Theo dõi trên

Bác Hồ “đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh” !

02/09/2019, 09:14

BT- Đó là lời bài hát trong ca khúc “Bác Hồ, một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến, được cất lên từ thầy cô và các em học sinh một trường trung học phổ thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi về Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ dừng lại nơi đây dạy học, trên cuộc hành trình vào Nam chuẩn bị đi tìm đường cứu nước. Các em tới Trường Dục Thanh theo chương trình ngoại khóa nhiều ý nghĩa, trước thềm năm học mới. Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đúng dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đi xa tròn 50 năm - nửa thế kỷ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác.

Nhạc sĩ Thuận Yến từng có một ca khúc rất hay về Bác Hồ: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất. Trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam… Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư. Mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam ”. Ca khúc “Bác Hồ, một tình yêu bao la” cùng nhiều ca khúc viết về Bác được nhiều nghệ sĩ tài danh cất cao, vang mãi, bay xa trên mọi nẻo đường đất nước.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu cách đây 50 năm (1969) và được nói rõ thêm tại Thông báo 151/ TB-TƯ ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng. Di chúc của Bác đề cập toàn diện về Đảng; đất nước; bồi dưỡng thế hệ thanh niên kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc cho đời sau; tình hình thế giới… Người chỉ dành phần rất nhỏ nói “Về việc riêng”. Khi nói “Về việc riêng”, tại bản Di chúc công bố năm 1969, Bác Hồ dặn những điều thiết thực nhất: “Về việc riêng, suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.

Đó là lời dặn dò, là Di chúc của một vĩ nhân, suốt đời cống hiến, hy sinh “rất thanh cao không gợn chút riêng tư” vì dân tộc, vì đất nước, vì nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, kiều bào ở nước ngoài, thế hệ thanh niên và các cháu thiếu niên nhi đồng bồi hồi xúc động tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả tấm lòng thành kính, tri ân công ơn trời biển, đạo đức cách mạng trong sáng của Người.

Khi nói về Di chúc của Bác Hồ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng như nói với mình và cũng là lời nhắn nhủ chung: Cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng, cán bộ chủ trì cần xem lại mình đã “học tập” và “làm theo” Di chúc của Bác tới đâu? Có bao nhiêu cán bộ, đảng viên đang sống xa lạ với lối sống của người cách mạng; cán bộ có ai chạy chức, chạy quyền, chạy khen thưởng, chạy điểm thi, tìm cách “cài cắm” con và người thân vào bộ máy; Có ai tổ chức linh đình đám cưới, đám giỗ, đám tang gây phản cảm, bị dư luận xã hội và người dân chê trách? Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ tình cảm của mình, như một lời tâm sự: Có cả đấy, “chạy” nọ “chạy” kia là những việc trái với đạo đức, trái với Di chúc của Bác. Người dân biết cả, không gì có thể che được đôi mắt tinh tường, vô tư, trong sáng và cả sự bao dung của nhân dân.

Phát biểu tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Di chúc của Người tổ chức ngày 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Học Bác, làm theo Bác là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên lâu dài, coi trọng việc lan tỏa, nhân rộng hoa đẹp ngát hương, ngăn chặn, loại bỏ nấm độc, cỏ dại.

Ngày 20/8, tại hội nghị trực tuyến với gần 800 điểm cầu cả nước, sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị Học tập và làm theo Bác, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu “tự giác và nêu gương”; Thực hiện Chỉ thị 05 cần kết hợp với việc học và làm theo Di chúc của Bác; Kết hợp chặt chẽ xây và chống, lấy xây để chống; Đề cao kỷ luật, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý cán bộ, đảng viên nói và làm trái quan điểm của Đảng.

Di tích lịch sử “Trường Dục Thanh” là một địa chỉ “Đỏ” lưu lại dấu tích một con người vĩ đại, một tấm gương đạo đức chói sáng. Lời ca cất cao “Bác Hồ - một tình yêu bao la - Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh. Bác mang mùa xuân về, mang hoa đẹp cho đời” (NS Thuận Yến) vào những ngày tháng tám mùa thu cách mạng như thôi thúc, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ, cho cả dân tộc. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có sức sống bất diệt, dẫn dắt và soi sáng con đường chúng ta đi.                                      

QUỐC TOÀN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bác Hồ “đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh” !