Theo dõi trên

Giáo dục giới tính chưa bao giờ là quá muộn

29/08/2019, 09:02

BT- Giúp phụ huynh có cái nhìn thiết thực và gần gũi hơn trong cách giáo dục giới tính cho trẻ và trẻ chưa thành niên ngay tại gia đình của mình. Đồng thời, cùng cộng đồng chung tay bảo vệ trẻ em, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể. Từ đó, giúp trẻ tự bảo vệ bản thân trước những kẻ xấu và hạn chế vấn nạn xâm hại tình dục đang trở nên phổ biến. Đây chính là thông điệp của chương trình vì cộng đồng” Giáo dục giới tính chưa bao giờ là quá muộn”. 

                
   Tọa đàm “Giáo dục giới tính chưa bao giờ    là quá muộn”.

Vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em

Thực trạng hiện nay, vấn đề xâm hại tình dục đang trở nên nóng hổi và được dư luận quan tâm sâu sắc. Thực tế thấy rằng, ngay tại tỉnh ta thời gian qua và gần đây nhất đã xảy ra nhiều vụ xâm hại tình dục, dâm ô trẻ em đáng thương tâm. Đơn cử, cách đây không lâu phụ huynh và dư luận rất bức xúc và phẫn nộ khi một thầy giáo dạy nhạc ở phường Mũi Né (TP. Phan Thiết) có hành vi dâm ô 3 học sinh gái tiểu học. Vụ việc đã được gia đình tố cáo và các cơ quan chức năng vào cuộc để đưa ra ánh sáng và trừng trị kẻ phạm tội. Còn mới đây, dư luận chưa hết bàng hoàng, khi một bé trai 11 tuổi bị một thầy tu giả mạo ở huyện Hàm Thuận Bắc bạo hành, đánh bầm dập, thương tích đầy mình. Theo gia đình bé tố cáo, ông này còn có hành vi ấu dâm bé trai. Hiện vụ việc đang được công an điều tra và làm rõ...

Trước những vụ việc liên tiếp xảy ra như vậy thì vấn đề được phụ huynh quan tâm nhiều nhất là những kiến thức về luậtbảo vệ trẻ em cũng như làm sao để giúp các em có thể ngăn chặn và phòng tránh được việc xâm hại cũng như tìm lại được cuộc sống bình yên sau những sang chấn tâm lý do xâm hại gây ra. 

3 quy tắc vàng để trẻ bảo vệ bản thân

Cuối tuần qua, tại TP. Phan Thiết đã diễn ra buổi tọa đàm “Giáo dục giới tính chưa bao giờ là quá muộn” thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh và giáo viên đến tham dự. Mở đầu buổi tọa đàm, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng chi hội luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về xâm hại tình dục đầy thương tâm, trong đó có những vụ việc tại tỉnh ta. Luật sư Nữ cho rằng, mọi người thường nghĩ rằng, trẻ bị xâm hại thường là bé gái nhưng không phải vậy, thực tế chứng minh qua các vụ cả bé gái và trai đều bị xâm hại tình dục. Luật sư đề cập đến 4 quyền của trẻ: quyền được sinh tồn; quyền được giáo dục; quyền được bảo vệ và quyền được chăm sóc sức khỏe. Nhằm giúp các con trẻ nắm được những kỹ năng cơ bản để phòng tránh bị xâm hại tình dục khi không có ba mẹ ở bên cạnh. Luật sư đã đưa ra 3 quy tắc vàng: Cơ thể các em là của các em; gặp người lạ hay người quen phải tránh xa 1m; đến những nơi công cộng, gặp người xấu có ý định xâm hại thì hãy dạy trẻ la lên để những người xung quanh biết để ứng cứu.

Bên cạnh đó, tại buổi tọa đàm một cán bộ công tác trong ngành Pháp Y tỉnh chia sẻ: “Tôi thật sự rất đau lòng khi thời gian qua đã tiếp cận với nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị xâm hại tình dục. Có bé tuổi còn rất nhỏ (2 tuổi) và đa số các bé đều bị sang chấn về tâm lý, sợ sệt không cho người khác tiếp xúc. Gửi gắm đến tuổi tọa đàm, vị cán bộ này đặt câu hỏi: “Vậy làm thế nào để bảo vệ được các bé không bị xâm hại tình dục, nhất là các bé khi tuổi còn quá nhỏ chưa nhận thức được?và có cách nào để sớm ổn định tâm lý cho các bé?”. Nối tiếp vấn đề trẻ bị xâm hại tình dục, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Nguyễn Lê Anh – người đã trực tiếp tiếp xúc với nhiều đối tượng cá nhân thành công trong sự nghiệp, bà cho biết dù thành công nhưng ở bên trong họ vẫn có những góc khuất từ hệ quả của việc sang chấn tâm lý từ thuở bé (như bị xâm hại) nên bị cản trở phần nào đó trong đời sống tinh thần, kìm hãm sự phát triển của chính cá nhân họ. Chuyên gia tâm lý - TS Lý Thị Mai đã giải đáp những điều cần thiết về mặt tâm lý giúp phụ huynh và trẻ an tâm hơn khi gặp phải những vấn đề bất trắc. Đồng thời đưa ra lời khuyên cho phụ huynh cần quan tâm, để ý đến các con nhiều hơn. Riêng các bé bị xâm hại cần có thời gian để gần gũi, động viên giúp bé ổn định về mặt tâm lý.  

Tăng cường giáo dục giới tính trong trường học

Cô Minh Thảo - giáo viên tiểu học tại TP. Phan Thiết bày tỏ: “Đây là buổi tọa đàm rất ý nghĩa đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho phụ huynh và học sinh về giáo dục giới tính. Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh ta thiếu đội ngũ chuyên viên về tâm lý để cho phụ huynh hoặc các trường hợp bị nạn tìm đến để chia sẻ, tư vấn. Tôi cũng mong muốn, thời gian tới các trường học nên xây dựng mạng lưới chuyên viên tư vấn học đường để cùng xã hội nối “cánh tay” dài về tuyên truyền giới tính cho các con”.  Còn em Thảo Nguyên lớp 9 cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được giáo dục giới tính một cách rành mạch. Mặc dù thời gian qua nhà trường có giảng dạy kiến thức về giới tính nhưng em còn mù mờ về kiến thức giới tính. Còn ở nhà, ba mẹ cũng ít cập nhật hết kiến thức giới tính cho em vì cho rằng đây là điều cấm kỵ vì sợ “vẽ đường cho hươu chạy”.

Hiện nay vấn đề giáo dục giới tính trong xã hội Việt Nam vẫn chưa được quan tâm nhiều từ nhà trường, gia đình và xã hội. Nhiều trường học đã đưa vào giảng dạy nhưng chỉ tạm dừng ở mức độ nào đó, kể cả phụ huynh còn e ngại trong chuyện giáo dục cho con em của mình. Do vậy, xã hội ngày càng xảy ra nhiều trường hợp đau lòng và thương tâm. Vì thế, đa phần  giáo viên, phụ huynh đều mong muốn trường học nên tăng cường tổ chức các chương trình giáo dục về giới tính giúp các em hiểu đúng - rõ để tự bảo vệ cho bản thân mình.

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục giới tính chưa bao giờ là quá muộn