Theo dõi trên

Một thời ghe bầu Mũi Né

13/09/2019, 09:23

BT- Nước mắm Phan Thiết nổi tiếng là nhờ một thời mắm tĩn có mặt không chỉ khắp nơi trong nước mà còn vươn ra một số nước Đông Dương. Và những chiếc ghe bầu 3 cột buồm mạnh mẽ, từng được khen ngợi đẹp nhất Đông Dương, là phương tiện vận chuyển chủ yếu lúc bấy giờ.

                
 Mũi Né (quận Hải Long cũ) năm 1971.    Ảnh có tính chất minh họa.

Khi đi làm phim “Ký sự biển đảo” tôi có nói đến làng chài Mũi Né, là nơi chỉ còn một cụm ngư dân cố giữ nghề truyền thống, nó đang bị nuốt dần bởi “thủ đô resort”, bởi du khách, bởi dịch vụ và bởi những cơn sốt đất mặt biển. Các thế hệ trẻ hầu hết không còn mặn mòi với nghề biển của cha ông. Có một điều của Mũi Né, tôi chưa nói trong ký sự đó và nó đã mất hoàn toàn là nghề làm ghe bầu. Trong tác phẩm “Voiliers d’Indochine” của J.B. Piétri còn ghi chép “Mũi Né là trung tâm đóng ghe bầu danh tiếng với những nghệ nhân và thợ mộc tinh thông nghề”. Những chiếc ghe bầu Mũi Né đã từng được coi là một kiểu thuyền hoàn hảo với boong phủ toàn bộ, với vỏ thuyền có đáy lượn tròn để dễ dàng ủi vào bãi cát.

Hồi những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có gặp nghệ nhân đóng ghe bầu Mười Chẩn, ông mô tả có những chiếc ghe bầu xuất xưởng lúc đó rất lớn, dài tới 30 m, rộng 5 - 6 m, chiều cao của mạn phải hơn 4 m. Chiếc ghe bầu được chia thành 9 khoang. Ván be dày được ghép bằng chốt, mộng và đóng lên khung sườn bằng các đinh thuyền. Ván đáy thuyền là tấm nguyên chiều dài. Đà ngang đáy được gia cường thêm bằng những cây cong đều nhau. Dầm ngang boong xếp thành 2 hàng, hàng trên nhô ra tạo thành khung xương ngang. Tất cả các loại gỗ làm ghe bầu đều được chỉ định riêng biệt do các làng giang đà cung cấp, chẳng hạn có những bộ phận phải làm bằng gỗ bìn lin thì dứt khoát không được làm thay bằng gỗ khác.

Cột buồm có 2 phần nối nhau bằng mộng đuôi én, chân cột gắn vào giữa 2 thanh gỗ giống nhau có chốt xỏ qua hoặc được quấn chặt bằng dây mây. Điều đặc biệt tiến bộ của ghe bầu Mũi Né là thanh lèo được vận hành bằng tay quay, quay một vòng thì cánh buồm sẽ cuốn bớt lại, buồm sẽ cuộn tròn quanh thanh lèo. Dây cái để nâng hạ buồm có gắn cặp rỏ rẻ hình số 8.  Ngoài việc đóng chốt chẽ đầu thêm con nêm xít xao, thân ghe được xảm trét dầu rái chai cục rất kỹ.

Về 2 con mắt ghe được vẽ 2 bên mũi ở hầu hết các loại ghe thuyền đi ven biển, chứ không riêng ghe bầu Mũi Né, phản ánh phong tục dân gian Việt làm cho chiếc ghe như một con cá lớn dẫn đường, giúp tránh những bãi đá ngầm.

Nhìn chung về vóc dáng qua các hình ảnh ngày nay còn lưu giữ được thì thân ghe bầu hơi tròn, không có đường bẻ góc tại hông thuyền. Ghe bầu Mũi Né mang một tuyến hình rất đẹp, “đẹp nhất Đông Dương” - theo Piétri, bởi cái dáng hơi chúc về trước và vươn cao hết mức trên mặt biển.

Bình thường 1 chiếc ghe bầu lớn phải chở được 2 vạn tĩn nước mắm đi từ Phan Thiết đến tận vịnh Thái Lan, vào ngược theo sông Cửu Long, qua thành phố Phnompenh, Campuchia.

Từ Bắc tới Nam có nhiều loại ghe thuyền khác nhau: Thuyền tam bản Móng Cái, thuyền buồm sông Hồng, ghe mành sông Mã, ghe lưới Hạ Long, ghe giã Cửa Lò, ghe bè Hà Tĩnh, ghe câu Quảng Bình, ghe bầu nang Quảng Ngãi, ghe nang Tam Quan, ghe nốc Thuận An, ghe nốc đầm Huế… nhưng chiếc ghe bầu Mũi Né thì không lẫn vào đâu được vì thân hình tuyệt mỹ và mạnh mẽ của nó.

Là con dân Bình Thuận, có bao giờ đứng ở cảng biển Phan Thiết, quan sát hàng trăm hàng chục loại thuyền ghe ra vô mà bạn vẫn biết đâu là ghe thuyền của quê hương chưa? Cảm giác thân quen đó thật đặc biệt, trạng thái cảm xúc lúc ấy thật khó tả. Nó không chỉ gợi lên sự thương thuộc của cuộc sống nơi mình sinh ra và lớn lên mà nó còn gợi nên sự thương cảm, yêu mến đến nhiều đời ngư dân rắn rỏi, mạnh mẽ sống chết với sóng nước, bão tố. Nhìn thật kỹ những chiếc ghe ấy chúng ta sẽ thấy các dấu vết của những chuyến đi dài giữa trùng khơi và những chuyến trở về hân hoan. Hình ảnh chiếc ghe, nói chung, chiếc ghe bầu của một thời, nói riêng, góp phần tạo thành miền ký ức, thành niềm tự hào về cha ông mình để những người con tha hương thêm nhớ thương da diết quê nhà. Mỗi lần về Mũi Né là tôi lại mường tượng gần đâu đây đang có 1 chiếc ghe bầu, loại ghe đẹp nhất Đông Dương, vừa hoàn thiện đến khâu cuối cùng và tiếng dô hò đang văng vẳng từng chặp, từng hồi trong ngày hạ thủy náo nhiệt.

Nguyễn Tân Hải



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi: 
Cần khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng thị xã
BTO-Ban Thường vụ Tỉnh ủy có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy La Gi về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, vào sáng nay, 24/4. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên Dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí đại diện Vụ Địa phương II, Văn phòng TW Đảng; Cơ quan thường trực phía Nam, Ban Tuyên giáo TW Đảng; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một thời ghe bầu Mũi Né