Theo dõi trên

3 “trụ cột” và chuyện tìm “sếu đầu đàn” 

20/09/2019, 13:56 - Lượt đọc: 36

BT- Ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi “sếu đầu đàn” trong phát triển 3 “trụ cột” kinh tế. 

                
Dự án điện gió ở Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

1. Nếu nói nơi nào có sự đổi thay nổi bật trong 2 năm qua sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh 2017 thì phải kể đến huyện Tuy Phong. Nơi đây đã hình thành những nhà máy điện mặt trời với những trang trại, những cánh đồng pin đẹp lung linh trên vùng đất bỏ hoang hóa lâu nay. Nơi đây đã đưa vào hoạt động Cảng Quốc tế Vĩnh  Tân, thành cửa ngõ giao thông để kết nối kinh tế vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây nguyên, bước đầu xuất hiện dịch vụ hậu cần hiện đại (logistics) giữa một vùng quê nông nghiệp. 9 nhà máy điện mặt trời và cảng quốc tế này xuất hiện góp phần làm đậm thêm sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo tại Tuy Phong, một lĩnh vực mà tính chung toàn tỉnh trong 2 năm qua đã phát huy rực rỡ với vốn đầu tư 39.803 tỷ đồng, chiếm 75% tổng vốn các lĩnh vực. Chưa hết, nơi đây, cụ thể xã Hòa Phú là nơi được xem là điểm đầu hoặc điểm cuối của khu du lịch quốc gia Mũi Né, do theo quy hoạch đã định là dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP. Phan Thiết) với tổng diện tích 14.760 ha. Không chỉ thế, nơi đây, từ 5 năm trước tỉnh cũng đã phê duyệt xây dựng Khu sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giống thủy sản Chí Công với quy mô 154 ha. Mục tiêu là xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất giống tôm và hải sản có năng suất, chất lượng cao theo nhu cầu thị trường; trong đó, ưu tiên giải quyết quỹ đất phục vụ di dời các cơ sở sản xuất tôm giống chịu ảnh hưởng của việc xây dựng Trung tâm nhiệt điện than tại xã Vĩnh Tân.

Không ngẫu nhiên, Tuy Phong trở thành nơi hội tụ đủ 3 “trụ cột” phát triển kinh tế của tỉnh. Trước đó, Trung ương định hướng và tỉnh xác nhận để vùng Bình Thuận bứt phá phải tập trung vào 3 lĩnh vực nhiều tiềm năng: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo; du lịch và nông nghiệp thông minh ở tầm cao. Cụ thể hóa điều đó, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đã diễn ra. Từ dạo ấy đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh đã tạo một bước ngoặt trên nhiều mặt và trong đó trên lĩnh vực thu hút đầu tư có đổi thay rất rõ. Có 264 dự án đã được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỷ đồng, trong đó đã có gần 100 dự án đi vào hoạt động, 51 dự án đang triển khai xây dựng… Bên cạnh, kinh tế tư nhân như được mùa nở hoa khi toàn tỉnh có khoảng 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 32.866 tỷ đồng. Chuyện này không xảy ra trước đó. Và điều đáng nói, phía sau những con số trên là sự thay đổi thiết thực từ chính đời sống người dân. Chuyện “ly nông bất ly hương” đã rõ. Nhưng hơn thế, có rất nhiều con em nông dân do ruộng vườn không ai chăm lại muốn có thêm nguồn thu nên bỗng hình thành cách làm việc “chạy sô” rất năng động ở nông thôn. Lâu nay chuyện “chạy sô” công việc trong nông nghiệp như ngày nay thu hoạch lúa, làm cỏ đậu…, ngày mai vuốt tai thanh long, cạo mủ trôm… là bình thường. Nhưng bây giờ, ban ngày chăm thanh long, gặt lúa… chiều mát đi lau những tấm pin mặt trời hay ngày thường làm nông, ngày cuối tuần, ngày lễ đi làm ở các cơ sở du lịch bỗng thành bước chuyển đặc biệt với người lao động vốn dĩ đã quen với cách làm việc cho gia đình, vần công trong thôn xóm.  

                
Du khách nước ngoài tham quan Suối Tiên (TP    Phan Thiết). Ảnh: Ngọc Lân

2. Đặt trong tình hình thế giới hiện tại với những biến động địa chính trị kéo theo biến động thu hút đầu tư, Bình Thuận với những tiềm năng vốn có, vận hội đang tụ về khiến 3 “trụ cột” kinh tế trên trở nên thu hút hơn và mở rộng hơn, nhất là với tầm nhìn của những nhà đầu tư lớn. Ở mảnh đất còn hoang sơ trong đầu tư, còn nhiều trở ngại trong đi lại như chưa hình thành sân bay, đường cao tốc nên khao khát muốn lớn lên, bứt phá khai thác đúng tầm tiềm năng có được khiến Bình Thuận nuôi giấc mơ tìm và kêu gọi “sếu đầu đàn” trong phát triển 3 “trụ cột” kinh tế. Và một số đã tìm đến. Có thể nêu “trụ cột” du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư đã xuất hiện Tập đoàn Mc Kinsey & Company, tập đoàn tư vấn với tuổi đời hơn 90 năm luôn là “quân sư” kịp thời cho các công ty hàng đầu từ Procter & Gamble cho đến American Express lẫn các cơ quan chính phủ Mỹ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Và trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2019 sắp diễn ra, tập đoàn này phát biểu về “Định hướng phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận trong bối cảnh mới”. Chưa hết, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Noval Land, đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản với vốn hóa ngay khi lên sàn chứng khoán là 29.500 tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD), trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vingroup cũng đã có mặt tại Bình Thuận qua khởi động các dự án du lịch tại TP. Phan Thiết. Trong khi đó, ở “trụ cột” công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo thì 2 - 3 năm nay đã nghe nói đến dự án điện gió ngoài khơi Kê Gà với công suất 3.400MW. Đây là dự án khổng lồ của Tổ hợp các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo quốc tế do Công ty Enterprize Energy làm đại diện đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương được phép triển khai công tác khảo sát, đo đạc thu thập số liệu gió ngoài khơi với diện tích khoảng 2.000 km2, phạm vi cách mũi Kê Gà từ 20 đến 60 m. Còn ở “trụ cột” nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng đã xuất hiện Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam, đơn vị có 23 công ty con tại các tỉnh, thành trong toàn quốc chuyên hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm thịt… sẽ phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tới về xây dựng chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới.

 Sắp tới sân bay, đường cao tốc Bắc - Nam rồi sẽ hình thành. Tiếp nữa, một số tuyến đường nối kết khu vực Tây nguyên như QL 55, QL 28, 28B dẫn về Cảng Quốc tế Vĩnh Tân được xây dựng, được mở rộng thì chuyện tiếp chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu đi nước ngoài của cảng biển nước sâu này sẽ sôi động. Theo đó, hệ thống dịch vụ logistics cấp vùng, phát huy hạ tầng cảng biển nước sâu Vĩnh Tân cũng nhộn nhịp theo, khi hiện tại tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư Trung tâm Logistics Bình Thuận của Công ty TNHH Vitaco với quy mô 18,8 ha và tổng mức đầu tư là 108 tỷ đồng (đối diện Cảng Quốc tế Vĩnh Tân). Lúc này, khi kết cấu hạ tầng cho phát triển đã đồng bộ, các nhà đầu tư lớn hàng đầu trên thế giới sẽ tìm đến Bình Thuận với sự hấp dẫn của khám phá miền đất mới. Tất yếu vị thế “sếu đầu đàn” trong phát triển 3 trụ cột sẽ có sự thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nhưng có một điều không thay đổi chính là sản phẩm của 3 trụ cột kinh tế ấy như du lịch, điện sạch… sẽ được bán nhiều hơn, cung ứng sâu hơn tại chính thị trường Bình Thuận.

    
    Tình hình   phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh đã tạo một bước ngoặt trên nhiều mặt   và trong đó trên lĩnh vực thu hút đầu tư có đổi thay rất rõ. Có 264 dự   án đã được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 53.031 tỷ đồng,   trong đó đã có gần 100 dự án đi vào hoạt động, 51 dự án đang triển khai   xây dựng…

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
3 “trụ cột” và chuyện tìm “sếu đầu đàn”