Theo dõi trên

Đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam

25/07/2019, 09:30 - Lượt đọc: 60

BT- Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam (phía Đông) giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có chiều dài 160,3 km. Dự án gồm 3 dự án thành phần gồm: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 12 km; Vĩnh Hảo - Phan Thiết 100,8 km và Phan Thiết - Dầu Giây 47,5 km. Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.

                
      
Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An kiểm tra    thực địa giải phóng mặt bằng cao tốc qua địa bàn huyện Tuy Phong.

 Nhiều công việc tiến độ nhanh

Sở Giao thông Vận tải cho biết, đến nay đã có 28/29 xã phê duyệt bản đồ địa chính. Còn lại xã Mương Mán (Hàm Thuận Nam), Sở Tài nguyên và Môi trường đang kiểm tra nghiệm thu hồ sơ địa chính. Về giá đất cụ thể, hiện nay có 3 huyện là Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam (đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) đã phê duyệt hồ sơ giá đất cụ thể; Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh đã thông qua hồ sơ giá đất của huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân và Hàm Thuận Nam trình Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện nay đã kiểm kê 2.172 hồ sơ, đạt tỷ lệ 80%, trong đó Hàm Thuận Bắc đạt 99%, Tuy Phong đạt 95%, Bắc Bình đạt 94%. Có 1.058 hồ sơ đã xét tính pháp lý cấp xã, đạt tỷ lệ 39,19%; 433 hồ sơ đã xét tính pháp lý cấp huyện, đạt tỷ lệ 16,04%; thực hiện áp giá được 51/2.700 hồ sơ, đạt tỷ lệ 1,82%; dự kiến cuối tháng 7/2019 sẽ ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; dự kiến chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân đầu tháng 8/2019. Công tác xây dựng 5 khu tái định cư được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư; hiện nay đang tổ chức chấm thầu thi công xây lắp và đang thực hiện thông báo thu hồi đất để phục vụ công tác kiểm kê… Công tác di dời lưới điện 500 kV, 220 kV giao chéo với tuyến đường cao tốc đầu tháng 7 này Sở Công Thương đã tổ chức họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện thiết kế di dời, cải tạo các vị trí thuộc đường dây 500 kV, 220 kV giao chéo với đường cao tốc. UBND các huyện đang triển khai các bước tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế di dời.

 Tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý mặt bằng

Theo quy mô hoàn chỉnh của dự án, sau khi hoàn thành đường cao tốc có 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m; vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km. Toàn tuyến đi qua tỉnh Bình Thuận có 7 nút giao liên thông, 40 cầu vượt, 54 hầm chui bố trí tại các vị trí giao cắt với đường địa phương và đường gom với tổng chiều dài 185,1 km với tổng mức đầu tư 39,66 ngàn tỷ đồng. Đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với địa phương, giải quyết bức xúc về giao thông đối ngoại của tỉnh, là đòn bẩy để Bình Thuận phát triển.

Trong cuộc họp giao ban tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân đồng tình trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư có mặt bằng thực hiện dự án. Đồng thời, làm tốt công tác quản lý mặt bằng hiện trạng tuyến theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sớm hoàn thành công tác kiểm kê, xét tính pháp lý, áp giá, phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất, chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân. Rà soát các điểm giao cắt, các điểm đấu nối, đường dân sinh, các công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc báo cáo Sở Giao thông Vận tải để kịp thời có kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các Ban Quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải và đơn vị tư vấn trong suốt quá trình lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và tổ chức thi công nhằm giải quyết tốt các vấn đề về kỹ thuật, dân sinh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Phối hợp với UBND các huyện, Ban QLDA tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh, bổ sung vào dự án các điểm giao cắt, các điểm đấu nối, đường gom dân sinh, các công trình hạ tầng bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ phương án trồng rừng thay thế tại các huyện Hàm Thuận Nam, Tuy Phong, Hàm Tân và tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định. Về phía Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Công ty Điện lực Bình thuận, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, các Công ty Viễn thông chủ động làm việc với UBND các huyện, các Ban Quản lý dự án triển khai ngay việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. Các Ban Quản lý dự án sớm hoàn thành sơ đồ Gantt tiến độ thực hiện dự án để cung cấp cho UBND tỉnh kiểm tra, giám sát dự án; làm việc với Công ty Truyền tải điện 3 để có ý kiến chính thức về phương án xử lý giao chéo giữa tuyến cao tốc với đường điện cao thế làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc Nam