Theo dõi trên

Nhức nhối nạn phụ nữ bị bạo hành

02/10/2019, 09:18

BT- Đi đâu, về đâu để được an toàn, không làm phiền người thân, bạn bè - đó là tâm trạng của nhiều phụ nữ khi bị bạo hành. Có không ít người đã chọn “nhà tạm lánh” để nương thân, tránh bị chửi bới hay những trận đòn, bởi chính bạn đời của mình.

                
Ảnh minh họa

Những vụ đau lòng

Theo thống kê về thực trạng bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh, từ năm 2008 - 2019, cả tỉnh xảy ra 11.388 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, có 8.036 vụ bạo lực đối với phụ nữ, còn lại là trẻ em và người già. Những người bị bạo hành, nhẹ thì bị thương, nặng thì tử vong và có trường hợp người bạo hành phải bị tù tội.

Điển hình như vụ bạo lực gia đình huyện Tánh Linh mới đây khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Chị M. quê ở An Giang, năm qua đã gặp và yêu Huỳnh Ngọc An. Do đã lỡ duyên một lần, chị M. không được gia đình đồng ý cho kết hôn với người trẻ tuổi hơn. Sau đó chị trốn nhà ra Bình Thuận sống như vợ chồng với An mà không đăng ký kết hôn. Đêm 16/8, An đi nhậu về thấy chị đang nằm ngủ liền chửi rủa. Sợ bị chồng đánh, chị M. bỏ ra nhà sau, thì An dùng cây gỗ dài khoảng 80cm đánh đập tàn nhẫn lên đầu, tay, chân mặc dù chị đang mang thai 26 tuần. Chưa dừng lại khi chị bỏ chạy thì An cầm dao đuổi theo chém liên tiếp vào người, gia đình An và hàng xóm đều không dám can ngăn. Khi phát hiện chị hôn mê, hàng xóm đã gây áp lực, nên gia đình An mới đưa chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. 2 ngày sau, An lên thăm chị và yêu cầu chị phải xuất viện về, khi vết thương chưa lành hẳn. Mặc dù vợ đang thương tích đầy mình, nhưng khi về đến nhà, An buộc chị phải vào bếp nấu cơm, chị khóc lóc năn nỉ do 2 tay và 1 chân còn băng bột, rất đau đớn, thì An tiếp tục dùng cây đánh vợ thêm lần nữa. Phải đến khi An bỏ đi nhậu, thì hàng xóm mới dám đưa chị M. đi cấp cứu.

Còn chị N.K.C ở xã Tiến Lợi bị bỏng nặng khi chồng tưới xăng lên người và châm lửa đốt. Chị và anh Nguyễn Văn L đã có 2 mặt con, cả hai đã ly hôn, nhưng anh L vẫn luôn tìm cách gần gũi C với cớ về thăm con. Thỉnh thoảng 2 người cãi vã nhau, C làm nghề tự do nên hay đi sớm về muộn. Vào một đêm tháng 8 sau khi làm xong việc, C nhờ một người bạn chở về nhà, đến đoạn gần nhà C nói với người bạn dừng cho xuống, tự đi bộ về nhà. Khi người bạn vừa quay xe đi khỏi, anh L xuất hiện tạt xăng vào người C, đồng thời châm lửa đốt...

Theo cơ quan chức năng, phụ nữ thường bị bạo lực về thể xác. Chính quyền địa phương đã can thiệp, hòa giải thành công nhiều vụ. Ngoài ra, một số trường hợp phụ nữ bị bạo hành, nhưng không báo với chính quyền, cơ quan chức năng nên không nắm được. 

Địa chỉ bình yên

Nhằm trợ giúp kịp thời khi có bạo lực gia đình xảy ra, ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh đã triển khai các địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình. Nhiều địa phương thông qua mô hình này đã tác động đến cộng đồng để giảm thiểu bạo lực gia đình, nhất là những vụ việc nghiêm trọng. Hiện toàn tỉnh có 398 địa chỉ tin cậy và 257 đường dây nóng trong hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tại cộng đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, địa chỉ nhà tạm lánh thiết lập ở các nơi thuận tiện như tại trạm y tế, hội trường ban điều hành thôn, khu phố và nhà chi hội trưởng hội phụ nữ, nhà chủ tịch hội phụ nữ xã, phường. Mỗi địa chỉ đều có người túc trực để giúp đỡ nếu có trường hợp cần can thiệp.

Tại thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính là điển hình, nhà tạm lánh cho chị em bị bạo hành được bố trí tại nhà Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn. Chị em bị bạo hành trong thôn đến nhà Chi hội trưởng được ngủ nghỉ an toàn và được nghe Chi hội trưởng tham vấn tâm lý, bày cách giải quyết mâu thuẫn, ứng phó với tình huống căng thẳng. Bà Vũ Thị Anh Đào - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn và là Tổ trưởng Tổ phụ nữ phòng chống bạo lực gia đình thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính chia sẻ, ban đầu chị em còn ngại đến với nhà bà, do không muốn bày tỏ nỗi lòng với bất cứ ai, vì nghĩ “xấu chàng, hổ ai”. Nhưng dần dà chị em cũng mạnh dạn đến và chia sẻ những nỗi khổ của mình, sau khi hiểu được bà là người đáng tin cậy. Những năm qua, bà đã giải quyết nhiều vụ chị em bị bạo hành, thành công cũng nhiều mà không thành cũng có. Những vụ không thành tuy buồn, nhưng cũng vui, vì giải phóng được cho chị em khỏi đau khổ... Như vụ chị T.P, chồng chị không chỉ gia trưởng trong việc chi tiêu hàng ngày trong gia đình, mà còn thô bạo trong chuyện thầm kín, đánh đập chị nhiều lần, chi hội cũng đã làm công tác hòa giải nhưng không thể níu kéo và buộc phải ly hôn.

Những nạn nhân đến với nhà tạm lánh đa phần đều bị tổn thương nghiêm trọng cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số họ có người có dấu hiệu của trầm cảm, mất tự tin, có cái nhìn bi quan về tương lai. Nhưng với sự hỗ trợ và sự động viên của các cán bộ hội phụ nữ, họ đã ổn định tâm lý, sức khỏe và được hỗ trợ trở lại cộng đồng, tiếp tục được giúp đỡ để ổn định cuộc sống.

    
    Theo báo   cáo kết quả 3 năm thực hiện đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực   trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030, toàn tỉnh hiện   nay, ngoài có các địa chỉ tin cậy và đường dây nóng hoạt động phòng   chống bạo lực gia đình, có 94/127 xã, phường, thị trấn có Ban Chỉ đạo   phòng chống bạo lực gia đình, có 90/706 thôn, khu phố có Câu lạc bộ gia   đình phát triển bền vững, có 240 “nhóm phòng chống bạo lực gia đình” ở   cơ sở.

Lê Ninh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhức nhối nạn phụ nữ bị bạo hành