Theo dõi trên

Thanh âm đàn sáo trong không gian thơ

29/07/2019, 08:31

Thanh âm nhạc cụ dân tộc

BT- Giữa những bộn bề, chộn rộn của cuộc sống hôm nay, ngoài những không gian có hạn của những phòng karaoke chuyên nghiệp và phòng karaoke gia đình với hệ thống âm thanh được đầu tư, chăm chút; và không gian có phần sôi động của những sân khấu hát với nhau, những người thích sự tĩnh lặng nhẹ nhàng, có thể tìm đến không gian ở đó có sự hòa quyện thanh âm của các nhạc cụ dân tộc. Với hình dạng đơn sơ thôi, nhưng một số nhạc cụ dân tộc của Việt Nam đã đem đến cho người nghe những hiệu quả cao trong kỹ thuật biểu diễn như đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc.

Đàn bầu là 1 trong số nhạc cụ độc đáo của Việt Nam chúng ta, với hình dáng và cấu tạo đơn giản, gồm thân đàn và một sợi dây làm bằng kim khí. Chính quả bầu tạo cho tiếng đàn có âm sắc độc đáo. Âm thanh được phát ra bằng cách bồi âm, vì thế tiếng đàn bầu thường êm ả, sâu lắng và quyến rũ. Đàn bầu ngày nay đã có những cải tiến, nhưng vẫn chỉ 1 dây. Nhà thơ Văn Tiến Lê đã nhìn về cây đàn bầu:

“Một dây nũng nịu đủ lời

Nửa bầu chứa cả một trời âm giai”.

Nhạc sĩ tài danh Nguyễn Đình Phúc đã có bài hát về tiếng đàn bầu (Lời thơ Lữ Giang): “Lắng tai nghe đàn bầu thánh thót trong đêm thâu…” với những giai điệu rất đẹp, đi sâu vào lòng người của nhiều thế hệ người Việt chúng ta, cả người trong nước, lẫn người xa xứ.

Khác với đàn bầu, đàn tranh mang âm sắc của tiếng kim, với âm thanh vang, trong sáng, trữ tình. Là một loại nhạc cụ với 16 dây, gẩy bằng móng phụ kim loại, tay phải gẩy, tay trái nhấn dây. Kỹ thuật nhấn nhá bằng ngón tay gẩy tạo nên những thanh âm truyền cảm, đặc sắc, nhiều cung bậc. Đặc biệt, âm sắc đàn tranh có thể thể hiện một cách rõ nét chất âm nhạc của từng miền; thanh âm đàn tranh gần gũi với tâm hồn người Việt. Đàn tranh đã từng đưa những tên tuổi những nghệ sĩ người Việt vang xa, trong đó có nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng…

Với sáo trúc thì sao? Là một nhạc sĩ với tiếng sáo nổi tiếng một thời, nhạc sĩ Tô Kiều Ngân đã từng viết những dòng tràn cảm xúc về tiếng sáo Việt Nam:

“Nếu cao độ nghệ thuật là đạt tới sự u hoài thì tiếng sáo chính là một phương tiện giúp ta dễ dàng đạt tới chỗ u hoài đó. Tiếng sáo vẳng lên là ta đã thấy nhớ nhà, nhớ người thân yêu, nhớ bờ tre đầu ngõ, nhớ bụi chuối sau vườn, nhớ những kỉ niệm mến thân, nhớ hồi đầm ấm tươi vui cũng như nhớ thời khổ đau nước mắt… Tiếng sáo của những buổi trưa hè, vang lên từ khoảng đồng không lặng gió nghe sao vẫn véo von, vẫn gợi buồn man mác…

Thật vậy, không có âm thanh của nhạc cụ nào lại vang xa, càng xa càng trong vắt, càng mơ hồ như tiếng sáo… Tiếng sáo là âm thanh thân thiết, gần gũi nhất với tâm hồn người dân Việt. Bất cứ ở đâu, bên đồng, trong rừng, trên bãi biển,  trong khách thính, chỉ cần nâng sáo lên là đã diễn tả được nỗi lòng…”.

Nghệ sĩ nNhân dân Đỗ Lộc, cùng với tiếng sáo trúc tài hoa của mình, đã từng làm mê say biết bao người khi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Tiếng đàn, sáo trong không gian thơ

Tiếng đàn bầu có thể chỉ cất lên một mình. Đàn tranh thánh thót cũng có thể làm lay động lòng người chỉ do một người độc tấu. Tiếng sáo trúc trong vắt, vang xa, gợi nhớ về làng quê, mái nhà xưa cũng chỉ cần một người thổi hồn vào.

Thế nhưng, có những không gian mà khi những thanh âm của cùng lúc các nhạc cụ ấy cất lên, với kỹ thuật và tài hoa nhất định, có thể làm người nghe mê đắm.

Không gian thơ là một trong những không gian như thế. Sự hòa quyện, nương tựa nhau của những âm thanh được cất lên bởi tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc trong không gian thơ mộng của những đêm thơ Nguyên Tiêu ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận bên bờ sông Cà Ty mát rượi; trong không gian rộng lớn  của những đêm thơ Hàn Mặc Tử ở tháp Pô Sah Inư trầm mặc; trong không gian bao la với ánh trăng bàng bạc ở Bàu Trắng, Bắc Bình trong những đêm thơ; trong không gian thoáng đãng của quảng trường Nguyễn Tất Thành ở những đêm thơ nhạc; trong không gian nhỏ nhắn xinh xinh mát dịu ở những quán cà phê sân vườn ở Phan Thiết trong những đêm giao lưu, ra mắt các tập thơ của một vài tác giả… mang lại cảm giác thư thái, bình yên cho những người yêu thích sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng.

Tiếng đàn bầu êm ả, sâu lắng, quyến rũ, giao hòa với tiếng đàn tranh trong sáng, trữ tình, quyện vào tiếng sáo trúc véo von, réo rắt vang xa để dẫn vào những lời thơ. Nghe những đoạn nhạc dẫn vào thơ, nghe những đoạn hòa đàn gian tấu giữa các khổ thơ, rồi nghe những tiếng sáo trúc nương theo những lời thơ, ai cũngt thấy xao động.

Những thanh âm ngọt ngào ấy, vượt lên, vượt qua những ồn ã của nhịp sống đời thường, len lỏi trong điệu ngâm, len lỏi trong lòng người.

Tiếng đàn sáo đọng trong lòng người, gợi về những lời hát ru, những bài ca dao, gợi nhắc về những cánh cò, nón ba tầm, nụ tầm xuân, về gừng cay, muối mặn… và cả những lời thơ đẹp đẽ.

Vậy thì, trên dòng thời gian của cuộc đời, sao chúng ta không dành lại đôi chút để lắng nghe những thanh âm ngọt ngào, tuyệt vời của những nhạc cụ dân tộc của chúng ta, nghe những thanh âm của đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc quyện với nhau giữa những không gian thơ mộng, mát dịu, thoáng đãng của những đêm thơ. Để tiếng đàn, sáo ấy của dân tộc vẫn vẳng bên tai chúng ta, để những thanh âm ấy dẫn dắt ta về những kỷ niệm, để ta không quên rằng: Đất nước chúng ta từng có và mãi vẫn đang lưu giữ, nâng niu những nhạc cụ tuyệt vời, mang những thanh âm ngọt ngào, lắng đọng vào đời sống cộng đồng,  mang lại sự đồng cảm cho không biết bao thế hệ người Việt .

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh âm đàn sáo trong không gian thơ