải Duy tại xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) ngày 11/10/2018, làm thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng. Ngày 9/4/2019, cơ sở thanh long Sơn Thủy tại xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) cũng xảy ra cháy, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.

Nguyên nhân gây ra các vụ cháy chủ yếu do sự cố hệ thống thiết bị điện, trong đó phần lớn do rơ le điện trở xả đá bị quá tải trong quá trình hoạt động làm phát nhiệt trên dây dẫn điện, gây cháy vỏ cách điện và hộp đấu nối. Khi cháy, các tàn lửa rơi xuống và cháy lan ra khu vực để hàng hóa có bao bì làm bằng các chất dễ cháy như catton, nilon, nhựa.

 Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, để ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, quan trọng nhất là ý thức tự bảo vệ tài sản và việc chấp hành các quy định về PCCC của người đứng đầu các cơ sở kinh doanh thanh long. Trong đó, chủ cơ sở cần thực hiện nghiêm túc việc thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC đối với các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo. Đầu tư hệ thống, thiết bị PCCC như: hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, phương tiện chữa cháy xách tay, lối thoát hiểm; trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC, kỹ năng thoát nạn cho người lao động. Không để công nhân hút thuốc hoặc mang chất dễ cháy vào khu vực sản xuất; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện sản xuất, đặc biệt chú ý đến hệ thống điện của kho lạnh và khu vực kho, bao bì.

                
Lực lượng Cảnh sát PCCC nỗ lực dập lửa tại    một kho chứa thanh long.

Với trách nhiệm của mình, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ sẽ chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với lĩnh vực thu mua, chế biến, bảo quản thanh long. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn về PCCC tại các cơ sở thu mua, bảo quản thanh long để kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về PCCC; kiên quyết xử phạt nghiêm các lỗi trực tiếp phát sinh cháy nổ hoặc không thực hiện các kiến nghị đã được cơ quan PCCC chỉ ra. Tiếp tục triển khai công tác điều tra cơ bản, tiến hành khảo sát đánh giá và dự báo nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ tại các cơ sở thanh long để có biện pháp phòng ngừa; đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên tổ chức diễn tập, ứng phó các sự cố cháy nổ.

LÊ PHÚC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh báo nguy cơ cháy nổ tại các vựa thanh long