Theo dõi trên

Ăn cơm nhà… lo chuyện cộng đồng

26/08/2019, 08:29

BT- ““Vác tù và hàng tổng” là cái duyên và cũng là một vinh hạnh”. Nguyễn Văn Nghĩa mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười rất đẹp, tươi tắn và câu nói nhẹ tênh như thế, càng khiến người đối diện tò mò, muốn biết bằng được nguyên do một chàng trai mới 26 tuổi vì sao can đảm ứng cử vào vị trí khá “cứng” này.

 “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

“Nghĩa ơi, anh đang cần dẫy cỏ cho đám thanh long trong vài ngày, bắt đầu từ ngày mai làm luôn nhé”. Tiếng điện thoại đầu dây bên kia vang lên. Liếc nhanh sang tờ lịch trên bàn: Thứ 6 làm việc với UBND xã báo cáo công tác tháng, được khoanh tròn bằng mực đỏ, Nghĩa đành phải chối từ. Từ ngày nhận nhiệm vụ trưởng thôn - hơn 1 tháng nay, không biết bao lần Nghĩa phải từ chối những cuộc điện thoại như vậy, cũng đồng nghĩa thu nhập gia đình giảm đi một nửa so với trước. Cuộc sống mưu sinh kéo chàng thanh niên vào guồng quay công việc, đến nỗi không thể dành thời gian học bổ túc, lấy bằng tốt nghiệp THPT, vậy mà với việc xóm, việc làng anh lại “lăn” vào. “Bà con đã tin tưởng thì phải cố gắng, mình còn trẻ giúp được việc gì cho địa phương thì cứ làm”, Nghĩa tự hứa với lòng mình như vậy.

Vốn là người năng nổ, năm 18 tuổi, Nghĩa được cử làm Bí thư chi đoàn thôn Thái Hòa, xã Hồng Thái (Bắc Bình) rồi kiêm luôn đội trưởng quân sự thôn và năm 2017 làm phó trưởng thôn. Là người có trách nhiệm với cộng đồng, anh luôn chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khuấy động phong trào thanh niên địa phương, cũng như phát huy tinh thần xung kích xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Nghĩa vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Dấu ấn, trách nhiệm của trưởng thôn 9X này càng được thể hiện rõ khi anh làm phó thôn.

Nghĩa tâm sự: Đảm nhận nhiệm vụ phó thôn và bây giờ là trưởng thôn khi tuổi còn trẻ, vì thế trước hết mình phải đầu tàu gương mẫu và làm việc gì cũng phải biết phối hợp với các đoàn thể để tuyên truyền, vận động. Ví như công tác thu các loại quỹ, làm đường giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường vẫn còn một số hộ chưa hiểu, phải đến tận nhà vận động. Nhưng tới lần 1 chưa được thì kiên nhẫn tới lần 2, lần 3 đến khi nào bà con hiểu ra và ủng hộ. Với các vụ mâu thuẫn gia đình, tôi đứng vị trí là người con và lấy dẫn chứng từ gia đình của mình để nói chuyện. Còn khi hòa giải mâu thuẫn thanh niên trong thôn thì mình phải là một người anh, người bạn. Trong những lần đi làm nhiệm vụ như vậy không tránh khỏi sự trách mắng, câu nói nặng lời từ người dân, nhưng nhìn lại kết quả đã thực hiện được, Nghĩa lại có thêm động lực để gánh vác việc thôn. Như giờ đây không còn tình trạng gây rối trật tự giữa 2 nhóm thanh niên trong thôn. Cùng công an địa phương bắt giữ và đưa vào trung tâm giáo dưỡng các đối tượng buôn bán ma túy, cố ý gây thương tích. Đặc biệt bằng sự chia sẻ, đồng cảm, Nghĩa đã giúp một thanh niên xóa đi mặc cảm sau khi ra tù hòa nhập cộng đồng và tham gia vào lực lượng dân quân địa phương.

                
Nguyễn Văn Nghĩa tham gia các hoạt động    tình nguyện.

Gia đình nhỏ của Nghĩa vừa đón con gái đầu lòng. Niềm vui nhân lên đồng nghĩa với trách nhiệm càng nặng khi phải chăm sóc mẹ già, vừa đảm bảo kinh tế gia đình, nhưng vẫn thực hiện “tròn vai” trưởng thôn. Bởi thế 5 giờ sáng Nghĩa đã dậy làm việc ruộng đồng ở nhà và sắp xếp hợp lý giữa thời gian đi làm thuê và công việc thôn. Dẫu vậy anh chị và các cậu nghe tin Nghĩa nhận nhiệm vụ mới vẫn lo lắng vì “phụ cấp chẳng đáng là bao”, vì “không biết có gánh vác nổi”… Nghĩa trả lời bằng nụ cười tươi rói, khiến người đối diện an lòng. “Hơn 73% bà con trong thôn đã tín nhiệm bầu làm trưởng thôn là một vinh hạnh và tôi sẽ cố gắng để thực hiện tốt công việc, xứng với niềm tin đó”.

Tham gia các phong trào thiện nguyện

Không chỉ tích cực trong công tác chính quyền, Nguyễn Văn Nghĩa còn rất nhiệt tình tham gia các phong trào thiện nguyện. Từ năm 2017 đến nay, anh đảm nhận vai trò nhóm trưởng câu lạc bộ thanh niên xung kích huyện Bắc Bình. Vào ngày rằm và mồng 1 hàng tháng, 30 thành viên câu lạc bộ - người nhỏ nhất 17 tuổi, lớn nhất 35 tuổi lại tập trung tại nhà chị Hiếu (thành viên tại thị trấn Chợ Lầu) để nấu và phát gần 200 suất cháo sáng cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa khu vực phía Bắc tỉnh.

Để có kinh phí hoạt động, thời gian đầu các thành viên phải bỏ tiền túi ra, sau đó phân công nhau bán kẹo gây quỹ. Sau khi biết việc làm ý nghĩa của nhóm, nhiều mạnh thường quân, quán ăn trên địa bàn đã chung tay duy trì. Thường vào dịp tết, nghỉ hè số thành viên lại tăng lên, nhờ thế nhiều hoạt động vì cộng đồng được triển khai như hớt tóc miễn phí, tổ chức chương trình văn nghệ gây quỹ, tặng quà cho học sinh, phát quà trung thu, sửa chữa nhà cho hộ nghèo…      

Nghĩa cho biết, anh rất thích những câu hát trong bài Để gió cuốn đi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Thế nên những việc mình làm rất bình dị và chính sự tin yêu của bà con là nguồn động viên to lớn để anh dành tâm, trí, lực cho sự nghiệp “vác tù và hàng tổng”, khơi nguồn sức mạnh đoàn kết của 680 hộ dân trong thôn Thái Hòa.  

    
      “Nguyễn Văn Nghĩa là trưởng thôn trẻ nhất huyện Bắc Bình. Điều đáng quý   của anh chính là tinh thần cầu tiến. Đã quyết tâm thì việc gì cũng phải   làm đến nơi đến chốn. Có thể nói trong sự đổi thay của thôn Thái Hòa hôm   nay không thể không nhắc đến sự đóng góp công sức, vai trò của Nghĩa” -   Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Nguyễn Văn Hoàng nhận xét.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn cơm nhà… lo chuyện cộng đồng