Theo dõi trên

Khi nghị quyết “thấm” vào tâm huyết

02/09/2019, 08:39

 BT- Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang được tỉnh Bình Thuận nỗ lực để sớm hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Và từ nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực này, niềm tin đó đã dần “thấm” vào tâm huyết của mỗi người…

                
      
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn    Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai (giữa) tham gia tọa    đàm về du lịch Bình Thuận...

 Thời cơ

Tại tọa đàm “Chiến lược du lịch đột phá cho tỉnh Bình Thuận” tổ chức giữa năm nay, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai cùng đại diện nhiều đơn vị đã tham gia chương trình xuyên trưa. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo địa phương, các cấp ngành đối với những hoạt động hay sự kiện liên quan đến lĩnh vực du lịch của tỉnh. Hơn nữa đây cũng là tiền đề để sau 2 lần tọa đàm tiếp theo, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 kịp hoàn thành trước dịp lễ 2/9 năm nay.

Lâu nay, ngành du lịch luôn được định hướng phát triển bền vững dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng cho Bình Thuận. Như từ năm 2011, Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy (khóa XII) về Phát triển du lịch đến năm 2015 đã được địa phương thực hiện đạt kết quả đáng ghi nhận. Các chỉ tiêu cơ bản là đón khách và doanh thu từ khách du lịch vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 2 con số, qua đó góp phần nâng cao vị trí, vai trò của ngành “công nghiệp không khói”. Trong giai đoạn mới, địa phương tiếp tục triển khai Nghị quyết số 08 Bộ Chính trị (khóa XII) về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về Phát triển du lịch đến năm 2020…

                
      
Và thăm hỏi tình hình hoạt động, lắng nghe    nguyện vọng của doanh nghiệp du lịch tại khu vực Long Sơn - Suối    Nước (TP. Phan Thiết).

Thời cơ còn đến với tỉnh nhà khi cuối năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó hướng đến thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để tập trung phát triển Bình Thuận thành điểm đến hấp dẫn của vùng du lịch duyên hải miền Trung. Đồng thời phấn đấu tới năm 2030 sẽ đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 Khát vọng

Để cụ thể hóa, Tỉnh ủy Bình Thuận đã kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch. Hướng tới tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động để đạt mục tiêu đưa du lịch Bình Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm sau - năm 2020. Thời điểm này, địa phương cũng phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, từng bước xây dựng Phú Quý là điểm du lịch quốc gia và xây dựng Phan Thiết thành đô thị du lịch…

Trở lại Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do đơn vị tư vấn nổi tiếng thế giới - Tập đoàn McKinsey & Company xây dựng. Với tiềm năng và thế mạnh được nhìn nhận khách quan, đề án đã đặt ra khát vọng táo bạo cho du lịch địa phương là nỗ lực trở thành điểm đến nổi tiếng của thế giới trong hơn 10 năm tới... Nhưng hiện tại qua gần 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, dù Bình Thuận đang là điểm đến hút khách nội địa lẫn quốc tế thì địa phương cũng không thể tự mãn. Bởi thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng có phần chậm hơn so mặt bằng chung của các địa phương có thế mạnh về lĩnh vực này như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Quy Nhơn (Bình Định)…

Chính vì thế, du lịch Bình Thuận cần tạo ra “điểm nhấn” đặc trưng cho ngành kinh tế mũi nhọn mới mong hiện thực bước phát triển đột phá như kỳ vọng. Đó là hình thành bến du thuyền nên thơ, khu phố bar sống động, tổ hợp thể thao đa năng, spa và viện nghỉ dưỡng, khu thương mại miễn thuế ngoài trời, trung tâm hội nghị triển lãm, sự kiện lướt ván diều quốc tế, dịch vụ thám hiểm sinh thái đồi cát… Một khi được “làm mới” với đẳng cấp của điểm đến hàng đầu, du lịch Bình Thuận có thể đón hơn 22 triệu lượt khách (trong đó có 5,5 triệu khách quốc tế) vào năm 2030 và đạt tổng doanh thu từ du lịch khoảng 62.000 tỷ đồng. Các con số dự ước này cao gấp nhiều lần so chỉ tiêu đề ra trong năm 2019 là đón 6,35 triệu lượt khách (khách quốc tế có 750.000 lượt) và tổng doanh thu là 15.400 tỷ đồng.

Không những mong muốn phát triển xứng tầm, địa phương còn định hướng phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm và chú trọng phát triển theo chiều sâu. Dù vậy quan điểm của tỉnh là không phát triển bằng mọi giá mà phải phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội…

 Niềm tin

Tiềm năng và thế mạnh du lịch biển vẫn còn đó, do vậy Bình Thuận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhà đầu tư chiến lược đưa các dự án quy mô lớn vùng đất cực Nam Trung bộ. Bên cạnh hơn 530 cơ sở lưu trú đang hoạt động kinh doanh, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có một số nhà đầu tư đăng ký triển khai những dự án diện tích hơn 1.000 ha với tổng vốn đầu tư tính bằng ngàn tỷ đồng/dự án.

Tuy nhiên thực tế cho thấy có lúc, có nơi vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần được địa phương và các cấp thẩm quyền hỗ trợ tháo gỡ để giúp hoạt động du lịch đem lại hiệu quả. Và có lần, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng đã đến thăm hỏi, trực tiếp lắng nghe để có hướng chỉ đạo đáp ứng nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp du lịch. Với tập thể lãnh đạo UBND tỉnh cũng rất quan tâm gỡ vướng cho các dự án đầu tư du lịch ở khu vực ven biển do chồng lấn với các quy hoạch khác. Còn trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cũng thường xuyên gặp gỡ, kiến nghị đến Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan về những vấn đề bức xúc ở địa phương. Nhất là về triển khai đầu tư sân bay Phan Thiết, quy hoạch titan hoặc công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh)… Tất cả đều thể hiện tâm huyết với quyết tâm huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận. Tin vào tâm huyết của lãnh đạo địa phương, các sở chức năng cùng Hiệp hội Du lịch Bình Thuận và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ sẵn sàng chung sức vì một điểm đến “an toàn, thân thiện, chất lượng”…

Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 tới đây, du lịch sẽ là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể của tỉnh, có sức hút với những “con én đầu đàn” ở lĩnh vực này. Từ đó củng cố thêm niềm tin về vị trí, vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn và từng bước đưa Bình Thuận trở thành điểm đến du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí hàng đầu, góp phần ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới…

ĐÌNH QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nghị quyết “thấm” vào tâm huyết