Theo dõi trên

Người hiền của xã Tân Xuân

02/08/2019, 11:01

BT-  “Giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh không may hả? Đó là chuyện thường ngày của ông Sanh.  Tôi nói điều đó mà không sợ mình hớ, sợ ai bắt bẻ vì sự thực nó là như thế. Mới đây, chi bộ thôn Láng Gòn 1 của tôi họp, ông ấy đã tặng vở cho con em của đảng viên trong chi bộ vì biết sắp hết hè. Không nhiều. Mỗi cháu 20 quyển vở thôi, nhưng đó là tấm lòng”- Bí  thư chi bộ thôn Láng Gòn 1 Ngô Văn Láng nói một hơi khi chúng tôi đề cập đến ông Nguyễn Công Sanh, cựu Bí thư Huyện ủy Hàm Tân (2005 - 2010).

                
Ông Nguyễn Công Sanh tặng quà cho người    nghèo tại nhà riêng.

Chuyện đời

 Đắn đo mãi, ông Nguyễn Công Sanh kể: “Tôi sinh năm 1950, quê ở xã Ân Tín,  Hoài Ân, Bình Định. Cha tôi đi tập kết khi tôi còn rất nhỏ. Mẹ tôi vì muốn tránh sự truy lùng của chế độ Sài Gòn nên đưa tôi vào Láng Gòn. Láng Gòn trước 1970 còn là nơi rừng núi âm u, nhờ vậy tôi có điều kiện tiếp xúc, rồi giác ngộ cách mạng”.

25 tuổi, Nguyễn Công Sanh là ủy viên thư ký của Ủy ban cách mạng lâm thời xã Tân Xuân sau ngày thống nhất đất nước. Một thời gian sau, làm chủ tịch rồi bí thư xã. 30 năm sau, sau khi đã kinh qua các chức vụ: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy, ở tuổi 50 ông làm Bí thư huyện đảo Phú Quý. Nhiều người ở Phú Quý bây giờ vẫn chưa quên  hình ảnh một ông bí thư, cứ thứ bảy, chủ nhật là đi xuống xóm, vô nhà dân. “Bữa nay ổng xuống Ngũ Phụng, mai lại thấy ở Long Hải. Người đâu mà chịu đi dữ vậy không biết!”. Nhiều người Phú Quý nói vậy về ông Sanh. Anh chánh văn phòng Huyện ủy nghe dân khen bí thư của mình cũng sướng rân, tuy nhiên không khỏi tò mò vì sao ít thấy ông về nhà ở đất liền nên nói tránh đi là người dân thắc mắc. Ông Sanh điềm nhiên hỏi lại: “Tuần rồi, lịch công tác của mình cậu sắp xếp thế nào? Có phải kín hết cả tuần? Nền hành chính của mình hiện nay họp hành liên tục. Muốn sửa cũng không thể sửa ngay được. Vì vậy,  mình phải dành thứ bảy, chủ nhật để tìm hiểu dân. Làm bí thư mà việc dân cần không biết, thì làm sao lãnh đạo xây dựng, phát triển kinh tế được”. Anh chánh văn phòng  ngẩn ra một lúc rồi tỏ ra mau mắn: “Vậy để em bố trí một xe chuyên dụng cho bí thư  đi cơ sở?”. Bí thư cười giòn tan: “Thôi ông ơi, như vậy ông càng sớm đẩy tôi vô đất liền. Tôi mượn xe của anh em đi cơ sở là được rồi!”.

Cứ thế có hàng trăm lần xuống dân trong suốt nhiệm kỳ làm bí thư huyện đảo của ông Sanh. Hết nhiệm kỳ, nhiều người lưu luyến tiễn đưa ông, cũng như mừng ông  giữ chức Bí thư huyện Hàm Tân mới thành lập (2005).  Huyện mới, cơ sở vật chất gần như không có gì ngoài chuyện đất rất rộng, nhưng đó là thứ đất bạc màu, đất đồi núi và không chủ động nước. Cán bộ của huyện hầu hết tăng cường từ thị xã La Gi lên, ít nhiều cũng gặp những trở ngại nhất định. Ấy thế nhưng, chỉ vài năm sau, tại cái huyện mới ấy, ông Sanh cùng các cộng sự đã tăng được số thu ngân sách toàn huyện đến 80 tỷ đồng/ năm, thay vì 7,5 tỷ đồng/năm như lúc mới thành lập. “Lúc đó nhìn đâu cũng thấy dân trồng mì, trồng rừng. Muốn trồng các loại cây thay thế có giá trị cao hơn thì không có nước. Năm nào mì tươi (khô) được giá dân vui như tết.  Mình làm Bí thư huyện dĩ nhiên là muốn tăng thu ngân sách để qua đó địa phương có khoản dôi ra, khoản được phép để lại xây dựng địa phương, song không có nghĩa là nhắm mắt tận thu ở dân, thay vì khoan sức dân. Nghĩ mãi, bí thư và chủ tịch họp anh em bàn bạc, cuối cùng  phát hiện: “Nhiều thương gia ở các địa phương khác đến mua mì khô của Hàm Tân chở đi nơi khác chế biến thì sao không vận động họ xây dựng kho bãi, xưởng chế biến tại địa phương để giảm chi phí, giá thành sản phẩm? Muốn vậy,  phải hết sức tạo điều kiện cho thương nhân xây dựng kho, cơ sở chế biến. Và thay vì chờ họ xin phép thành lập doanh nghiệp, huyện khuyến khích họ xin giấy phép hộ kinh doanh - sản xuất để rút ngắn thủ  tục, thời gian đi lại.  Với nghề làm gạch cũng vậy. Những người có ý định xây dựng lò gạch công nghệ cao đều được khuyến khích, cũng như tạo điều kiện xây dựng. Vì vậy, trong thời gian rất ngắn, Hàm Tân có lượng lò gạch công nghệ cao kha khá. Tổng sản lượng gạch đến mấy trăm triệu viên/năm. Dân thu nhập khá, dĩ nhiên huyện có thêm nguồn thu”- ông Nguyễn Công Sanh  giải thích.

Tháng 10/2010, ông Sanh nghỉ hưu. Lúc ấy mấy anh em trên huyện đề nghị ông nhận chức Chủ tịch Hội khuyến học (một việc mà khi mới thành lập huyện ông kiêm nhiệm) giúp cho huyện, bởi khi còn làm việc, năm nào ông cũng cùng anh em kêu gọi được lượng tiền tài trợ kha khá, nhờ đó mà hàng trăm em nhỏ có quà bánh, có thêm sách vở, những suất học bổng. Lúc này, ông Sanh từ chối khéo bởi lượng biết: Tiếng nói của mình không còn ảnh hưởng nhiều; cũng như muốn dành một chút sức còn lại cho gia đình, địa phương nơi sinh sống. Thế nhưng, chưa được bao lâu sau ngày ông nghỉ hưu, một buổi sáng có người ở Sài Gòn ra, tìm nhà ông. Thì ra đó là  chủ dự án du lịch Cát Vân tại xã Thắng Hải thuộc huyện. Giữa ông và chủ dự án có duyên tri ngộ vì khi ông đương chức, họ thấy ông chân thành và thẳng thắn. Chủ dự án tha thiết mời ông làm Trưởng Ban quản lý dự án Cát Vân khi dự án bắt đầu xây dựng. Sau mấy lần khước từ, cuối cùng ông nhận lời vì tình bạn. Ông được cấp xe và tài xế. Sáng ông đi làm sớm, chiều mịt mới quay về với vợ con. Lại bắt đầu công việc, nếp làm giống như một công chức có trách nhiệm của thời chưa hưu.

 Trích lương tháng làm từ thiện

Ông Ngô Văn Láng, bảo: “Uống nước đi nhà báo. Chẳng mấy khi nhà báo về đây hỏi chuyện ông Sanh, tôi có chuyện này kể anh nghe. Ông Sanh sống tiết kiệm lắm. Chính vì vậy bọn tôi tò mò hỏi ổng: “Anh đi làm thêm 1 tháng được bao nhiêu?”. Ông nói: “30 triệu đồng cứng”. Nông dân bọn tôi nghe số lương tháng đó thì mất hồn. Đã vậy, ổng nói thêm: “Lương hưu 10 triệu đồng nữa. Tổng cộng: 40 triệu đồng mỗi tháng”. Trong đó, lương hưu đưa hết cho vợ, 30 triệu đồng thì giữ lại để  giúp đỡ bà con, người nghèo trong thôn, trong xã và vài nơi khác. Tôi biết ổng giúp nhiều lắm không kể hết đâu. Chỉ việc này thôi, tôi kể nhà báo nghe đủ thấy tấm lòng của ông ấy. Số là, thôn Láng Gòn 1 tôi có một số gia đình nghèo, một số bà con dân tộc thiểu số và vài người có hoàn cảnh không may, khó khăn… Gần như cả chục năm nay, năm nào tôi  cũng có nhiệm vụ lên danh sách người nghèo, mời bà con đến nhà anh để  anh  tận tay trao quà. Đó là gạo, đường, hạt dưa, lịch treo tường và vài trăm ngàn đồng tiền mặt. Trong 1 năm, nhiều người nhớ đến tháng 7 âm lịch vì có lễ Vu Lan; là tháng làm lành tránh dữ. Những năm gần đây, trước lễ nửa tháng, ông Sanh liên hệ với Bệnh viện huyện Hàm Tân đề nghị cho gia đình được nấu cơm từ thiện. Bệnh viện cho lịch hẹn. Đúng ngày hẹn, ông đưa cả gia đình lên nấu, phân phát cơm cho người nghèo. Chi bộ thôn biết chuyện, hỏi có cần hỗ trợ, ông ấy nói: “Cứ để các cháu trong nhà nấu. Đó là cách dạy các cháu lòng thương người; biết được sự cực khổ của bà con để sống tốt hơn”. Thú thiệt, tôi nghe ông ấy nói vậy cũng tự hỏi mình có dạy con chi li như ông Sanh, và dĩ nhiên là tôi đồng tình mạnh chớ sao. À há, nhưng còn chuyện này về ông Sanh hay lắm. Nhưng muốn biết rõ thì nhà báo nên gặp Đài Truyền thanh - truyền hình Hàm Tân.

Chuyện của ông bí thư chi bộ thôn Láng Gòn 1, xã Tân Xuân,  lần nữa xui tôi đi tìm nhà đài huyện.

 Nhà đài kể chuyện

Phạm Vũ Hoài Thái - Phó Trưởng Đài Truyền thanh - truyền hình Hàm Tân, nói: “Chúng tôi có rất nhiều clip liên quan đến ông Sanh, cũng như  đã làm 1 phóng sự truyền thanh về ông, tựa đề là “Đạo làm quan”.

Tác phẩm này đoạt giải A Liên hoan phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII/2010. Cứ thế, Hoài Thái cho tôi xem lại  phóng sự truyền thanh này. Đây là tác phẩm nằm trong chương trình “Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh”. Tác giả bài báo anh Lê Văn Phụng (đã mất) cho hay:  Trong 4 năm đầu, sau ngày thành lập huyện Hàm Tân, với cương vị là Bí thư Huyện ủy, ông Sanh vận động các nhà hảo tâm được 15 tỷ đồng, xây 1.009 căn nhà tình thương, tình nghĩa, cấp cho hộ nghèo, khó khăn về nơi ở. Cũng trong 4 năm đầu, ông vận động được 5 tỷ đồng khác, nhờ vậy  giúp cho hàng trăm trẻ nghèo được đến trường. Những năm gần đây, Đài Hàm Tân thường xuyên thực hiện 3 chương trình mang tính chất từ thiện, là: “Kết nối ước mơ xanh”; “Áo ấm tặng bà”; “Thắp sáng ước mơ”. Trong đó, “Kết nối ước mơ xanh” thực hiện đến lần thứ 8. Còn “Thắp sáng ước mơ” thì có sự kết hợp với Chi đoàn Khối cơ quan chính quyền huyện, tổ chức vào tháng Thanh niên hàng năm. Mỗi chương trình đều có đặc điểm riêng. Ví dụ như, “Kết nối ước mơ xanh” hướng đến các em học sinh có hoàn cảnh ngặt nghèo, mồ côi, khuyết tật, bị phơi nhiễm chất độc dioxin. “Áo ấm tặng bà” hướng về người già neo đơn, khó khăn. “Thắp sáng ước mơ” hướng đến hoàn cảnh bị bệnh tật hiểm nghèo, cần có tiền điều trị.  Đài 3 lần tổ chức chương trình “Thắp sáng ước mơ” (2016 -2019), mỗi lần tổ chức đều trao 3 phần quà, mỗi phần từ 20 - 35 triệu đồng. Nhờ vậy, một số em nhỏ bị bệnh tật hiểm nghèo được cứu. Chẳng hạn, Nguyễn Minh Hà ở Tân Xuân, nhờ số tiền hỗ trợ từ chương trình đã thay được hộp sọ nhân tạo, nhờ vậy trí nhớ của em tốt hơn trước, tiếp tục đến trường. Chưa kể, qua các lần tổ chức, hàng trăm học sinh nghèo khác được tặng sách vở, xe đạp, cũng như 1 học sinh được  tặng 1 căn nhà do cha mẹ quá nghèo nhưng em lại hiếu học. Có thể nói, những gì Đài Truyền thanh - truyền hình làm được, có sự đóng góp của nhiều đoàn thể, cá nhân, trong đó ông Nguyễn Công Sanh có một phần không nhỏ.  Mỗi một  lần chương trình tổ chức, ông đều tặng cho ban tổ chức 1 bức tranh có giá trị. Từ bức tranh ấy, ban tổ chức bán đấu giá  tìm người mua tranh giá cao... nhờ vậy mà có một nguồn tài chính kha khá, đủ sức giúp cho một số người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

 Và chủ tịch UBND xã…

Chuyện về ông Sanh đang còn nóng sốt thì thêm một người biết rõ về ông, góp chuyện. Đó là anh Võ Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân. Anh Cảnh nói: “Tôi làm chính quyền có nhiều việc phải lo, phải làm. Có những việc khó, tôi nhờ anh Sanh nói giúp một tiếng với bà con, với cán bộ thôn xóm, y như rằng sau đó các phong trào đều thuận lợi. Đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, anh Sanh là người đi đầu. Không chỉ một năm, mà nhiều năm, anh Sanh làm việc đó. Về số liệu, nhà báo nên gặp Ủy ban Mặt trận xã Tân Xuân, rõ hơn”. Cứ thế nhiều người nói về ông Nguyễn Công Sanh, một đảng viên hưu trí, như là nói về một người hiền của xã Tân Xuân.                                      

Ký: Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người hiền của xã Tân Xuân