Theo dõi trên

Xung quanh đáp án đề thi môn Ngữ văn lớp 10: Sửa đáp án câu đơn – câu ghép đều đúng

17/07/2019, 17:23

BTO- Trong 2 ngày (10, 11/7), các thí sinh đã hoàn thành các bài thi của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập năm 2019 – 2020. Trong khi Hội đồng thi đang triển khai chấm thi thì đã có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đáp án đề thi môn Ngữ văn.  

Nhiều ý kiến trái chiều

Cụ thể, ở phần câu hỏi 1, đoạn trích "Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 2018) có đoạn "Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá". Đề thi hỏi, đoạn văn trên là câu đơn hay câu ghép?, chỉ ra các thành phần câu (0,75 điểm). Theo đó, đáp án của Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đoạn văn trên là câu đơn (0,25 điểm). Các thành phần câu: Chủ ngữ: Người con trai ấy (0,25). Vị ngữ: đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá (0,25 điểm).

Với đề thi và đáp án này, đã gây tranh cãi khá gay gắt không chỉ ở các giáo viên mà cả các chuyên gia ngôn ngữ cũng có những ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đây là câu ghép nhưng có ý kiến khác khẳng định đây là câu đơn. Theo Báo Thanh niên, GS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam, cho rằng, đoạn văn "Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá" là một câu ghép. Trong đó, người con trai ấy là chủ ngữ và đáng yêu thật là vị ngữ; ở vế sau chủ ngữ (người con trai ấy) bị khuyết đi với mục đích làm gọn câu và vị ngữ là làm cho ông nhọc quá. Trong khi đó, theo một tiến sĩ ngôn ngữ học của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, câu trên là câu đơn dù xét theo quan điểm ngữ pháp nào. Tiến sĩ này phân tích: “Theo quan điểm ngữ pháp chức năng, đây là một câu đơn. Trong đó, người con trai ấy là phần đề; đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá là phần thuyết nhằm thuyết minh cho vấn đề được nêu lên ở phần đề. “Nhìn theo quan điểm ngữ pháp truyền thống đây cũng là một câu đơn. Trong đó, chủ ngữ là người con trai ấy; 2 vị ngữ là đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”.

                
      Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường THPT công lập năm học    2019 – 2020.

Còn theo một thầy giáo dạy văn có kinh nghiệm ra đề văn của Sở GD & ĐT đã nghỉ hưu cho rằng "Việc phân loại ranh giới giữa câu đơn hay câu ghép cần có lập luận để chỉ ra, dựa trên cấu trúc ngôn ngữ học. Hiện nay, trên giáo trình của một số giảng viên đại học xác định đoạn văn trên là câu đơn. Nhưng một số ý kiến khác thì cho rằng đây là câu ghép. Ngay cả nhà ngôn ngữ học chưa thống nhất, vì thế mới có những trường phái ngôn ngữ xuất hiện. Cho nên, người ra đề và đáp án theo một hướng chưa lường trước được hiện tượng của loại câu này. Nhưng bảo họ sai thì không phải”.

Đáp án câu đơn - câu ghép đều đúng

Trước vấn đề này, qua trao đổi ông Phan Đoàn Thái – Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Bình Thuận cho biết: "Trong khi các chuyên gia còn tranh cãi chưa ngã ngũ câu văn này là câu đơn hay câu ghép. Để tránh thiệt thòi cho các thí sinh, sở đã hội ý lãnh đạo Hội đồng thi, tổ trưởng và tổ phó 3 tổ chấm thi môn Ngữ văn. Tất cả đều thống nhất cao sửa đáp án câu đơn - câu ghép đều đúng. Như vậy, thí sinh làm bài trả lời câu đơn hay câu ghép đều được điểm tuyệt đối. Hiện Ban chấm thi đang trong quá trình chấm môn Ngữ văn, những bài thi đã chấm được chỉ đạo chấm lại theo đáp án đã sửa nhằm đảm bảo công bằng, tránh thiệt thòi cho thí sinh".

Theo ông Thái quy trình ra đề được Sở GD & ĐT thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ. Người ra đề thi lớp 10 có cả giáo viên THPT và THCS, tất cả đều được cách ly đến khi thí sinh thi xong. Sau khi ra đề thi xong, có tổ phản biện đề thi trước khi trình hội đồng thẩm định. “Đây là lần đầu tiên sở gặp sự cố về đề thi có câu hỏi gây tranh luận như thế này. Qua sự cố này, Sở GD và ĐT sẽ rút bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc ra đề thi, tránh tình trạng ra đề thi có những câu hỏi gây hiểu nhầm cho thí sinh và tranh luận như trên trong những năm tiếp theo", ông Thái nói".

Thanh Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung quanh đáp án đề thi môn Ngữ văn lớp 10: Sửa đáp án câu đơn – câu ghép đều đúng