Theo dõi trên

Như hoa hướng dương

18/09/2019, 09:19 - Lượt đọc: 12

BT- Ở tuổi 75, nỗi lo của ông mang hơi hướng của hỗ trợ và chia sẻ, có nghĩa có nhiều người được hưởng vốn hỗ trợ dù ít, vẫn tốt hơn. Vì nếu chưa thể tăng được nguồn tiền mặt mà đã tăng mức vay cho từng hội viên thì số người được vay ít lại.

                
Anh Lê Hoài Thương chèo thuyền chở cha ông    Lê Văn Lâm qua sông.

 Thêm ngày nữa để yêu thương

Hôm ấy, khi ông Lâm quay lại chòi trên mảnh vườn ở bên kia sông La Ngà thì không thấy anh Thương đâu. Nhìn cảnh đàn gà bới xới xung quanh, ngỗng vịt xổng chuồng tứ tán, nhưng đàn dê thì không còn trong chuồng, ông đoán chắc anh Thương đã đi lạc khi lùa đàn dê đi ăn, không biết đường quay lại chòi từ sáng đến giờ. Ông tất tả chạy tìm nhưng không đâu xa, cách chòi chỉ 500m, anh Thương đang ngồi khóc cùng với đàn dê đang ngơ ngác gặm cỏ. Thấy cha, anh mếu máo như một đứa trẻ, dù đã gần 50 tuổi, líu ríu theo chân về. Không hiểu nổi, chỉ vừa ra khỏi vùng quen thuộc một chút, anh Thương đã không biết lối về. Dù ít nhất đã có 30 năm, anh ở mảnh vườn trồng điều, chuối không tới 3 ha này nhưng hình như lúc nào cũng có thể bị lạc trong chính khu vườn của nhà…

 Ông Lâm, tên đầy đủ là Lê Văn Lâm ở Đồng Kho, Tánh Linh kể bệnh tình của anh Lê Hoài Thương cho chúng tôi nghe cứ như chuyện hài hước nhưng đó là sự thật về đứa con tật nguyền của ông. Còn anh Thương với nét mặt ngây ngô nhưng già nua cũng biết có khách đến nên lăng xăng lấy ghế ra rồi đứng lấp ló sau tấm phên dại nghe ngóng. “Hóng chuyện dzậy, chứ nó không hiểu người ta nói gì đâu. Muốn con làm việc gì, tôi phải lặp đi lặp lại chục lần, miệng nói, tay chân khua theo liên tục để nó hiểu mà làm. Có ngày, nói rát họng, khàn tiếng mà nó không hiểu gì hết. Cứ thừ ra”. Đúng như ông Lâm nói, chúng tôi thử hướng dẫn anh Thương cầm cái này, cái kia để chụp hình nhưng anh cứ ngẩn người ra, giống như nhận thức của một đứa trẻ chưa nói sõi, mãi một lúc sau mới làm theo được. Mà dáng dấp của anh cũng nhỏ thó như một đứa trẻ 12 - 14 tuổi lấm láp ở vùng nông thôn, nhưng anh không vô tư. Có lúc, anh tự líu lo rằng nghe nói có bão, sẽ có mưa, sợ chúng tôi không qua sông La Ngà được. Ông Lâm bật cười. Có lẽ, chính những nét đáng yêu bất chợt ấy của anh Thương mà ông Lâm vượt qua bao khó khăn của đời sống chăng? “Được cái là biết vâng lời, biết đỡ đần cha mẹ những việc vặt, biết thương loài vật nên rất thích nuôi chó, nuôi cả chục con rồi chăn dắt từ đàn dê, ngỗng cho đến gà, vịt. Tất cả nhờ đồng vốn không lãi của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh. Lúc ban đầu ở nhà vay được 5 triệu đồng nuôi gà, vịt. Sau đó, thu hoạch điều, có tiền trả. Rồi năm 2016 vay lại được 10 triệu đồng, nhà nuôi thêm dê gầy thành đàn như bây giờ. Có đồng ra vô một phần cũng nhờ công sức từ nó…”.

Ông Lâm nói những ưu điểm của đứa con tật nguyền của mình khiến tôi mạo muội nghĩ có khi ông đang so sánh bao nhiêu nhà có con lành lặn nhưng lại khiến cha mẹ phải lo lắng, vì không lo làm ăn, chỉ chơi bời, đua đòi... Nhưng hình như không như tôi nghĩ, trong ánh mắt mờ đục của người cha già ấy là một nỗi buồn khác. “Anh nó, tên Minh năm nay đã 56 tuổi, còn tệ hơn. Không có nhận thức gì. Đầu nghẹo một bên, đi đứng lang thang. Cười nói ngơ ngẩn suốt ngày. Tôi phải gửi cháu ngoài Hàm Tân, bà chị giữ giùm”. Xen trong nỗi buồn ấy là nỗi ân hận chất chứa, hình như không có cách nào cứu vãn nổi, khi ông ở cái tuổi đã qua rất xa cái dốc bên kia cuộc đời. Bây giờ, ông Lâm đã 75 tuổi. Ông rất sợ khi ông mất rồi, 2 đứa con tật nguyền đáng thương ấy  sẽ ra sao. Đêm nào, ông cũng giật mình thon thót giữa khuya sau những giấc mơ như cuốn phim quay chậm về năm tháng của tuổi trẻ. Khi ấy, tuổi trẻ ông đi qua những cánh rừng ở vùng Bù Đăng, Bù Đốp, Phước Long... Ông không ý thức được chất độc da cam ngấm vào người. 2 đứa con trai ra đời, vì chất độc chết tiệt ấy nên người ngợm không ra gì. Như đã ở tận cùng nỗi đau, tận cùng trong bóng tối nên với ông Lâm, từng ngày trôi qua là mừng vì có thêm ngày nữa để yêu thương.

 Lúc ngặt nghèo

Bỗng dưng câu nói “có thêm ngày nữa để yêu thương”, tôi lại được nghe trong cuộc gặp gỡ giữa ông Trần Tiến Thành - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bình Thuận với bà Tư và một số hội viên khác. Ai cũng qua 70 tuổi hết nhưng gặp nhau đùa giỡn cứ như đang thời tuổi trẻ, không lo nghĩ nhiều. Có lẽ đã ở cái tuổi nếm trải bao nhiêu khổ ải của đời người, nhất là với những người đi qua từng trận chiến đấu như bà Nguyễn Thị Ánh Tư - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Tân Lập thì chuyện chưa vui hôm nay không thể để che lấp nụ cười. Ở tuổi 71, ý chí của bà vẫn còn nguyên như hồi 14 tuổi, khi ấy bà đã thoát ly gia đình tham gia chiến trường Bình Tuy. 8 năm sau, bà bắt đầu tham gia đoàn H50 tải đạn từ Đồng Xoài (Bình Phước) - Bình Thuận. Những đêm đi tải đạn dưới những cánh rừng nối tiếp, tuổi xuân 22 - 25 của bà chỉ lo bị địch phát hiện nên chăm chăm tuân thủ các quy định như đi cách người trước từ 2 - 5 m để tránh đạn pháo của địch gây chết nhiều người, bắt đom đóm gắn lên ba lô của người đi trước để không bị lạc, nấu nướng không phát ánh sáng, khói… Nhưng bà tuyệt nhiên không nghĩ chất độc da cam ủ trong không gian những cánh rừng ấy, thấm vào cơ thể từ lúc nào, tích tụ bao lâu. Đến khi đất nước được giải phóng, bà lập gia đình ở tuổi 30 thì ngỡ ngàng biết bản thân bị vô sinh. Vậy là xin con để nuôi… Có lương hưu, nhưng loay hoay với bao chi tiêu cũng hết. Vì vậy, bà mở quán bán hàng tạp hóa, kiếm thêm thu nhập. Lúc ấy, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho vay không lãi 10 triệu đồng. Nhờ vậy, chi tiêu cũng đủ nhưng mãi đến giờ vẫn chưa sửa được ngôi nhà…

                
Bà Nguyễn Thị Ánh Tư.

Nghe đến đây, ông Thành vỗ vai bà Tư, nói như an ủi: “Từ từ, để tôi tìm nguồn khác giúp đỡ xem. Đó là giúp nghèo rồi, hội mình hiện mới dừng ở giúp ngặt thôi!” Bà Tư bắt tay ông Thành thật chặt lúc chia tay. Không chỉ bà Tư, nhiều nạn nhân chất độc da cam khác với sức khỏe hạn chế nên luôn loay hoay, mắc kẹt trước nhiều tình huống phát triển kinh tế gia đình. Và trong những lúc ngặt nghèo ấy, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh hỗ trợ bằng cách cho vay vốn trong 3 năm không tính lãi. Có người từ đồng vốn này, đã sản xuất kinh doanh mở rộng ra một chút. Như ông Lê Quang Sinh (SN  1949) ở thôn Lập Đức, xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam làm nghề thu mua ve chai 20 năm nay, nhờ có 10 triệu đồng vốn của hội đã có thể tích lũy hàng được số lượng nhiều, bán đi TP. HCM với giá cao hơn trước. Hay gia đình ông Lê Văn Hiên ở xã Huy Khiêm, Tánh Linh cũng nhờ 10 triệu đồng đó tô lại nhà cho đàng hoàng, nuôi heo. “Hội viên nào được vay vốn, không lãi này đều có hoàn cảnh riêng ngặt nghèo nhưng hầu như đều trả nợ đúng hạn” - ông Thành khẳng định thế.

Ông Thành nói như khoe rằng chương trình hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển sản xuất kinh doanh này đã kéo dài từ năm 2007 đến nay, tức đã 12 năm hỗ trợ xoay vòng cho 440 lượt nạn nhân, hội viên vay. Đến nay, tổng nguồn lực quỹ của hội để cho vay chỉ 2,4 tỷ đồng. “Đây là tiền mà hội kêu gọi sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm. Thời gian đầu có mức vay 5 triệu đồng. Năm 2016 đã tăng lên 10 triệu đồng. Còn bây giờ, nhiều hội viên đề nghị mức hỗ trợ vốn cần tăng lên 15 - 20 triệu đồng/hộ, để có thể phát huy tác dụng đồng vốn hơn. Biết vậy nhưng thực sự, hiện công tác vận động nguồn lực tiền mặt quá khó” - ông Thành trần tình như thế. Ở tuổi 75, nỗi lo của ông mang hơi hướng của hỗ trợ và chia sẻ, có nghĩa có nhiều người được hưởng vốn hỗ trợ dù ít, vẫn tốt hơn. Vì nếu chưa thể tăng được nguồn tiền mặt mà đã tăng mức vay cho từng hội viên thì số người được vay ít lại… Và tôi, một người trẻ thấy đâu đó có cả sự động viên rất lớn từ ông, một người đã cao tuổi nhưng vẫn nhiệt tình trong công việc miệt mài mở rộng mối quan hệ, vận động tiền tài trợ rồi chia sẻ đến các nạn nhân chất độc da cam, các hội viên. Nói không quá, đó là hình ảnh truyền cảm hứng để các nạn nhân chất độc da cam, các hội viên biết phát huy giá trị đồng vốn hỗ trợ, lao động tốt hơn, tự lực cánh sinh. Thực tế, thời gian qua, ngoài vốn của hội, các nạn nhân này còn tiếp cận nguồn vốn khác từ các đoàn thể, từ đó phát triển kinh tế, tự lo cho bản thân, gia đình, không dựa dẫm vào nhà nước, xã hội. Những hoàn cảnh đặc biệt của các nạn nhân chất độc da cam, các hội viên ấy khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện của loài hoa hướng dương. Loài hoa nỗ lực hết sức hướng về ánh mặt trời…

 Phóng sự: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Như hoa hướng dương