Theo dõi trên

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ

10/09/2019, 11:11

 Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khá phổ biến

BT- Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn cầu, cạnh tranh gay gắt, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trở nên đặc biệt quan trọng, trở thành mối quan tâm hàng đầu trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đặc biệt khi nước ta đã tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vấn đề bảo vệ quyền SHTT, chống sản xuất buôn bán hàng giả càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm SHTT ở nước ta hiện nay vẫn khá phổ biến, phức tạp, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có giải pháp xử lý tốt, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này để nâng cao môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở, trang trại sản xuất, trồng trọt.

                
Sản phẩm trang trại thanh long Kim Hải được    đăng ký nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Quang Thịnh, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) cho hay, Sở KH & CN phổ biến quy trình và thực tiễn xử lý xâm phạm quyền SHTT tại các cơ quan thực thi. Trong thời gian qua, thanh tra Sở KH & CN đã xử lý một số đơn khiếu nại xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Với khiếu nại của Công ty cổ phần Nước mắm Fisaco liên quan đến xâm phạm nhãn hiệu, sở có văn bản yêu cầu chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hoàng Ngư loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn hiệu. Đơn đề nghị giải quyết xâm phạm quyền SHTT đối với sáng chế 178 trong công trình kè Đồi Dương (Phan Thiết), kè Phước Thể (Tuy Phong) của ông Phan Đức Tác và Công ty TNHH Tư vấn công nghệ kè bờ Minh Tác, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Nông nghiệp & PTNT, UBND huyện Tuy Phong yêu cầu cơ quan tư vấn, thiết kế công trình làm việc với chủ văn bằng sáng chế để được sử dụng sáng chế theo đúng pháp luật. Bà Phạm Thị Năm tranh chấp tên thương mại và nhãn hiệu Đồi Hồng cũng đã được giải quyết thỏa đáng. Riêng Công ty TNHH ECO (24 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến, Phan Thiết) đề nghị xem xét Novela Resort nằm cùng đoạn đường du lịch trưng bày bảng hiệu mà ECO được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận từ trước. Sở KH & CN cho rằng, Novela Resort gắn bảng hiệu “Sailing Club Muine” không vi phạm “SC Sailing Club” của ECO…

Nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ

Trong khuôn khổ buổi tập huấn trên, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại Cục SHTT nêu rõ, hầu hết các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong cả nước chưa nhận thức được tầm quan trọng đăng ký bảo hộ cũng như bảo vệ quyền SHTT của mình. Thậm chí có DN còn không phân biệt được sự khác biệt giữa một nhãn hiệu với bản quyền kiểu dáng nên không biết áp dụng như thế nào cho đúng. Đôi khi nhiều DN Việt Nam vi phạm quyền SHTT một cách vô tình. Số liệu thống kê cho thấy trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, chỉ có 20% của DN Việt Nam, đa số nhãn hiệu đăng ký của các DN tư nhân. Các vi phạm SHTT tại Việt Nam đang được xử lý bằng xử phạt hành chính, mức cao nhất với DN là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng, nhưng có không ít trường hợp phạt xong lại vi phạm. Cần lưu ý khi Việt Nam tham gia CPTPP, các vi phạm sẽ được xử lý hình sự. Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, DN cần nâng cao nhận thức SHTT, hiểu rõ quyền SHTT giúp DN có thể khai thác tối đa những lợi ích SHTT đem lại. DN phải chủ động thay đổi, làm chủ công nghệ sản xuất để tham gia sân chơi quốc tế. Ngoài ra, khi nước ta tham gia CPTPP, DN phải quan tâm hơn đến đăng ký bảo hộ, thực hiện SHTT ở các quốc gia mà Việt Nam ký kết thương mại, cũng như hiệp định tự do khác.

T. Khanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ