Theo dõi trên

Để còn thương nhớ về thăm

13/09/2019, 08:59 - Lượt đọc: 92

BT- Một học sinh về trường cũ nói rằng, nghe tin sắp kỷ niệm ngày thành lập trường, về thăm thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm, có một đề xuất, chẳng biết có được hay không? Cô chủ nhiệm vui vẻ, hỏi đề xuất gì mà nhìn em có vẻ nghiêm trọng vậy? Em nói nhân dịp này, muốn được tài trợ một số suất học bổng cho các bạn học sinh nghèo vượt khó, nhưng đừng nêu tên em. Cô chủ nhiệm giật mình, nhớ ra, đây là một học sinh nghèo, thi rớt tốt nghiệp.

                
Ảnh minh họa

Tấm lòng mang theo

Chuyện đã 7, 8 năm rồi, hồi ấy em thường hay nghỉ học. Khi tìm hiểu, từ năm lớp 10, em đã vừa đi học, vừa tranh thủ đến các nhà hàng làm thêm để phụ giúp mẹ. Khi hiệu trưởng biết được, đề xuất hỗ trợ, nhưng vẫn không chắp vá nổi những mảng kiến thức hổng, nên cuối cùng em thi rớt. Em nói: Thầy và cô rất nghiêm, nhưng luôn dành tình cảm và thấu hiểu những gì mà em sai phạm – em cười bẽn lẽn, nhưng hết sức chững chạc: Thi rớt tốt nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường, xấu hổ quá, nhưng khi nghĩ lại, nhờ những ngày sớm lăn lộn làm thuê, tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm va chạm, hiện nay em đang ổn định việc làm. Qua tâm sự, thấy đọng lại một điều sâu kín, đó là cách xử lý của hiệu trưởng và cô chủ nhiệm dành cho em, đó là tình thương và sự thấu cảm. Câu chuyện gợi lên trong tôi một điều rất rõ về hiệu ứng của văn hóa ứng xử trường học. Một học sinh rời trường phổ thông để vào đời kiếm sống với cả những tâm tư mặc cảm lẫn niềm tin, không bằng cấp, chỉ mang theo ít nhiều trải nghiệm sớm và tấm lòng của thầy cô giáo. Em không nói nhiều về mình, chỉ cho biết em đã thành công, có đủ điều kiện kinh tế để xin tài trợ học bổng cho thế hệ đàn em – nói đừng nêu tên em bởi ngày trước em thi rớt tốt nghiệp. Hiệu trưởng và cô chủ nhiệm lặng yên cảm động. Riêng chúng tôi, thấy rằng, đây là trường hợp khá đặc biệt, lẽ nào điều ấy không làm cho những người đang công tác giáo dục tiếp tục suy ngẫm.

Khoảng cách từ văn bản đến thực hiện

Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học có nhiều vấn đề, nhiều việc để làm. Chúng tôi có đọc một số nội dung trong những văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác xã hội trong trường học với những quy trình phối hợp để thực hiện từ Trung ương đến cơ sở, nhìn vào thấy khá chặt chẽ, cơ sở lý thuyết nêu lên trong văn bản nghe khá thiết thực, như: “Tôn trọng các đặc điểm riêng biệt, tính cách, phẩm chất, hoàn cảnh cá nhân của người học, đặt người học vào vị trí trung tâm của các hoạt động trợ giúp”; “Lắng nghe ý kiến của người học và tạo cơ hội để người học tham gia tối đa vào việc thảo luận các giải pháp đối với những vấn đề của bản thân”; “Rà soát, nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình và các hiện tượng bất thường của người học. Chủ động phát hiện người học có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nghỉ học thường xuyên, có nguy cơ bỏ học, bị xâm hại, bị bạo lực, vi phạm pháp luật”(1). Nghe thấu tình đạt lý đấy, nhưng từ những lý thuyết này đến việc áp dụng vào thực tiễn trường học thường diễn ra với những khoảng cách vênh lệch, biến những nội dung trên dừng lại ở lời kêu gọi, thường chỉ dừng lại mức độ để nghe, để biết, chứ chưa thực sự biết để làm, chưa tác dụng thấm vào thành nếp sống văn hóa ứng xử đối với từng con người cụ thể, nếu cứ thế, hiệu quả giáo dục khó chuyển đổi.

Yêu thương, nhẹ nhàng làm nên cái gốc để chuyển hóa

Nêu lên vấn đề này, chúng tôi nhớ đến ý kiến của GS Phan Văn Trường: “Một triệu quy trình cũng không thay đổi được một nền văn hóa tốt và tích cực”. Vấn đề then chốt về văn hóa tốt và tích cực mà ông đề cập đến để đem lại sự thành công của một đơn vị dựa trên nguyên lý “yêu thương, nhẹ nhàng” giữa con người với con người, chứ không phải “thưởng, phạt, hoặc kỷ luật”. Khi có tình yêu thương, việc làm không bị áp đặt để đối phó, khi đó các thành viên trở nên thân thiện, gần gũi, chia sẻ cho nhau, thống nhất, đoàn kết, tạo không gian giao tiếp vui vẻ, lịch sự, tôn trọng lẫn nhau, người làm việc sẽ tự giác, sáng tạo(2).

Nhà trường tạo được môi trường văn hóa như thế sẽ làm cho các thành viên (giáo viên và học sinh) từ khi đến và lúc ra đi sẽ đọng lại để mang theo cái tình, có khi tiếp tục phát huy ở một không gian mới, cũng có khi trở về đóng góp cho đơn vị cũ. Để thực hiện được những nguyên tắc văn hóa trường học thành công thì thủ trưởng – hiệu trưởng đơn vị phải đi đầu làm gương. Chúng tôi nhắc đến em học trò về thăm trường cũ bên trên cũng chính em ra đi vào đời từ một không gian ứng xử văn hóa đầy tình thương như vậy.

Võ Nguyên

Nguồn: (1). Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 về “Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học” của Bộ GD&ĐT; (2). Một đời quảng trị - Nguyễn Văn Trường, Nhà xuất bản Trẻ - 2017.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Để còn thương nhớ về thăm