Theo dõi trên

Kêu gọi đầu tư phát triển cung đường Tà Năng – Phan Dũng

09/09/2019, 08:42

BT- Tà Năng – Phan Dũng có cung đường dài hơn 50 km thuộc địa phận 3 tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Phía Tà Năng là cung đường đẹp, dốc không quá cao. Còn phía Phan Dũng (hướng xuống thác Yavly) đường khá trơn, ngoằn ngoèo, nhiều dốc, cây chủ yếu là thông. Ở đỉnh Tà Năng, buổi tối sương xuống khá dày và nhanh, gió thổi mạnh vào giữa đêm. Từ lâu, Tà Năng - Phan Dũng đã được nhiều phượt thủ truyền tai nhau là cung đường đẹp nhất Việt Nam nhất định phải khám phá.  

Cảnh đẹp nhưng nguy hiểm

Cung đường Tà Năng - Phan Dũng bắt đầu từ xã Tà Năng, thuộc tỉnh Lâm Đồng nơi có khá nhiều người dân tộc Churu sinh sống và kết thúc ở xã Phan Dũng, tỉnh Bình Thuận nơi có nhiều người dân tộc Raglai sinh sống. Hiện có 2 cung đường khác nhau để đi. Cung đường đầu tiên dài gần 40km, chủ yếu qua đồi núi, ít sông suối và đi bộ mất 2 ngày 1 đêm, thường dành cho những người thiếu kinh nghiệm. Cung đường thứ hai dài khoảng 55km qua thác Yavly và nhiều suối lớn nhỏ khác nhau, mất 3 ngày 2 đêm, dành riêng cho những phượt thủ giàu kinh nghiệm. Ở cung đường thứ hai, khi có mưa to nước ở các con suối trong cung đường này lên rất nhanh và chảy xiết rất nguy hiểm. Khi đi vào mùa khô hoặc cuối mùa mưa thì an toàn hơn và thưởng thức những phong cảnh tuyệt đẹp trên cung đường này. Do địa hình kéo dài từ cao nguyên xuống đồng bằng ven biển, rừng Tà Năng - Phan Dũng có rất nhiều loại hình, trong đó bìa rừng Tà Năng có địa hình khá bằng phẳng với nhiều cây bụi thấp, đồng cỏ bạt ngàn và ruộng lúa xanh mướt. Có thể nói, với tất cả những người từng trekking Tà Năng – Phan Dũng, họ vẫn sợ nhất là đoạn đường ở giữa, nơi có nhiều ngọn đồi cao từ 800m đến 1.800m so với mực nước biển và liên tục leo lên những con dốc dựng đứng, sau đó đổ đèo với độ dốc tương tự. Ở thời điểm gần cuối ngày đầu tiên, với những người tập luyện thường xuyên họ cũng cảm thấy mệt mỏi nên không cần nói đến những người không tập luyện. Cảnh đẹp, thiên nhiên hùng vĩ nhưng đây là cung đường rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm bởi tính chất địa hình đồi núi, thác ghềnh hiểm trở, mức độ rủi ro cao. Nơi đây đã từng xảy ra rất nhiều phượt thủ tử vong. Đặc biệt, cung đường này dài, có nhiều đồi dốc và có rất nhiều ngã rẽ có thể dẫn đến lạc đường và không có lối ra. Chính từ mối nguy hiểm đó, cộng với sự chủ quan đã khiến một số du khách gặp nạn khi đến đây du lịch khám phá.  

Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Hiện nay, du khách các nơi đi phượt qua Tà Năng  - Phan Dũng ngày càng nhiều, đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng các hoạt động du lịch tại Phan Dũng. Theo đó chỉ đạo Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức khảo sát cắm các biển chỉ dẫn, biển cảnh báo nguy hiểm bên trong tuyến Tà Năng - Phan Dũng và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông nhằm nâng cao kiến thức cho du khách khi đi du lịch. Tổ chức tập huấn kiến thức du lịch cộng đồng dành cho người dân đang sinh sống trong khu vực xã Phan Dũng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay các sở, ngành, địa phương liên quan đang rà soát, đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên, tiềm năng về phát triển du lịch khu vực này, hiệu quả về kinh tế - xã hội của địa phương gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững để đề xuất bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển du lịch làm cơ sở để kêu gọi đầu tư theo đúng quy định. Trong thời gian chờ điều chỉnh các quy hoạch cho phù hợp để kêu gọi đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Tuy Phong tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, địa bàn nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách trên tuyến du lịch Tà Năng - Phan Dũng. Trước đó, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bình Thuận đã tổ chức chuyến khảo sát dọc tuyến và tiến hành cắm biển báo nguy hiểm, hướng dẫn nơi cắm trại, nơi tìm nguồn nước uống và chỉ dẫn hướng đi về Phan Dũng… Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm để hoạt động du lịch trên cung đường Tà Năng – Phan Dũng trở nên chuyên nghiệp, bài bản và an toàn hơn.

PHAN LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kêu gọi đầu tư phát triển cung đường Tà Năng – Phan Dũng