Theo dõi trên

Giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

10/09/2019, 08:21

BT- Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay. Trong xu thế hội nhập và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, trong đó có trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Vì thế việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống là vô cùng cần thiết.

                
Dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm. Ảnh:    Ngọc Lân

 Trang phục mất dần giá trị văn hóa đặc trưng

Phó Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận Nguyễn Chí Phú thông tin: Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Chăm (gần 41.000 người), kế đến là dân tộc Raglai (hơn 19.300 người), K’ ho (gần 12.700 người), Hoa (hơn 10.700 người)… Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Thuận định cư sinh sống tập trung ở 17 xã thuần và 43 thôn xen ghép thuộc 9/10 huyện, thị, thành phố. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ nghi, lễ hội riêng, tạo nên tính thống nhất, đa dạng trong nền văn hóa tại địa phương.

Với xu thế giao lưu, tiếp biến văn hóa đang diễn ra đa chiều giữa các vùng miền như hiện nay, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, biến đổi và mất dần những giá trị văn hóa mang tính đặc trưng của từng cộng đồng dân tộc. Tương tự với nghề may, nghề thêu hoa văn trên vải cũng đang mất dần theo thời gian. Hiện dân tộc K’ho chỉ còn một bộ phận nhỏ sinh sống ở La Dạ (Hàm Thuận Bắc) duy trì nghề dệt truyền thống. Nguyên liệu để dệt đều được mua sẵn, không phải qua các công đoạn như cán bông, se chỉ và nhuộm chỉ màu như trước đây. Tuy vậy số lượng làm ra chủ yếu đáp ứng trong gia đình, không đủ cung cấp số lượng lớn ra ngoài. Vì thế đa số trang phục sử dụng hàng ngày như khăn, chăn, váy… chủ yếu là trao đổi, mua bán với người K’ho ở Di Linh (Lâm Đồng) hay người Chăm ở Ninh Thuận. Còn dân tộc Hoa và Raglai, đa phần chỉ sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp tết, lễ hội, cưới hỏi, tang ma.

 Riêng dân tộc Chăm, trang phục truyền thống vẫn được các vị tu sĩ, chức sắc, trí thức và một số người lớn tuổi sử dụng hàng ngày. Trong các dịp tết, lễ hội đa số phụ nữ Chăm đều mặc trang phục truyền thống tham dự. Nhưng cũng như các dân tộc thiểu số trong tỉnh, nghề dệt truyền thống của cư dân người Chăm Bình Thuận hiện đang mai một dần. Nếu như trước đây, hình ảnh những người bà, người chị của đồng bào Chăm luôn gắn liền với khung sợi, cần mẫn ngồi hàng giờ luồn chỉ, dệt khăn, thì bây giờ, vẫn làng Chăm yên bình ấy, nhưng cảnh sắc xưa không còn. Trong xóm nhỏ thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, nơi tập trung người Chăm sinh sống, tiếng kẽo kẹt của chiếc máy dệt, máy may chỉ còn là thanh âm rất nhỏ mà phải chú ý lắm mới nghe được. Thứ âm thanh ấy phát ra từ ngôi nhà của bà Thông Thị Bẻo (ngoài 50 tuổi) - thôn 3, đều đặn 15 năm nay.

                
Dệt thổ cẩm Chăm bằng khung dệt cải tiến.    Ảnh: Ngọc Lân

Nhờ việc sử dụng khung dệt cải tiến, mỗi ngày bà Bẻo có thể cho ra 5 m vải, thay vì 2 m như trước kia. “Kiên trì, khéo léo, tập trung thì làm nhanh lắm. Vậy mà lớp trẻ bây giờ chẳng đứa nào theo học. Thời buổi kinh tế thị trường, nam nữ thanh niên trong thôn đều lo làm kinh tế cải thiện thu nhập, lớp “người già” như tôi cũng bận chuyện con, cháu. Dẫu biết trang phục truyền thống không thể bỏ, nhưng khi dịch vụ phát triển, có thể giao thương, trao đổi được với nhiều vùng khác để mua, may, vì thế số người biết dệt đang ít dần”, bà Bẻo bộc bạch.

Để đảm bảo thu nhập, mấy năm trước bà Bẻo tới tận các resort ở Mũi Né chào hàng. Nhờ có thêm nghề may “bỏ túi” nên các sản phẩm như túi xách, bóp, ví, váy, áo, vỏ gối… của bà được đánh giá có đường chỉ chắc chắn, hoa văn đẹp. Nhưng không phải tháng nào đơn hàng cũng cố định, bà Bẻo phải nhận may thêm các loại trang phục hàng ngày cho bà con trong thôn.

 Xây dựng kế hoạch bảo tồn  

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh? Làm gì để thế hệ trẻ biết làm và có ý thức giữ gìn, gắn bó với nghề? Đây là câu hỏi, cũng là nỗi niềm mà những nghệ nhân, những người đang giữ nghề như bà Thông Thị Bẻo luôn trăn trở.

Mới đây UBND tỉnh đã ban hành dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện đề án bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nội dung thực hiện chia làm 2 giai đoạn, từ 2019 – 2025 và từ 2026 – 2030. Trong đó ưu tiên vinh danh các nghệ nhân trong cộng đồng các dân tộc làm nghề thủ công truyền thống, tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn và phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập và cách mạng công nghệ 4.0. Tăng cường quảng bá trang phục truyền thống của các dân tộc trong tỉnh trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tham gia liên hoan trình diễn trang phục dân tộc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Hỗ trợ 2 điểm giới thiệu, trình diễn nghề thủ công dệt vải, may thêu hoa văn trên vải và bán sản phẩm tại các điểm du lịch trọng điểm như Tháp Pô Sha Inư, Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né…

 Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số