Theo dõi trên

Bình Thuận và những định hướng mang tính đột phá

02/09/2019, 09:19 - Lượt đọc: 18

BT- Trước khi Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh ta diễn ra vào gần cuối tháng 9, thì trước đó Tỉnh ủy Bình Thuận phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo “Phát triển bền vững kinh tế biển ở các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung và các tỉnh phía Nam dựa trên lợi thế so sánh”. 2 sự kiện này chắc chắn là cột mốc đáng nhớ với tỉnh ta trong năm 2019 này. Điều đó chứng tỏ rằng lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và trăn trở nền kinh tế tỉnh nhà và thông qua 2 sự kiện trên, Bình Thuận  sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư đến để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà nhanh hơn.

                
Một góc Cảng Vĩnh Tân nơi có thể tiếp nhận    tàu trọng tải đến 50.000 DWT. Ảnh: Đình Hòa.

 Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận phát triển khá ổn định, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Giai đoạn 2011 - 2018, GDP tăng trưởng bình quân đạt khoảng 7,8%/năm (giá so sánh 2010), cao gấp 1,25 lần mức bình quân của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu và từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng; tỉnh đã chủ động khai thác hiệu quả và tối đa các tiềm năng, lợi thế trong phát triển; giải quyết tốt vấn đề việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển vùng duyên hải Nam Trung bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư ngày càng hoàn thiện.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá; giá trị tăng thêm từ sản xuất công nghiệp thực hiện trong 3 năm tăng bình quân 10,9%/năm. Các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển; giá trị tăng thêm từ các ngành dịch vụ thực hiện trong 3 năm tăng bình quân 7,5%/năm. Kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả; trong 3 năm giá trị tăng thêm từ sản xuất nông lâm thủy sản tăng bình quân 3,43%/năm.

Khu vực kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố, phát triển và từng bước nâng dần hiệu quả hoạt động. Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, đa dạng ngành nghề sản xuất kinh doanh, thu hút được nhiều lao động, tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh.  Trong 3 năm toàn tỉnh đã thu hút 352 dự án với tổng vốn đầu tư 107.000 tỷ đồng; lũy kế đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 1.463 dự án với tổng vốn đầu tư 299.000 tỷ đồng. Việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm, đã có thêm 52 dự án khởi công xây dựng và 152 dự án đi vào hoạt động. Đồng thời, đã thu hút 16 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 167,9 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 106 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3.240 triệu USD, tổng số vốn đầu tư thực hiện là 2.290 triệu USD.

 Định hướng mang tính đột phá

Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 tới đây, Bình Thuận sẽ hiện thực hóa Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh sẽ tập trung kêu gọi các dự án du lịch, các khu vui chơi - giải trí cao cấp; các dự án thương mại, khu đô thị ven biển; các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia.

Điện gió ngoài khơi là một lĩnh vực tiềm năng của Bình Thuận, diện tích mặt biển rộng lớn khoảng hơn 7.600 km2, địa chất đáy biển tương đối ổn định, tần suất bão không nhiều, tốc độ gió bình quân lớn nên có tiềm năng phát triển điện gió xa bờ với công suất lớn. Hiện nay, có 7 đơn vị đăng ký nghiên cứu, khảo sát đo gió trên biển với tổng công suất khoảng 7.000 MW.

Một vấn đề nữa mà tỉnh rất quan tâm là phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống dịch vụ logistics: Khi tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận hoàn thành có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, là đòn bẩy để Bình Thuận phát triển. Dự án được thông tuyến, các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận sẽ kết nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam và Nam Trung bộ góp phần cải thiện đáng kể hệ thống dịch vụ logistics, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững.

Đối với khu vực biển thì Cảng Quốc tế Vĩnh Tân nằm ở vị trí thuận lợi với diện tích hơn 140 ha, tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 DWT. Nhu cầu vận chuyển xuất, nhập hàng hóa ở tỉnh Bình Thuận và các khu vực lân cận, miền Trung và Tây nguyên qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân đến năm 2020 khoảng 6,3 triệu tấn. Vì vậy, cần tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics kết nối thông qua Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, góp phần phát triển hoạt động thương mại trong nước và quốc tế.

Và một điều mong mỏi không chỉ của riêng ai là Cảng hàng không Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E và sân bay quân sự cấp I với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, đang hoàn chỉnh các thủ tục để triển khai tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết, với diện tích sử dụng đất là 543 ha đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách là rất lớn.

Thông qua 2 sự kiện nổi bật tới đây thu hút nhiều nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế sẽ gợi mở thêm những định hướng mang tính đột phá của tỉnh ta trong phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.

    
    3 năm (2016 - 2018), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng   7,53%. GRDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2018 đạt   2.250,4 USD, tăng 32,4% so với năm 2015. Đến năm 2018, giá trị tăng   thêm, tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - thủy sản giảm còn 30,5% (năm 2015   chiếm 33,8%); công nghiệp - xây dựng tăng lên 29,9% (năm 2015 chiếm   27,1%) và dịch vụ tăng lên 39,6% (năm 2015 chiếm 39,1%).

Như Nguyễn - Đình Hòa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận và những định hướng mang tính đột phá