Theo dõi trên

Nguy hại từ sử dụng xung điện để khai thác hải đặc sản

19/09/2019, 09:30

Bài 2:  Đâu là giải pháp bền vững cho nghề lặn hải đặc sản?

BT- Nghề lặn xuất hiện tại huyện Tuy Phong trong khoảng thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, tập trung tại xã Phước Thể và xã Chí Công. Đây là nghề truyền thống của một bộ phận ngư dân. Không những mang lại lợi ích cho khoảng 1.000 lao động trực tiếp hành nghề mà còn tạo nhiều việc làm trong ngành vận chuyển, chế biến, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân. Tuy nhiên, cần phải có giải pháp bền vững cho nghề lặn hải đặc sản, chấm dứt ngay việc khai thác hải sản sử dụng thuốc nổ, lặn sử dụng xung điện, giã cào bay sai tuyến, gây nguy hại cho hệ sinh thái biển.

Đấu tranh dưới biển

Những năm qua, công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng huyện Tuy Phong đối với các hành vi khai thác hải sản trái pháp luật chưa bao giờ hết “nóng”. Khai thác hải sản sử dụng thuốc nổ, lặn sử dụng xung điện, giã cào bay sai tuyến gây nhức nhối trên toàn tuyến biển dài khoảng 55 km của huyện Tuy Phong. Điều này dễ dàng nhận thấy qua con số thống kê 45 trường hợp vi phạm bị xử lý trong năm 2010 tăng lên 125 trường hợp trong năm 2018. Cao điểm năm 2016, lực lượng chức năng đã xử lý 258 trường hợp vi phạm, xử phạt số tiền lên đến 1 tỷ 671 triệu đồng. Trong đó có 105 trường hợp vi phạm trong nghề lặn và 32 trường hợp vi phạm hoạt động giã cào bay.

Riêng 8 tháng năm 2019, qua tuần tra kiểm soát, lực lượng chức năng đã xử lý 73 trường hợp vi phạm, trong đó có 30 trường hợp lặn sử dụng xung điện bị phạt với số tiền gần 200 triệu đồng. Những con số biết nói đã vạch ra bức tranh toàn cảnh về tình hình vi phạm khai thác hải sản tại Tuy Phong. Các vụ vi phạm trong khai thác hải sản tăng đồng nghĩa với thực trạng nguồn lợi nơi đây đang dần cạn kiệt. Anh La – chủ một phương tiện ghe lặn tại xã Chí Công cho biết: “Nghề lặn là nghề truyền thống của gia đình mình. Những năm gần đây do nguồn lợi hải sản ven bờ cạn kiệt, thợ bạn thì không chịu lặn vùng nước sâu mà tách ra làm thúng, sắm kích điện đi lặn ven bờ. Do không có bạn nên gia đình đã phải chuyển nghề”. Còn với anh Được – một thợ lặn lâu năm tại xã Phước Thể cho rằng: “Do lặn lâu năm, sức khỏe không còn đảm bảo để lặn ở vùng nước sâu nên tôi rủ thêm vài người bạn đóng chiếc thúng với giá 50 triệu đồng hành nghề lặn dùng xung điện ở vùng biển ven bờ. So ra với phương pháp cũ, lặn sử dụng xung điện cho thu nhập cao hơn”.  

Trong khi đó công tác bám biển, tuần tra xử lý vi phạm của lực lượng chức năng cũng gặp vô vàn khó khăn. “Các thuyền thúng hành nghề lặn sử dụng xung điện đều cử người theo dõi nhất cử nhất động của anh em trong trạm. Mỗi khi thấy có động tĩnh, các thuyền, thúng hành nghề lặn sử dụng xung điện hoặc nằm bờ hoặc sẵn sàng vứt bỏ các ngư lưới cụ liên quan đến kích điện nhằm tránh việc bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm”, ông Trần Anh Tuấn – Trạm trưởng Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong cho chúng tôi biết. Bên cạnh đó là khó khăn khi các phương tiện của đội được trang bị đã 20 năm nay nên thường xuyên hư hỏng, khả năng vận hành kém khiến việc tuần tra của đội cũng hạn chế phần nào. Tuy vậy với sự quyết tâm cao, Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong phối hợp với lực lượng chuyên trách thực hiện các đợt cao điểm bám biển dài ngày tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân trên biển. 

Tuyên truyền trên bờ

Xác định được ý thức của ngư dân mới là yếu tố tiên quyết, quan trọng trong thực hiện pháp luật về khai thác thủy hải sản trên biển. Thực hiện theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy về khai thác chống IUU, UBND huyện Tuy Phong đã thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Trạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong, các đồn biên phòng, các xã, thị trấn vùng biển, trong 8 tháng đã tổ chức 6 lớp tuyên truyền cho hơn 300 ngư dân về quy định mới của luậtthủy sản năm 2017,nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cùng nhiều kiến thức liên quan về hoạt động đánh bắt trên biển. Các đồn biên phòng, Ban quản lý các cảng cá thực hiện việc kiểm tra tàu rời cảng – cập cảng cho 485 tàu, đồng thời tổ chức xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác khi có yêu cầu, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Riêng tại 2 xã trọng điểm về lặn sử dụng xung điện là xã Phước Thể và xã Chí Công đã thực hiện việc kiểm kê, rà soát số lượng các ghe thuyền, thúng gắn động cơ sử dụng xung điện khi hành nghề lặn, qua đó tổ chức nhiều đợt họp dân để thông tin, tuyên truyền; thực hiện việc ký cam kết các cơ sở cơ điện không lắp đặt, sản xuất bộ kích điện, các chủ vựa, nậu vựa không thu mua hải sản của các chủ phương tiện lặn sử dụng xung điện. Ông Dương Công Nhật – Phó chủ tịch UBND xã Chí Công cho rằng: “Để công tác phòng chống các hành vi khai thác hải sản trái pháp luật, đặc biệt là nạn hành nghề lặn sử dụng xung điện, UBND huyện nên xem xét thành lập tổ liên ngành cùng với đó là xây dựng các văn bản có liên quan để thực hiện việc kiểm tra, lập biên bản sai phạm ngay trên bờ đối với các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ dụng cụ kích điện. Bên cạnh đó cần có sự khuyến khích biểu dương các chủ phương tiện thực hiện thông tin báo cáo các trường hợp vi phạm trên biển cũng như thực hiện việc thông báo trước dân, cắt giảm hỗ trợ đối với các tàu cá vi phạm trong khai thác hải sản”.

Đấu tranh dưới biển, tuyên truyền trên bờ với nhiều giải pháp cụ thể nhưng tình hình khai thác hải sản lặn sử dụng xung điện tại Tuy Phong chưa có dấu hiệu chững lại. Ông Lê Văn Boanh – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần sớm nghiên cứu đánh giá trữ lượng hải sản và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Tuy Phong; Phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học sớm nghiên cứu, sản xuất phương tiện ngư lưới cụ giúp cho việc khai thác các loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nằm sâu trong lòng biển được dễ dàng hơn mà vẫn đảm bảo cho môi trường biển.

Sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương là chưa đủ, hơn ai hết chính những ngư dân đang hàng ngày bám biển, sinh sống bằng nghề lặn tại Tuy Phong phải nâng cao ý thức trong đánh bắt vì bảo vệ biển chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.

    
      Theo nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm   hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ 5/7/2019, đồng loạt   các mức phạt trong vi phạm khai thác thủy sản đều tăng, có trường hợp   phạt lên đến 1 tỷ đồng. Riêng với hành vi dùng điện khai thác hải sản   mức phạt trước đây chỉ 3 – 5 triệu đồng nay tăng lên thấp nhất từ 10 –   15 triệu đồng. Kể từ khi nghị định này có hiệu lực, Trạm Bảo vệ nguồn   lợi thủy sản Tuy Phong đã xử phạt khoảng 6 trường hợp, trong đó có   trường hợp thúng gắn động cơ hành nghề lặn sử dụng xung điện bị phạt   17,5 triệu đồng.

Phi HẢi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy hại từ sử dụng xung điện để khai thác hải đặc sản