Theo dõi trên

Khắc phục bất cập kết cấu hạ tầng giao thông

23/09/2019, 08:46 - Lượt đọc: 3

BT- Ý thức của người tham gia giao thông kém, hạ tầng giao thông không đạt chuẩn là 2 yếu tố then chốt ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh. Để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian tới, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với các bộ ngành liên quan để sớm khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông.

                
      
   Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh, nhiều đoạn    mặt đường bị hư hỏng nhưng chậm sửa chữa, khắc phục.

Bình Thuận là cửa ngõ khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, có lưu lượng phương tiện và mật độ giao thông đi qua địa bàn rất lớn, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A, nên tình hình giao thông có nhiều yếu tố phức tạp. Ghi nhận từ đầu năm 2019 đến nay, TNGT trên địa bàn tỉnh gia tăng cả 3 tiêu chí, toàn tỉnh xảy ra 287 vụ, làm chết 165 người, làm bị thương 215 người. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 15 vụ (5,5%), tăng 15 người chết (10%) và tăng 22 người bị thương (11,4%). Trong đó, TNGT trên quốc lộ 1A tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với 92 vụ, làm 72 người chết, 47 người bị thương.

Nguyên nhân gây ra TNGT chủ yếu và trực tiếp vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông kém, vẫn còn tình trạng lái xe uống rượu bia và lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, nhất là các lái xe chạy tuyến đường dài Bắc - Nam,... Thêm vào đó, còn tồn tại nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, một số tuyến đường trọng điểm qua địa bàn tỉnh mặt đường còn nhỏ hẹp, không có dải phân cách giữa, nhiều vị trí cầu bị thắt cổ chai, nguy cơ cao xảy ra tai nạn đối đầu, va chạm giữa các xe đi cùng chiều. Có thể kể đến như tuyến quốc lộ 55 (đoạn qua La Gi, Hàm Tân), tuyến quốc lộ 1A đoạn từ km 1720+800 – km 1770+734 qua địa bàn 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân,…

Quốc lộ 1A là tuyến đường huyết mạch của cả nước, đoạn qua địa bàn tỉnh dài 181,5 km, tuy nhiên đến nay đã có nhiều đoạn kết cấu mặt đường hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều “ổ gà” nguy hiểm, hằn lún vệt bánh xe sâu hơn 2,5 cm đã tồn tại trong thời gian dài nhưng chưa được nhà thầu sửa chữa, khắc phục kịp thời. Trên thực tế đã có rất nhiều vụ xe máy bị té ngã khi qua những đoạn đường này.  Mới đây, Đoàn kiểm tra do ông Khuất Việt Hùng -  Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh Bình Thuận. Qua đó cùng với các sở, ngành, địa phương làm rõ những tồn tại, khó khăn của tỉnh trong công tác đảm bảo ATGT.

Năm 2017, Bộ Giao thôngvận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường quốc lộ 1A đoạn Phan Thiết – Đồng Nai theo hình thức BOT. Trong đó, phê duyệt bổ sung đầu tư mở rộng nền, mặt đường, lắp dải phân cách (19,6 km) các đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và mở rộng 3 cầu Phú Sung, cầu ông Hạnh, cầu Tà Mon. Tuy nhiên, đến nay chỉ thi công lắp đặt dải phân cách giữa 6,3 km, còn lại 13,3 km và việc mở rộng 3 cầu chưa được triển khai. Do đó, để giảm thiểu tai nạn đối đầu, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị với đoàn công tác có ý kiến kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo các đơn vị sớm triển khai thi công, đồng thời khẩn trương sửa chữa những điểm mặt đường hư hỏng, đầu tư, duy tu sửa chữa một số hệ thống đèn chiếu sáng tại các điểm bức xúc và sớm triển khai thí điểm lắp đặt camera giám sát trên quốc lộ 1A.

Đối với tuyến đường sắt Thống Nhất qua địa bàn tỉnh dài 176 km, còn nhiều đường ngang đi vào các khu dân cư sống tập trung, mật độ phương tiện tham gia giao thông qua đường ngang đông đúc, nhưng chỉ phòng vệ bằng biển báo. Bình Thuận đã đề nghị Bộ Giao thôngvận tải chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sớm khảo sát, đầu tư nâng cấp cảnh báo tự động và lắp đặt cần chắn tự động tại các đường ngang biển báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Bên cạnh đó, đề nghị chỉ đạo các Ban quản lý dự án phối hợp với địa phương tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, di dời lưới điện 220 KV và 500KV để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh, đặc biệt là đoạn Dầu Giây – Phan Thiết. Đây được xem là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông, góp phần hạn chế TNGT trên tuyến đường huyết mạch.

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai năm 2024
Chiều 28/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024. Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung ương thường trú tại Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục bất cập kết cấu hạ tầng giao thông