Theo dõi trên

Bình Thuận sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18

23/09/2019, 08:35 - Lượt đọc: 58

Bài 2: Chủ động tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện bộ máy

BT- Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), đến nay, dù Bình Thuận đã đạt một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, do là việc mới, chưa từng có tiền lệ nên đâu đó, vẫn còn có sự lúng túng, khó khăn cần tháo gỡ.

                
      
   Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm việc    với huyện Đức Linh về tình hình, kết quả thực hiện đề án sắp xếp tổ    chức bộ máy của huyện.

Còn hiện tượng “sắp ghế ngồi chung phòng”

Việc thực hiện Nghị quyết số 18 “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đang diễn ra nghiêm túc và rộng khắp trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng xuất hiện không ít khó khăn, vướng mắc. Tại một số cơ quan, đơn vị ở địa phương sau khi sáp nhập như còn có sự lúng túng về loại hình tổ chức, vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, quy chế làm việc và mối quan hệ công tác. Một số cơ quan sau sáp nhập, vẫn còn trạng thái “cơ học” chưa đạt được tính “hữu cơ”, theo kiểu “sắp ghế ngồi chung phòng”, chưa có sự liên thông, thống nhất trong giải quyết những nhiệm vụ có tính chất tương đồng. Có cơ quan ở cấp huyện sau hợp nhất phải chịu sự chỉ đạo của nhiều cơ quan cấp tỉnh. Dẫn đến tình trạng cùng một nội dung nhưng hình thức chỉ đạo, đề cương báo cáo và mốc thời gian khác nhau nên phải tham mưu ban hành nhiều văn bản và thực hiện nhiều đầu báo cáo. Đơn cử như tại huyện Phú Quý, sau khi Phòng Văn xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập: Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Văn hóa và Thông tin, đã phải chịu sự quản lý của UBND huyện và 5 sở, ngành liên quan, do đó chế độ báo cáo gặp nhiều khó khăn… Còn tại huyện Đức Linh, sau khi sáp nhập, cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra trực thuộc Huyện ủy và do Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập. Khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy thì sử dụng thể thức văn bản của Đảng là đảm bảo, nhưng khi thực hiện chức năng quản lý điều hành của Nhà nước thì sử dụng thể thức văn bản của Nhà nước lại bị vướng. Hay sau khi được sáp nhập, khối lượng công việc của Ban Tổ chức - Nội vụ huyện rất lớn. Nhưng tổ chức bộ máy của ban chưa được củng cố hoàn chỉnh, nên việc quán xuyến tầm soát nhiệm vụ chưa bao quát, dẫn đến thực hiện công tác tham mưu còn lúng túng. Việc sử dụng thể thức văn bản hay sử dụng con dấu của ban này cũng còn có điểm chưa phù hợp với thực tiễn và không đúng quy định của Luật Ban hành văn bản khi thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vận hành của các tổ chức, cơ quan được hợp nhất, sáp nhập chưa thực sự đảm bảo quy chế đề ra; tính lồng ghép trong những việc tương đồng chưa rõ ràng, thiếu tính hợp nhất... Đối với đề án “Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch UBND huyện” cũng có không ít khó khăn. Do giữ vai trò là người đứng đầu cả cấp ủy và chính quyền địa phương nên áp lực công việc của vị trí này là rất lớn. Hơn nữa với chức danh là Bí thư, Chủ tịch UBND sẽ phải mất rất nhiều thời gian tham gia các cuộc họp, phần nào ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, điều hành và triển khai, thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương…

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trên, một phần do đây là việc làm mới chưa có tiền lệ, lại chưa có sự hướng dẫn, quy định cụ thể, chi tiết nên các địa phương, đơn vị cơ bản phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong khi đó, hiện nay các bộ, ngành Trung ương chưa kịp sửa đổi, ban hành các quy định hướng dẫn sắp xếp tổ chức bộ máy theo ngành. Nên khi thực hiện, ở một số khâu còn thiếu cơ chế, cơ sở pháp lý…  

Chủ động tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả

Để việc thực hiện Nghị quyết số 18 tại tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả theo đúng kế hoạch đã đề ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong tập thể, công chức, viên chức, người lao động về chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bám sát các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để rà soát lại những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của mình, từ đó tập trung thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra. Đẩy mạnh việc kiểm tra đôn đốc các cơ quan đơn vị đã sáp nhập hợp nhất bộ máy. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện quy chế lề lối làm việc và chuẩn bị tốt các điều kiện để bộ máy mới sớm hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra. Đồng thời, phải có các cơ chế, giải pháp nhằm kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương khi hợp nhất các chức danh, nhất là khi thực hiện đề án Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND... Có như vậy mới xây dựng được một bộ máy thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của nghị quyết đã đề ra.

Đình NhưỢng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18