Theo dõi trên

Triển vọng cát biển Bình Thuận

09/08/2019, 14:25

BT- Với vùng cát biển dồi dào của Bình Thuận, Công ty Phan Thành rất quan tâm đến việc sẽ xây dựng nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng ở tỉnh trong thời gian tới. 

“Trở mình” cát biển

Thông tin Nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng đầu tiên của Việt Nam đã chính thức khánh thành, đi vào hoạt động tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) mới đây như mở ra lối thoát cho mặt hàng cát xây dựng cùng những rắc rối kéo theo trong thời gian qua không chỉ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo thông tin cung cấp cho báo chí của Công ty cổ phần công nghệ cát sạch Phan Thành (Cần Thơ), nhà máy đầu tiên này có công suất thiết kế tối đa 200 m3/giờ. Dây chuyền công nghệ với điểm nổi bật là vận dụng áp lực va đập tách kết cấu tạm thời để rửa sạch muối, loại bỏ tạp chất hữu cơ, sàng lọc phân loại hạt… từ cát biển, từ đó đưa ra các loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu bê tông, xây tô và sản xuất công nghiệp. Việc lắp đặt máy, hoạt động thử nghiệm trước đó, có sự thẩm định của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học công nghệ và Viện Bê tông thuộc Bộ Xây dựng.

 Điều đáng chú ý, trước đó, công ty đã lấy mẫu cát nhiễm mặn nguyên khai ở nhiều vùng biển, trong đó có cát biển Bình Thuận để làm thí nghiệm. Kết quả cho thấy không chỉ cát nhiễm mặn nguyên khai tại vùng biển Phú Quốc mà cát biển Bình Thuận, sau khi được đưa qua công nghệ tẩy rửa, phân loại của Phan Thành đều đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông và vữa theo TCVN 7570:2006. Cụ thể, cát nhiễm mặn ở thị xã La Gi có hàm lượng clorua (Clo-) là 0,305%, tức có hàm lượng muối quá mức cho phép gấp 6 - 7 lần; tương tự cát nhiễm mặn ở biển TP. Phan Thiết có hàm lượng Clo- là 0,332%. Sau khi qua xử lý lọc rửa bởi công nghệ Phan Thành, kết quả Clo- xuống còn 0,004%, thấp hơn tiêu chuẩn cho phép đến 10 lần. Trong khi đó, cát nhiễm mặn Phú Quốc có hàm lượng clo- là 0,485 %, qua xử lý bởi công nghệ Phan Thành đã giảm còn 0,005 %; có nơi như cát nhiễm mặn Phú Quốc Vùng 05 HQ giảm còn 0,007% hay cũng địa điểm lấy mẫu ấy nhưng trong năm 2019 thì hàm lượng muối nhiễm trong cát qua xử lý còn 0,009%. Từ kết quả so sánh trên để thấy cát vùng biển Bình Thuận đang chứa đựng nhiều triển vọng cho cuộc “trở mình” thành cát xây dựng. 

Hạt cát đạt chuẩn

Một điều rất lạ trong xây dựng mà lâu nay ít ai chú ý là sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng từ sắt thép, xi măng, đá xây dựng…đều áp theo QCVN 16:2017/BXD nhưng cát xây dựng thì lại không. Thực tế, sắt thép và xi măng có nhà máy hẳn hoi có công bố tiêu chuẩn chất lượng, đá có nguồn gốc xuất xứ mỏ, riêng cát thì khai thác trực tiếp ở các lòng sông, lòng suối, đồi núi đưa thẳng trực tiếp vào công trình sử dụng mà không kiểm soát được chất lượng. Điều đó lý giải vì sao dù đẩy đuổi, ngăn cấm nhiều nhưng chính quyền các địa phương vẫn không ngăn nổi tình trạng khai thác cát trái phép. Bình Thuận cũng không ngoại lệ. Việc khai thác cát tràn lan, bừa bãi, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng thiên nhiên, xáo trộn đời sống dân sinh ở những nơi trên mà cát đó còn là tác nhân chính gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình cũng như làm giảm tuổi thọ công trình.

Ông Võ Tấn Dũng, tác giả sáng chế công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành với thiết bị sàng rửa cát sạch từng nhận nhiều giải thưởng ở trong và ngoài nước, nổi bật là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, giải Wipo dành cho nhà phát minh xuất sắc nhất của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới. Ông Dũng cho rằng để hạn chế vấn nạn khai thác cát bừa bãi và kiểm soát chất lượng cát sạch cho công trình thì nên thành lập những nhà máy chế biến cát sạch tại vùng mỏ để xử lý thành cát sạch thành phẩm có công bố hợp chuẩn hợp quy trước khi cung cấp cho công trình. Qua đó, sẽ đem lại 9 lợi ích mà lâu nay, cát chưa qua xử lý không thể có được. Trước hết, sử dụng nguồn tài nguyên cát hợp lý cho sản xuất bê tông và vữa thay vì dùng cho san lấp; biến cát bẩn thành cát sạch thỏa mãn chất lượng và tuổi thọ công trình. Tiếp đến là tiết kiệm từ 10 – 17% lượng xi măng trong cấp phối bê tông và vữa (theo đề án nghiên cứu sử dụng cốt liệu “cát, đá” cho bê tông xi măng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế của Trường Đại học Cần Thơ). Mặt khác, hạn chế thấp nhất hiện tượng co ngót bê tông và gây nứt kết cấu công trình, bảo đảm độ đặc chặt của bê tông và khả năng chống thấm đảm bảo. Đồng thời đó, không chỉ vừa tiết kiệm chi phí nhân công, không tốn công sàng thủ công tại công trường (khoảng 80.000 đồng/khối) mà khi sử dụng cát sạch là không phải bỏ tiền mua 5 – 10% tạp chất rác, bẩn có hại trong cát...

Cũng theo ông Dũng, với vùng cát biển dồi dào của Bình Thuận, Công ty Phan Thành rất quan tâm đến việc sẽ xây dựng nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng ở tỉnh trong thời gian tới.

Bích NghỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng cát biển Bình Thuận