Theo dõi trên

Trà dư tửu hậu

20/09/2019, 13:35 - Lượt đọc: 57

BT- - Ông là nhà báo, đi nhiều biết rộng. Tôi hỏi ông vì sao Tháp nước Phan Thiết mình tuổi đời gần 1 thế kỷ rồi mà vẫn bền vững “trơ gan cùng tuế nguyệt”?

- Câu này hay à nhen. Tháp nước không chỉ là biểu tượng mà còn là tự hào của người Bình Thuận mình. Tháp do hoàng thân Xuphanuvong (Lào) thiết kế, được Sở Công chánh Hà Nội duyệt rồi đưa ra đấu thầu, trong số 2 nhà thầu Pháp, 2 nhà thầu Việt, thì nhà thầu Ưng Du (người gốc Huế, làm việc ở Bình Thuận) trúng thầu. Tháp xây dựng từ năm 1928 - 1934.

Tháp nước Phan Thiết.

Theo những nhà nghiên cứu, Tháp nước Phan Thiết vững chãi qua hơn 9 thập kỷ do trong quá trình xây dựng các công nhân đã tuân thủ nghiêm ngặt thiết kế kỹ thuật, sỏi phải đem rửa 5 lần cho sạch cát bụi, cát đúc cũng phải rửa 3 lần cho sạch tạp chất, sắt đúc phải dùng giấy nhám chà xát cho hết hoen rỉ, ván cốt pha phải bào láng để khi tháo ra không cần tô trét gì thêm. Ông xem ngày nay có mấy ông thầu kỹ lưỡng như vậy?

- Ông tinh thông thật. Tôi lại hỏi ông vì sao ngọn hải đăng Kê Gà trên 1 thế kỷ nay vẫn đứng sừng sững giữa biển cả trước phong ba bão tố?

- Cái này thì “tầm cỡ” hơn ông à. Tròm trèm 120 tuổi đời nên hải đăng Kê Gà được công nhận là cao và cổ xưa nhất Việt Nam và cả Đông Nam Á. Từ thế kỷ trước có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây bị đắm do không xác định được tọa độ và vị trí, vì thế người Pháp  cho xây dựng ngọn hải đăng này. Công trình do kiến trúc sư Chnavat (người Pháp) thiết kế, chất liệu toàn bộ bằng đá, cao 65 m so mặt nước biển, bán kính quét sáng trên biển là 22 hải lý, tương đương 40 km. Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn lên đỉnh hải đăng. Xung quanh chân hải đăng có 2 hàng hoa sứ tuổi đời trên 100 năm. Vật liệu xây dựng hải đăng được đưa từ Pháp qua, kể cả ngọn đèn trên đỉnh và máy phát điện.

Đặc biệt tất cả những khối đá hoa cương dùng xây hải đăng đã được chạm khắc thành từng ô, từng hình chữ nhật phẳng. Nghĩa là gần như có sẵn 1 ngọn tháp bằng đá được làm sẵn, khi xây dựng chỉ cần lắp đặt đúng thứ tự, góc cạnh từ dưới lên trên, không cần sử dụng vữa kết dính lại, các phiến đá khít khao, được sắp xếp khéo léo, nên không cần tô trét vẫn bền vững, ông rõ chưa?

- Đúng là nhà báo, cái gì cũng biết, mà biết không sâu.

- Ê sao vừa khen lại chê liền vậy cha nội?

- Theo tôi tháp nước hay hải đăng bền vững theo thời gian, ngoài yếu tố kỹ thuật như ông nói, còn do không có “hoa hồng”  ông à.

- Hoa hồng, hoa cúc thì liên quan gì chuyện “gạch, đá, sắt, thép” này, cha nội?

- Không liên quan là sao? Thế tôi hỏi ông vì sao ngày nay có rất nhiều công trình xây dựng hoành tráng, nhưng chỉ vừa mới khánh thành đã hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, mặt đường vừa nghiệm thu xong thì nứt toác ra như bị động đất mạnh 8 - 9 độ richter, ông đừng nói với tôi là do trình độ thiết kế và thi công bây giờ thua kém thế kỷ trước nhé?

- Cái này thì do nhiều nguyên nhân lắm ông à, chủ quan có, khách quan có, biến đổi khí hậu làm thiên tai, bão lũ cũng dữ dằn hơn xưa ông à.

- Thôi ông đừng vòng vo đổ cho trời đất nữa. Chuyện “lại quả”, “hoa hồng” trong đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các công trình sử dụng vốn nhà nước, thì dư luận đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Công trình càng to, “lại quả” càng đậm, có công trình bị cả chủ đầu tư, thiết kế, xây dựng, giám sát bắt tay nhau “rút ruột” thì còn gì chất lượng? Để có lãi mà vẫn có khoản “bôi trơn” người ta buộc phải bớt xén thôi, tham nhũng, hối lộ có thể xuất hiện ở cả 3 công đoạn, từ lúc chạy vốn, chạy dự án, đến “quân xanh, quân đỏ” trong mở thầu, cuối cùng là gian lận, bớt xén khi thi công, ăn bớt khối lượng, chủng loại vật tư, tác động trực tiếp đến chất lượng công trình.

- Nếu ông nói tới loại “hoa hồng” đó, thì đâu chỉ trong xây dựng cơ bản mà cả mua sắm tài sản công, ký kết hợp đồng đều có cả.

- Đúng thế, Đảng ta liệt kê ra hơn chục loại “chạy”, mùa chuẩn bị đại hội Đảng các cấp này, dù Tổng Bí thư đã tuyên bố kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu, nhưng các “quan tham” vẫn ráo riết chạy. Có cầu có cung, lo lắm ông ạ.

- Thôi ông đừng lo lắng, ảnh hưởng sức khỏe. “Lại quả”, “hoa hồng” chẳng qua chỉ là một dạng tham nhũng vặt, không gây thiệt hại gì lớn cho đất nước, cùng lắm chỉ gây bức xúc trong nhân dân thôi.

- Ông lại sai rồi. Vừa rồi có mấy vị bộ trưởng, hoặc sếp lớn mấy “tổng - tập” nhà nước khai nhận rằng đã đút túi vài ba triệu đô tiền đối tác “cảm ơn”. Đó không phải “hoa hồng”, “lại quả” thì là gì? Riêng “quả” này nếu trót lọt thì nhà nước mất đứt hơn 7.000 tỷ đồng, nó có “vặt” không ông?

- Ông tinh tướng thật, chịu ông đấy! Thôi cạn chén này, mình nghỉ, mai còn đi Đồi Dương tắm biển nhen ông.

Khôi Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trà dư tửu hậu