Theo dõi trên

Nguy hại từ sử dụng xung điện để khai thác hải đặc sản

18/09/2019, 09:27

Bài 1: “Bùng phát” thúng máy hành nghề lặn sử dụng xung điện

BT- Vùng biển Tuy Phong được đánh giá là 1 trong 2 vùng nước trồi tốt nhất châu Á. Điều đó khiến nơi đây có nguồn lợi hải đặc sản dồi dào đặc biệt là các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ có giá trị kinh tế cao như: điệp quạt, sò lông, nghêu 2 cồi, bàn mai, dòm nâu… Tuy nhiên những năm gần đây nguồn lợi hải sản của vùng biển này đang cạn kiệt do ngư dân khai thác theo kiểu “tận diệt”. Trong đó phương thức lặn sử dụng xung điện đang khiến tài nguyên biển nơi đây bị hủy hoại trầm trọng.

 Càn quét đáy biển

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên ở Tuy Phong là 1.454 chiếc, trong đó có 129 chiếc hành nghề lặn, bên cạnh đó số lượng thúng máy hoạt động trong ngành này là 387 chiếc. Qua rà soát 100% thúng máy và khoảng 100 chiếc thuyền hành nghề lặn bằng hình thức sử dụng xung điện tập trung tại 2 xã: Phước Thể và Chí Công. Cao điểm mùa lặn, có hàng trăm chiếc thúng và hàng chục chiếc thuyền với khoảng vài trăm lao động hành nghề sử dụng xung điện càn quét đáy biển để khai thác các loài hải đặc sản nơi đây. Mỗi khi thợ lặn đưa cần với hiệu  điện thế 110V xuống đáy biển, các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ nhỏ hay lớn đều phải bật lên. Để làm được điều này mỗi thợ lặn trang bị 1 bộ kích điện với giá dao động từ 1,4 - 2 triệu đồng đấu với 1 bình ắc quy cung cấp điện. Khi dòng điện đi qua bộ kích sẽ có hiệu điện thế khoảng 110V và các sinh vật sống dưới lớp cát biển đều không thoát được.

Nói về tác hại của việc khai thác hải sản bằng hình thức lặn sử dụng xung điện, ông Lê Văn Boanh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong cho biết: “Ngoài việc làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản, việc khai thác bằng xung điện sẽ làm mất môi trường sống cũng như nguồn thức ăn của nhiều loài, đặc biệt sử dụng xung điện để khai thác còn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của các thợ lặn”.

Anh Trúc, một người hành nghề lặn lâu năm của xã Phước Thể chia sẻ: Những ngày đầu khi  từ lặn bình thường chuyển sang lặn sử dụng xung điện, toàn người anh bị tê và đầu thì đau do ảnh hưởng của dòng điện dưới nước. Điều đó cho thấy tác hại về sức khỏe đối với các thợ lặn khi sử dụng xung điện để khai thác trong một thời gian dài.

Theo tìm hiểu thì nghề lặn sử dụng xung điện xuất hiện khoảng 3 năm tại xã Phước Thể.  Trước tình hình nguồn lợi hải sản dần cạn kiệt, trong khi đó nếu lặn ở môi trường nước sâu sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một số ngư dân bắt đầu đóng thúng gắn động cơ bất chấp pháp luật cũng như tính mạng thực hiện khai thác hải sản bằng hình thức này tại vùng biển ven bờ. Do lợi nhuận mang lại lớn đến nay các ghe thuyền ở Vĩnh Hảo, Chí Công cũng đã chuyển sang khai thác bằng hình thức tận diệt này.

 Vì sao bùng phát nghề lặn sử dụng xung điện?

378 thúng gắn động cơ hành nghề lặn sử dụng xung điện là con số đưa ra của cơ quan chức năng. Trong đó, xã Phước thể có hơn 300 thúng và Chí Công khoảng 33 thúng. Tuy nhiên thực tế cho thấy con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều. Với giọng đặc trưng dân vùng biển, anh Long - thợ lặn của xã Chí Công cho biết: “Do số lượng các loài hải sản gần bờ đã giảm đáng kể, vậy nên nếu lặn theo cách thông thường thì các ghe thuyền phải đi xa. Đi xa thì phí tổn lớn kèm theo đó là các nguy cơ tai nạn khi lặn ở vùng biển nước sâu. Vậy nên đa số các thợ lặn chọn cách đóng 1 chiếc thúng với giá dao động từ 25 - 100 triệu đồng và dùng xung điện để khai thác tại các vùng biển ven bờ. Mỗi thúng chỉ cần từ 2 - 5 lao động là đã có thể ra biển hành nghề”.

Đó có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến cho thúng máy hành nghề lặn tại Tuy Phong phát triển. Bên cạnh đó quy định Luật Thủy sản mới năm 2017 quy định tàu cá có chiều dài dưới 6m trở xuống không đăng ký giấy phép tàu cá và do UBND xã thống kê để quản lý. Theo đó thuyền thúng gắn động cơ được xếp vào tàu cá có chiều dài dưới 6m, vậy nên với giá thành không cao cộng với chính sách quy định, đó có thể là câu trả lời cho việc nhiều ngư dân tự phát đóng thuyền thúng gắn động cơ sử dụng xung điện để hành nghề lặn.

    
    Hàng năm   Tuy Phong khai thác khoảng 10.000 tấn các loài hải đặc sản nhuyễn thể 2   mảnh vỏ cung cấp ra thị trường giúp khoảng 1.000 lao động thường xuyên   hoạt động trong lĩnh vực này ổn định về đời sống. Các loài hải đặc sản   sau khi khai thác cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong khu vực từ   đó giúp phát triển du lịch địa phương. Bên cạnh đó việc xuất khẩu các   mặt hàng này cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của địa   phương. 

Phi Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy hại từ sử dụng xung điện để khai thác hải đặc sản