Theo dõi trên

Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu

06/09/2019, 14:13

BT- Theo Luật Thủy sản 2017 thì sang năm 2020 tất cả tàu cá dài 15 m trở lên đều phải gắn thiết bị giám sát hành trình. Đây cũng là một yêu cầu bắt buộc của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam, nhằm chống khai thác bất hợp pháp.

Dự kiến tháng 11 tới đây, đoàn kiểm tra của EC sẽ quay lại Việt Nam kiểm tra việc khắc phục các tồn tại. Nếu không chấm dứt hẳn tình trạng khai thác bất hợp pháp, Việt Nam rất có thể bị “thẻ đỏ” đồng nghĩa tất cả thủy sản Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU, ngư dân và doanh nghiệp sẽ thiệt hại lớn, do kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường này tới 1,4 tỷ USD, và còn tăng lên nữa khi Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EU vừa được ký kết.

Trong khi đó ngành chức năng cho biết trong nửa đầu năm nay số lượng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ vẫn gia tăng từ 6 - 7%, nhiều nhất thuộc các tỉnh: Kiên Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Ngãi... Ở Bình Thuận dù nỗ lực ngăn chặn nhưng nửa đầu năm nay vẫn có 4 tàu/28 ngư dân bị bắt giữ vì khai thác bất hợp pháp.

Trong 4 khuyến nghị còn lại mà EC yêu cầu Việt Nam phải thực hiện tới nơi tới chốn, thì khó khăn nhất là lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Lâu nay khi tàu xuất bến ra khơi, vì không có thiết bị định vị giám sát tàu cá, nên đúng là “chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu”, đến khi tàu bị bắt giữ vì xâm phạm vùng biển nước ngoài, chính quyền địa phương mới hay biết.

Việc lắp đặt giám sát hành trình tàu cá không chỉ phục vụ công tác quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài, mà còn hỗ trợ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trên biển và xác nhận nguồn gốc thủy sản khi về bến.

Nghị định 26 của Chính phủ quy định tất cả tàu cá dài từ 15 m trở lên phải gắn thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/4/2020, bật 24/24h và kết nối với trạm bờ của Chi cục Thủy sản. Quá thời hạn trên tàu chưa gắn thiết bị giám sát hành trình vẫn cố tình ra khơi có thể bị phạt tới 300 triệu đồng; tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng. Mức phạt mới này rất cao, bảo đảm tính răn đe.

Thời gian rất gấp gáp, nhưng việc lắp thiết bị giám sát tàu cá trên cả nước chưa đâu vào đâu, trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị giám sát hành trình của các hãng, giá cả, chất lượng khác nhau, trong khi cơ quan chức năng chưa ban hành danh sách thiết bị giám sát hành trình nào đủ tiêu chuẩn, khiến ngư dân lúng túng.

Ở Bình Thuận, ông Huỳnh Quang Huy (Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản) cho biết: Tỉnh có 33 tàu cá trên 24 m đã lắp thiết bị giám sát hành trình 100%. Tàu cá từ 15 - 24 m có gần 2.000 chiếc, mới có vài chục chiếc gắn thiết bị giám sát hành trình. Theo lộ trình kế hoạch triển khai hệ thống giám sát hành trình tàu cá của UBND tỉnh, từ nay đến cuối tháng 10/2019, sẽ có 400 tàu gắn giám sát hành trình; tới tháng 4/2020 thì 100% tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình. Hiện đang mở các lớp tập huấn tuyên truyền cho chủ tàu cá dài 15 m trở lên, hầu hết bà con đồng thuận thực hiện.

Ngày 8/1/2019, Thái Lan đã được EC gỡ “thẻ vàng” sau 4 năm rất nỗ lực. Hiện tất cả tàu cá Thái Lan đã gắn thiết bị định vị giám sát tàu cá VMS, từ trung tâm này các cán bộ của Tổng cục Thủy sản sẽ biết tất cả tàu cá đang đánh bắt ở đâu, nằm trong vùng lãnh hải của Thái, hay đang ở khu vực cấm đánh bắt. Ngoài chi phí lắp đặt thiết bị định vị VMS khoảng 1.000 đô la Mỹ, hàng tháng các tàu cá phải trả 25 đô la cho các nhà cung cấp dịch vụ VMS và ứng dụng dịch vụ này trên ĐTDĐ. Do hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS có giá khá cao, Chính phủ không có kinh phí trả khoản này nên ngư dân phải trả tiền. Ban đầu ngư dân Thái cũng phàn nàn, nhưng Chính phủ phải thuyết phục ngư dân thực hiện, không chỉ để gỡ “thẻ vàng”, mà còn vì một nền ngư nghiệp bền vững, vì chính hàng hóa của họ, vì chính tương lai, cuộc sống con em họ.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ có biển mới biết, thuyền đi đâu về đâu