Theo dõi trên

Nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát, tăng cao

01/08/2019, 09:03 - Lượt đọc: 51

BT- Bình Thuận là 1 trong số 34 tỉnh, thành phố có số ca tích lũy bệnh sốt xuất huyết (SXH) và số ca mắc tăng cao hàng tuần. Nếu người dân chủ quan, không tích cực phòng chống bệnh SXH, số người mắc bệnh sẽ không dừng lại, mà còn có khả năng tăng thêm, khó kiểm soát bệnh. 

                
   Một ca SXH ở người lớn đang điều trị tại    Khoa nhiễm – Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Tăng cao, diễn biến phức tạp

So cùng kỳ 2018, toàn tỉnh ghi nhận 1.941 ca SXH, tăng 3,8 lần, với 131 ổ dịch. Trong đó, số người lớn mắc bệnh chiếm tỷ lệ 66,5% so tổng số ca mắc bệnh này. Huyện Tánh Linh là “điểm nóng” về bệnh SXH, với số ca mắc cao nhất tỉnh (280 ca), kế tiếp Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc… Nhìn chung, số ca mắc SXH tăng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Vì vậy, tỷ lệ mắc/100.000 dân là 108,3, tăng 67,9% so kế hoạch (dưới 64,5/100.000 dân).

Theo Cục Y tế Dự phòng, cả nước có 6 trường hợp tử vong do mắc bệnh SXH; trong đó, Bình Thuận có 1 ca tử vong người lớn. Phân tích các trường hợp SXH người lớn tử vong do 90% nhập viện ban đầu trong giai đoạn nguy hiểm. Bình Thuận là 1 trong số 34 tỉnh, thành phố có số ca tích lũy và số ca mắc tăng cao hàng tuần. Dự báo, số ca mắc mới SXH sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không triển khai các biện pháp phòng chống bệnh một cách triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thọ (Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trong các tuần gần đây, số ca mắc SXH liên tục tăng mặc dù các ổ dịch được phát hiện và đã xử lý kịp thời theo quy định như khoanh vùng xử lý khi có ca bệnh theo tiêu chuẩn ổ dịch của chương trình phòng chống SXH. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện phun hóa chất diện rộng ở xã Tân Phước (La Gi), xã Bắc Ruộng và Đồng Kho (Tánh Linh). Bởi đây là những xã có nguy cơ và mật độ lăng quăng cao.  

Do nhiều lăng quăng, muỗi

Thông qua kiểm tra, giám sát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận thấy quá nhiều dụng cụ chứa nước của các gia đình chứa đầy lăng quăng, môi trường xung quanh không vệ sinh sạch, ứ đọng nước. Đây là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển truyền bệnh, khiến bệnh SXH lây lan trong cộng đồng. Chiến dịch vệ sinh môi trường còn mang tính hình thức; chưa thực hiện thường xuyên, chỉ thực hiện khi có ổ dịch hoặc phát động chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi. Không ít người dân chủ quan, ỷ lại vào sự làm thay của cán bộ y tế, đôi khi thiếu hợp tác gây cản trở công tác xử lý ổ dịch SXH. Mặc dù truyền thông phòng chống SXH  đã được đẩy mạnh, nhưng nhận thức, hành vi của người dân và cộng đồng chưa thay đổi nhiều.

Theo bác sĩ Thọ, bệnh SXH tại tỉnh gia tăng do diễn tiến theo chu kỳ, cứ cách 3 - 4 năm thì có 1 năm tăng đột biến. Do sự tác động của biến đổi khí hậu, sự khác biệt thời tiết của vùng, miền… là những yếu tố thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát sinh, dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác phòng chống SXH chưa được các huyện, thị, thành phố quan tâm. Vì thế, nguồn kinh phí cho hoạt động phòng chống bệnh này gặp nhiều khó khăn. 

Cách làm hay 

Mới đây tại “Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh SXH năm 2019”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội chia sẻ mô hình diệt lăng quăng phòng chống SXH tại huyện Thanh Trì; với mục đích giảm tỷ lệ mắc, hạn chế tối đa tử vong do SXH và loại khỏi danh sách 10 quận, huyện “nóng” về SXH của Hà Nội năm 2021. Đó là lập “Đội xung kích diệt lăng quăng” được cung cấp đèn pin, vợt. Cùng với đó, tổ giám sát phòng chống dịch gồm 2 người (1 cán bộ y tế và 1 lãnh đạo thôn, tổ dân phố) giám sát hoạt động 5 - 10 đội xung kích.

Mỗi đội xung kích gồm 2 - 3 thành viên (thuộc các tổ chức, đoàn thể như thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng…) phụ trách 30 – 50 gia đình, cơ quan, xí nghiệp… Với nhiệm vụ là kiểm tra, hướng dẫn cùng các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị xử lý triệt để các dụng cụ chứa nước, đồ vật có khả năng làm ổ lăng quăng theo tần suất diệt lăng quăng mỗi tháng 1 lần tại mỗi xã; tuyên truyền kiến thức phòng bệnh cho người dân; giám sát, phát hiện bệnh nhân nghi mắc SXH trong cộng đồng. Mô hình này mang lại kết quả khả quan và đã được nhân rộng nhiều huyện khác.

Quay trở lại câu chuyện SXH tại tỉnh, nếu người dân chủ quan, không tích cực phòng chống bệnh SXH, số người mắc bệnh sẽ không dừng lại, mà còn có khả năng tăng thêm, khó kiểm soát bệnh. Bệnh này chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Sự chủ động phòng ngừa là biện pháp quan trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, ngành mong người dân thường xuyên dọn dẹp các vật chứa nước trong và xung quanh nhà để hạn chế thấp nhất sự phát sinh lăng quăng, muỗi. Đó là nhận định của bác sĩ Thọ.

Từ mô hình trên, nên chăng ngành y tế Bình Thuận phối hợp với các đoàn thể, chính quyền xã đến huyện thực hiện thí điểm mô hình diệt lăng quăng như Hà Nội nhằm hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ người mắc bệnh cũng như hình thành thói quen của người dân trong cộng đồng thường xuyên vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng và muỗi.

Trang HiẾu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát, tăng cao