Theo dõi trên

Xây dựng con người Bình Thuận phát triển toàn diện

16/09/2019, 10:49 - Lượt đọc: 96

BT- Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển. Trong 5 năm (2014 - 2019) cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29 của Tỉnh ủy với mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Bình Thuận phát triển toàn diện.

Bài 1: Xây dựng văn hóa nhìn từ khu dân cư

BT- Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, từ thành thị đến nông thôn, người dân đang thay đổi nếp nghĩ và hành động để phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng rộng khắp và hiệu quả.

                
Ảnh: Ngọc Lân

 1. 5 giờ chiều, vừa thấy bóng của công nhân vệ sinh môi trường và chiếc xe rác lạch cạch từ đầu hẻm, ở sâu bên trong tiếng của một ai đó vọng ra “bỏ rác bà con ơi”. Cứ thế, những bịch rác được cột cẩn thận, nhiều khi phân sẵn loại rác bỏ ngay ngắn trước nhà. Loáng một cái, cả con hẻm 100 và 86 đường Trưng Nhị thuộc khu phố 8, phường Đức Nghĩa được dọn sạch sẽ. Hình ảnh tương phản của hơn 1 năm trước khi chúng tôi có dịp tới “xóm nhà chồ”.

Ban điều hành khu phố phấn khởi bật mí cho biết chính là sự gương mẫu đầu tàu của những gia đình đảng viên và cách thức tuyên truyền, tiếp cận sâu vào tận nhà dân. “483 hộ dân sinh sống trên địa bàn thì có gần 80% số hộ dựa vào nghề biển. Đa số sống san sát nhau nên không tránh khỏi những “va vấp” trong các mối quan hệ, nhưng đây cũng là thuận lợi để tuyên truyền, vận động. Chúng tôi luôn đề cao tinh thần tự nguyện, nêu gương, từ đó các hộ liền kề thấy vậy noi theo. Trong đó 10 đảng viên phải là đầu tàu, “miệng nói, tay làm” hướng đến mục tiêu xây dựng khu phố văn hóa, đô thị văn minh”, ông Đỗ Văn Lai - Khu phố trưởng khu phố 8 khảng khái nói.

Thay đổi lối sống, hành vi sẽ tạo ra sự bình yên, đoàn kết ngay trong gia đình, lối xóm. Thể hiện rõ nhất, toàn khu phố chỉ còn 5 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo, 100% trẻ đều ra lớp đúng độ tuổi. Hiện Ban điều hành khu phố đang xây dựng bản quy ước trước khi thông qua toàn dân vào tháng 11 tới, trong đó tập trung 5 nội dung chính. Đó là tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, xây dựng quỹ khu phố tối thiểu 10.000 đồng/tháng/nhà. Phát huy tốt tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu dân cư. Không vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; nghiêm cấm nạn tảo hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện và tiến bộ. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường và đóng phí đúng theo quy định. Thực hiện văn minh, lịch sự trong giao tiếp; thực hành tiết kiệm trong ma chay, cưới hỏi, thờ cúng phù hợp với phong tục và không gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an ninh địa phương…

Việc hoàn thiện các tiêu chí văn hóa không chỉ góp phần khơi dậy những nét đẹp truyền thống, thắt chặt tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, mà còn ổn định trật tự trị an trên địa bàn.

 2. 40 thành viên trong Câu lạc bộ “Nghĩa tình chị em” khu phố 1, phường Xuân An, TP. Phan Thiết không máu mủ ruột rà, không làm cùng một cơ quan, đơn vị, nhưng trái tim họ có chung một nhịp đập “hướng thiện” và thích lo việc  cộng đồng.

 Không đợi đến dịp lễ tết, việc chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo trong khu phố được Câu lạc bộ “Nghĩa tình chị em” thực hiện thường xuyên. Riêng trong tháng 8/2019, câu lạc bộ thực hiện 3 đợt trao quà. Sau mỗi hoạt động thiện nguyện, những người phụ nữ tuổi không còn trẻ, người lớn nhất đã ngoài thất thập lưng áo đều ướt đẫm, nhưng ánh mắt và trái tim họ lại luôn reo vui.

Hành động đẹp, việc làm ý nghĩa bao giờ cũng có sức lan tỏa. Sau 3 năm thành lập, số thành viên câu lạc bộ tăng lên 40 người, đồng nghĩa thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ. Bà Phạm Thị Mai Hương – Chi hội trưởng phụ nữ thừa nhận với nụ cười hồn hậu: Đa số chị em là cán bộ công chức về hưu, đều có cùng suy nghĩ còn làm được gì giúp cho khu phố thì luôn hết mình. Vì thế ở đâu cũng thấy mặt các bà, các chị, từ việc nhắc nhở con cháu trong gia đình không vi phạm pháp luật, sinh con thứ 3, tuyên truyền vệ sinh môi trường… đến tham gia các hoạt động thiện nguyện. Khi thì họ lấy quỹ hội, khi được mạnh thường quân ủng hộ, cũng không ít lần tự bỏ tiền túi ra để làm. Đó là nấu cơm chay từ thiện, tặng quà cho bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh, ở các địa phương, giúp đỡ hội viên trong câu lạc bộ vay không lấy lãi làm kinh tế. Câu lạc bộ đang nhận cảm hóa 2 đối tượng sử dụng ma túy, hiện 1 người tìm được việc làm ổn định, lấy vợ, sinh con.

Những chuyển biến tích cực từ 1 người nghiện ma túy hay bớt đi 1 hộ nghèo, khó khăn ở địa phương với các chị đó mới là niềm vui, là tấm giấy khen ý nghĩa nhất. 

3. 3 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cho thấy: Các phong trào, mô hình tiếp tục được duy trì và phát triển. Hàng năm có trên 290.300 hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (chiếm 98%) và đã có 273.000 hộ được công nhận danh hiệu trên. 147.277 hộ đạt danh hiệu gia đình hiếu học, 88 dòng họ hiếu học và 580 thôn, khu phố đạt cộng đồng học tập. Vận động nhân dân đóng góp trên 111 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đến nay toàn tỉnh xây dựng và phát triển trên 100 mô hình khu dân cư phòng chống tội phạm, 85 khu dân cư tự quản, tự phòng đảm bảo an ninh trật tự, hơn 2.700 người được giáo dục tiến bộ và trên 400 khu dân cư không phát sinh tội phạm… Điều này cho thấy việc xây dựng đời sống văn hóa nông thôn lành mạnh là những gì rất cụ thể từ trong gia đình, từng địa phương, đơn vị, chứ không phải cái gì đó xa xôi mà chỉ có Nhà nước mới đủ sức làm. 

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xây dựng con người Bình Thuận phát triển toàn diện